Tôi đã bỏ "dại" dọn nhà đón tết

25/01/2025 - 17:48

PNO - Dọn nhà đón tết, một phong tục của người Việt. Thế nhưng, đôi khi việc dọn nhà ngày tết lại trở thành nỗi ám ảnh, một “cái dại” khó lý giải.

Dọn nhà, trang hoàng nhà cửa là nét đẹp truyền thống của người Việt. Ảnh Freepik.com
Dọn nhà, trang hoàng nhà cửa là nét đẹp truyền thống của người Việt. Ảnh Freepik.com

Những ngày cuối năm, người người nhà nhà lại tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón chào năm mới. Đây là một phong tục đẹp gắn liền văn hóa truyền thống của người Việt. Thế nhưng, đôi khi việc dọn nhà ngày tết lại trở thành một nỗi ám ảnh, một “cái dại” khó lý giải.

Tôi sinh ra và lớn lên ở An Giang, nơi mà cứ mỗi dịp giáp tết, nhà nào cũng hối hả quét mạng nhện, lau chùi cửa, sơn phết lại nhà cửa… Công việc này diễn ra quanh năm, vậy mà cứ đến tết, mọi người lại dọn dẹp một cách triệt để, giống như thể muốn “lột xác” hoàn toàn cho ngôi nhà. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi có một “truyền thống” dọn nhà gần như “bê nguyên” mọi thứ ra lau chùi, rồi lại bê vào đặt lại chỗ cũ.

Khi tôi lên TPHCM học, cứ tưởng thoát kiếp dọn nhà dịp tết. Nhưng anh Hai tôi cứ gần tết là nhắn vào group gia đình: “Thứ Bảy tuần này phụ anh chị dọn nhà nghen”. Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại khiến chúng tôi “ngán ngẩm” vô cùng. Bởi lẽ, căn nhà 4 tầng của anh Hai cùng sự kỹ tính của chị dâu khiến ngày dọn nhà chẳng khác “lao động khổ sai”.

12 người chia nhau ra quét mạng nhện, lau cửa kính, lau cầu thang, dọn bếp, lau tủ rượu… và cuối cùng là cả nhà xúm lại lau từng chai rượu. Công việc kéo dài từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều khiến ai nấy đều rã rời.

Điều đáng nói là năm nào cũng vậy, tủ rượu chẳng những không vơi đi mà còn được bổ sung thêm những chai mới.

Tôi nhớ có lần sinh nhật mình, chị dâu nhờ tôi phụ dọn nhà (khi đó anh chị ở nhà nhỏ) rồi tối cả nhà đi ăn mừng. 2 chị em dọn từ sáng đến gần 23g đêm mới xong. Đến lúc ra quán thì đã đóng cửa. Vậy là sinh nhật tuổi 18 của tôi (năm 1996) chỉ có đĩa cơm tấm vỉa hè và thổi nến ở đó. Kể từ đó, tôi hình thành một nỗi “ám ảnh” với việc dọn nhà ngày tết.

Thế nhưng, khi có nhà riêng, tôi lại “vô thức” lặp lại cái dại ấy. Cứ dọn xong nhà anh Hai thì ½ lực lượng đó qua dọn nhà tôi. Căn hộ chung cư chỉ 84m2 của tôi trông nhỏ gọn, nhưng từ vợ chồng, hai con, đến 4 đứa cháu tôi dọn từ sáng đến chiều vẫn chưa xong. Hàng xóm thấy tôi dọn nhà hỏi: “Chị Dung chuẩn bị chuyển nhà hà?”. Một lần, cháu tôi thắc mắc: “Ủa, sao năm nào mình cũng khiêbg đồ ra lau chùi rồi lại bưng vô y chang?”.

Chồng tôi dọa: “Em không chịu bỏ bớt đồ, cứ khiêng ra khiêng vô hoài là năm sau anh không dọn nữa nghe. Tết để nghỉ ngơi, mắc gì hành xác dữ vậy, rồi cũng y như cũ?”.

Đừng để việc dọn nhà ý nghĩa trở thành lao động khổ sai. Ảnh Freepik.com
Đừng để việc dọn nhà ý nghĩa trở thành "lao động khổ sai". Ảnh Freepik.com

Ngẫm nghĩ, tôi thấy mọi người nói hợp lý. Những năm sau, tôi chỉ dọn dẹp các phòng, còn hai ban công “nhà kho” thì để nguyên. Những chiếc vali ít dùng dưới gầm giường, quần áo ít mặc cũng được “tha”. Nhờ vậy mà thời gian dọn dẹp giảm đi một nửa. Rút kinh nghiệm, năm rồi tôi mạnh tay bỏ bớt những món đồ không dùng đến, gửi về quê hoặc cho người khác. Việc dọn nhà chỉ trong 45 phút với sự phân công lao động: chồng quét mạng nhện, lau quạt, tôi lau sàn, con lau bếp và nhà vệ sinh.

Năm nay, tôi quyết định “thả cửa”, chỉ dọn dẹp như ngày thường. Nghe vậy, chồng con tôi rạng rỡ, vui mừng vì “thoát khỏi kiếp dọn nhà”.

Câu chuyện dọn nhà ngày tết của nhà tôi nghe có vẻ hài hước, nhưng đây có lẽ cũng là phiên bản của rất nhiều gia đùnh. Nhiều người vẫn mải miết theo những “chuẩn mực” ngày tết, mà quên mất ý nghĩa thực sự của nó. Tết là dịp để sum vầy, nghỉ ngơi, tận hưởng những khoảnh khắc đầm ấm bên gia đình, chứ không phải là thời gian để “hành xác”.

Dọn dẹp nhà cửa đón tết là một thói quen, nếp của ngày tết. Nhưng làm sao để việc dọn dẹp trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, đừng biến nó thành nỗi ám ảnh, áp lực ngày tết.

Gia Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI