Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày chúng tôi ra mắt hai họ về chung một nhà nhưng anh có vẻ không vui, đôi khi lặng người suy nghĩ, tôi nói gì anh cũng không hay biết. Tôi hỏi, anh chỉ cười gượng và im lặng. Cho đến khi tôi giận dỗi hỏi có phải anh không muốn đám cưới này, nếu vậy thì hủy đi khi còn sớm. Khi ấy anh mới nói thật.
Hóa ra ba mẹ tôi chê anh nghèo. Tôi không biết ba mẹ đã hẹn gặp riêng và nói anh nên “buông tha” cho tôi. Rằng tôi là đứa con gái “đẻ bọc điều”, sung sướng đủ đầy từ nhỏ, đâu có lý nào vì lấy chồng lại trở nên nghèo túng. Rằng tôi sẽ không chịu được, ba mẹ cũng không thể chấp nhận, nhưng vì tôi đang mê muội nên ông bà nhờ anh lên tiếng. Ba mẹ còn nói chỉ cần một tháng tôi sẽ nguôi ngoai vì bên cạnh không thiếu những người tốt hơn anh, sẵn sàng làm tôi vui và quên anh.
|
Ảnh minh họa |
Nghe anh khẳng định sẽ tạo dựng một gia đình hạnh phúc cùng tôi, mẹ quay sang kể lể dù tôi đã đi làm mấy năm nhưng có tích cóp được đồng nào. Vẫn dùng tiền của bố mẹ cho, từ mua đôi giày hay cái váy, nên mai kia anh đừng hy vọng tôi sẽ chung tay. Mẹ kể đã mua sắm những gì cho đám cưới và cho chúng tôi sau này, để mong tôi không phải khổ. Mẹ còn thở dài, nếu tôi lấy bất kỳ ai không phải là anh, ba mẹ sẽ chẳng cần lo gì hết.
Ngày đưa anh về giới thiệu, nghe chuyện nhà anh, ba mẹ tôi đã không vừa ý, mẹ còn so sánh anh với những người con trai khác đang để ý con gái bà. Tôi nói có thể bây giờ anh thua những người khác về tiền bạc, nhưng mai này chưa biết ai hơn ai. Mẹ cười khẩy nói tôi mơ mộng lãng mạn, giờ không thể sống trong túp lều tranh với hai quả tim vàng được đâu. Tôi nghĩ mình cứ sống tốt ba mẹ sẽ yên lòng, không ngờ ông bà lại tìm anh và nói những lời đó.
Anh nắm tay tôi nói, có lẽ một tháng nữa sẽ không có đám cưới, “nhưng nếu em tin anh, chấp nhận cuộc sống nghèo nàn cùng anh 5 năm, anh sẽ cho em một gia đình hạnh phúc”.
Tôi tin, kể cả khi anh không giàu có.
Tất nhiên ba mẹ tôi rất giận dữ và tuