Chị Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên (CSAGA):

"Tôi của ngày hôm nay luôn mới, luôn khác"

20/10/2024 - 17:06

PNO - Bền bỉ giúp phụ nữ và trẻ em được sống với khát vọng của chính mình, tìm lại niềm vui và bình yên trong cuộc sống. Không chỉ vậy, người phụ nữ độ tuổi 60 ấy còn đam mê những chuyến đi mang tính mạo hiểm…

Tham dự hội thảo ở Jakarta với phát biểu về chương trình làm việc với nam giới
Chị Nguyễn Vân Anh tham dự hội thảo ở Jakarta với phát biểu về chương trình làm việc với nam giới

Hơn 20 năm bền bỉ hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, giúp nhiều phụ nữ và trẻ em được sống với khát vọng của chính mình, tìm lại niềm vui và bình yên trong cuộc sống thông qua tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế là những nét nổi bật về chị Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên (CSAGA).

Ngoài ra, người phụ nữ độ tuổi 60 ấy còn là một người năng động, đam mê những chuyến đi mang tính mạo hiểm…

Với Thủ tướng Canada nhân dịp ông thăm Việt Nam
Với Thủ tướng Canada nhân dịp ông thăm Việt Nam

Chỉ một mình tôi sẽ không làm được gì

Phóng viên: Điều gì thôi thúc chị thành lập và phát triển trung tâm CSAGA?

Chị Nguyễn Vân Anh: Trong nhà Phật, từ “duyên” giúp tôi giải thích mọi điều. Mọi sự ra đời đều cần hội đủ duyên lành. Đó là những trải nghiệm thời kỳ làm phóng viên chuyên mảng vấn đề xã hội, trải nghiệm các nhà tù, trung tâm giáo dưỡng, theo chân cảnh sát triệt phá các vụ đua xe, đánh bạc… lắng nghe tâm sự của người trong cuộc với những day dứt. Đó là việc ra đời của trung tâm giải đáp thông tin văn hóa; là sự hỗ trợ của những người tốt; là sự đồng lòng của các đồng nghiệp. Chỉ một mình tôi sẽ không làm được gì. Hội tụ đủ những điều kiện như thế, CSAGA mới ra đời và phát triển được.

Là một tổ chức phi chính phủ nhỏ, chúng tôi luôn vận động để phối hợp với các tổ chức khác, với cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế để có thể làm những điều tốt nhất cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào phụ nữ và trẻ em bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo liên quan tới bạo lực giới
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo liên quan tới bạo lực giới

* Hiện tại, chị có thể nhận xét gì về các tình trạng bạo lực hoặc quấy rối liên quan tới phụ nữ và trẻ em?

- Tôi muốn nói đến bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh thiên tai thảm họa. Tôi nhận thấy chưa có các nghiên cứu về chủ đề này tại Việt Nam trong khi các báo cáo của thế giới đã cho thấy tình trạng vi phạm tăng lên nhiều lần trong thiên tai thảm họa. Năm nay, tôi thấy có thêm một khái niệm mới: tham những tình dục. Có lẽ nó khá mới mẻ với nhiều người Việt Nam nhưng là vấn đề thế giới đang quan tâm. Tôi hy vọng trong thời gian tới nó cũng được quan tâm tại Việt Nam.

Quấy rối tình dục cũng là một chủ đề đang được chú ý để phòng ngừa và thay đổi. Vừa rồi, một số hãng tên tuổi lớn của thế giới đã có yêu cầu bắt buộc về bộ quy chuẩn Phòng chống bạo lực và quấy rối tình dục nơi công sở với các nhà máy đặt tại Việt Nam. Phải đảm bảo điều kiện này, họ mới hợp tác. CSAGA là đối tác đầu tiên, duy nhất hiện nay tại Việt Nam lựa chọn để đồng hành, xây dựng và giám sát việc thực hiện các quy chuẩn này trong mỗi nhà máy 15 tháng, theo quy trình chuẩn quốc tế. Các khóa học về kiến thức phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục được tập huấn cho các lãnh đạo cao nhất của nhà máy, từ cấp tổng giám đốc đến các lãnh đạo cấp trung, công nhân. Nhà máy cũng phải có ban phòng chống quấy rối tình dục với tiêu chuẩn có thành viên bên ngoài đảm bảo khách quan. Như vậy, sắp tới, quy chuẩn về phòng chống quấy rối tình dục sẽ được xem là thế mạnh của 1 nhà máy để có thể hợp tác với các hãng lớn trên thế giới, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thảo luận kế hoạch hợp tác với Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống
Thảo luận kế hoạch hợp tác với Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống

Vừa rồi, chúng tôi cũng xây dựng trên kênh TikTok của mình những hướng dẫn để phòng chống bạo lực, tình dục trong thiên tai bão lũ. Ví dụ như khi đang xảy ra thiên tai, bạn phải làm gì; nếu trong thiên tai mà có căng thẳng trong gia đình, bạn nên làm gì… Bạn không cần phải trao đổi tình dục với ai dù đó là người cứu bạn… Khi thảm họa thiên tai xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái gặp rất nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu những đồ dùng thiết yếu.

Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị bạo lực và xâm hại tình dục. Ngoài hướng dẫn cho người ở vùng thiên tai bão lũ, chúng tôi còn xây dựng chương trình truyền thông một cách dễ hiểu, dễ phổ biến dựa vào các tài liệu của nước ngoài, của các cơ quan khác nhau hướng dẫn cho người cứu trợ, cho chính quyền cơ sở biết phải làm gì.

Với các cán bộ CSAGA dịp xuân về
Với các cán bộ CSAGA dịp xuân về

Thấu cảm và không khoan nhượng

* Vì sao chị luôn đề cập đến từ chuyển hóa, lắng nghe và bây giờ là thấu cảm đi cùng với không khoan nhượng?

- Tôi có tham gia các hoạt động phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) trong ASEAN. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký chương trình National Actions Plan (kế hoạch hành động quốc gia). Thế giới đang đi theo xu hướng tiếp cận các vấn đề từ góc nhìn hòa bình. Nếu như trước đây chúng ta thường dùng từ phòng chống bạo lực từ cơ sở giới thì giờ đây, CSAGA đã đổi chiến lược, thay đổi góc nhìn từ khổ đau sang hòa bình. Các chuyên gia đã bổ sung kiến thức mới từ góc nhìn mới này.

Tôi từng đọc câu chuyện Hãy gọi đúng tên tôi của thầy Thích Nhất Hạnh kể rằng khi nghe tin một tên cướp biển cưỡng hiếp một đứa trẻ 12 tuổi khiến em nhảy xuống biển, thầy đã rất khổ đau, phẫn uất. Thế nhưng, trong những giờ thiền quán, thầy thấy mình là tên cướp biển sinh ra ở miền duyên hải, trong một gia đình ngư dân nghèo, mẹ là người nội trợ, còn con cái lêu lổng. Trong hình hài đó, thầy đã hiểu vì sao con người ấy lại trở thành tội phạm. Thầy thấy được hàng trăm em bé sinh ra nếu không được dạy dỗ, chăm sóc; nếu bị các nhà văn hóa, nhà giáo dục bỏ bê thì sau đó sẽ có nhiều hải tặc… Vậy nên chúng ta phần nào cũng có trách nhiệm liên đới đến cái chết của em bé kia. Đó là quán chiếu theo lý vô ngã và không thể đổ tội hoàn toàn cho tên cướp biển.

Lúc đầu, tôi thấy không thể chấp nhận được. Tại sao có thể tha thứ, giảm tội cho con người đó? Sau này, tôi hiểu vì sao tên cướp biển lại trở thành kẻ tội phạm mất nhân tính như vậy. Kẻ đó vi phạm pháp luật thì sẽ bị pháp luật trừng trị nhưng nếu có cái nhìn thấu cảm, ta sẽ hiểu được động cơ và bản chất của sự việc. Nếu như thời tuổi thơ, tên cướp biển kia được đối xử công bằng, được sống trong tình nhân ái và bao dung, liệu sau này có trở thành tội phạm hay không? Nếu những người đàn ông đều được giáo dục từ bé về sự tôn trọng và tình yêu thương thì họ sẽ không có thái độ giành giật quyền lực, chứng tỏ uy quyền, gia trưởng, chà đạp lên những người yêu thương khi họ cho rằng phải như thế mới thể hiện tư cách đàn ông. Tôi nghĩ rằng không hề có sự mâu thuẫn giữa thấu cảm và không khoan nhượng.

Với kẻ phạm tội, nếu ta chỉ trừng trị thì đơn giản quá. Hận thù chỉ đáp trả bằng bạo lực và hận thù thì mãi mãi không bao giờ hết được khổ đau. Trong thiền, có một trạng thái gọi là phản cung. Sự tức giận của một người nhắm đến người khác giống như sự phản cung, quay lại với chính mình. Mình sẽ là người phải hứng những chất độc, những năng lượng xấu đó… Làm sao để vơi bớt khổ đau, vơi bớt hận thù, vơi bớt sự căm hận…? Việc vượt qua được điều đó sẽ mang lại năng lượng tích cực cho bạn.

* Chị có thể lý giải vì sao tình trạng những mâu thuẫn xung đột trong gia đình ngày càng gia tăng và việc hàn gắn hạnh phúc gia đình ngày càng mong manh?

- Thật ra, sự kết nối gia đình giờ đây dễ bị phá hủy bởi sự xao lãng khiến con người ít kết nối với con người thật hay nếu có kết nối thì lại… ở đâu đó bên ngoài. Con người khó kết nối với chính mình khi quá quan tâm đến ồn ào ngoài kia. Trong xã hội ngày nay, có nhiều quan niệm thay đổi. Chẳng hạn tôn trọng đời sống cá nhân, gia đình không nhất thiết là phải có chồng có vợ, không nhất thiết cố duy trì cuộc sống hôn nhân. Song, phải biết chia sẻ là một vấn đề rất cần thiết nhưng giờ đây dường như đang bị quên lãng.

Thăm trụ sở Facebook ở Singapore thảo luận về chat bot dành cho nạn nhân bạo lực giới
Thăm trụ sở Facebook ở Singapore thảo luận về chat bot dành cho nạn nhân bạo lực giới

Ngày nào với tôi cũng là ngày mới

* Một ngày của chị thường diễn ra như thế nào, có vẻ như luôn đầy ắp sự kiện?

- Tôi sống ở vùng ngoại ô. Nhà tôi có vườn và thật nhiều cây do chính tôi và gia đình trồng lên từ hạt hoặc cây bé. Bây giờ, cây cối to lắm rồi, có hoa trái, chim chóc, chó, mèo, gà, cá… với tất cả đời sống nông thôn. Xưa kia tôi sống với ông bà nội như thế nào thì hiện giờ tôi đang được sống như thế. Tôi dậy lúc 4g sáng, thiền 1 tiếng, tập 1 bài thể dục hoặc chạy bộ quanh vườn… Tôi tham gia 1 lớp học tiếng Anh, 1 khóa học trị liệu nghệ thuật. Khóa đó vừa giúp tôi nâng trình độ tiếng Anh vừa nạp thêm kiến thức. Lúc nào tôi cũng trong trạng thái đang học cái gì đó. Sau đó, tôi chơi với chó mèo, ăn sáng, uống cà phê, đi làm…

Ngày của tôi bắt đầu rất sớm nên vào buổi sáng, tôi làm được nhiều việc lắm. Nhà cách chỗ làm 35km nên hôm thì tôi đi bằng xe buýt, hôm thì tự lái xe. Trên xe, tôi thường nghe các bài nói chuyện, bài giảng của các thầy hoặc các chương trình liên quan tới công việc… Một năm tôi nghe được rất nhiều vì thời gian trên đường chính là thời gian tôi học. Các ý tưởng của tôi cũng thường được nảy sinh trên đường.

Tại một giải chạy ở Mù Căng Chải
Tại một giải chạy ở Mù Căng Chải

* Dường như độ tuổi này mới là thời kỳ rực rỡ nhất của chị?

- Tôi mới đi Ladakh về. Người Việt qua đó nhiều đến mức tôi nghĩ nên có một quán phở ở đó. Càng đi, tôi càng thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp. Càng đi, tôi càng mở mang tầm mắt. Ví dụ như khi tôi ngắm nhìn thì thấy núi đồi ở Ladakh trơ trọc như mặt trăng, như không có sự sống, toàn đất đá, ít cây… Nhưng ở khách sạn nơi tôi nghỉ, trên tường treo nhiều hình ảnh đẹp về các con vật ở Ladakh. Tôi hỏi người quản lý, ông ta bảo tôi hãy quan sát, rằng trên mặt đất có nhiều loại cỏ cây hoa lá bé li ti và các loài động vật có màu rất giống với màu của núi, của đất, của cỏ cây khiến tôi không thấy được. Chúng ăn những thứ cỏ cây bé nhưng nhiều protein… Hóa ra cái mình thấy chưa chắc đã đúng. Đây là một bài học quý và tôi nghĩ mình sẽ trở lại nơi này.

Tôi cũng luôn tự hỏi sao mình cứ thích đi vào những nơi hiểm trở khó khăn như vậy. Rồi tôi dần hiểu ra: mỗi lần đi như thế, ý chí của mình được rèn luyện qua thử thách. Tôi thích trưởng thành qua thách thức. Chuyến đi mạo hiểm khám phá hố sụt Kong (Quảng Bình) đã mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc.

Với người trẻ, chuyến đi ấy có lẽ bình thường nhưng với tôi - một phụ nữ 60 tuổi với không ít bệnh tật - đó không phải là điều dễ dàng. Với những chuyến chạy marathon, tôi không phải là người khỏe nhưng ý chí đã rèn giũa tôi, giúp tôi không bỏ cuộc. Chuyến trekking và chèo sup vượt 19km qua 27 con ghềnh sông Giăng (Nghệ An) đã đem lại cho tôi những cảm giác rất mạnh nhưng tôi vẫn muốn quay trở lại lần nữa. Dẫu sợ thót tim nhưng sau khi qua được, tôi lại thấy bản thân còn nhiều điều chưa khám phá hết.

Hay ở Ladakh, tôi từng rất phân vân liệu mình có nên đi xe máy trên đường mà một bên là vách núi, một bên là vực, không có rào chắn… Trên đường, tôi gặp rất nhiều chiếc xe bị tai nạn mà người ta vẫn giữ ở đó, kèm theo những biển báo như: “Đừng đi như họ”, “Hôn nhân thì cần giữ nhưng tốc độ thì cần chậm lại”, “Máu rất quý nên đừng đổ trên đường”…

Tóm lại, những thử thách là một phần của con người mình, giúp mình trưởng thành nên có lẽ vì thế mà nó luôn thu hút.

Với cháu nội trong vườn
Với cháu nội trong vườn

* Nếu được chọn 1 điểm đến, chị sẽ đi đâu, lại một chỗ mạo hiểm nữa chăng?

- Không, thực ra đi nhiều cũng chỉ là đi ở ngoại cảnh. Tôi thích thám hiểm bên trong mình. Nó khó khăn và thú vị hơn nhiều. Thế giới bên trong chúng ta cũng phong phú, kỳ diệu đâu kém thế giới ngoài kia. Tôi đã học được những giá trị mà trước kia chỉ biết lơ mơ. Ngày nào với tôi cũng là ngày mới. Mỗi ngày, tôi lại như được sinh ra thêm lần nữa. Trước đây, tôi đâu thấy mình của ngày hôm nay. Tôi của ngày hôm nay luôn mới, luôn khác…

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Codet Ha Noi

- Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI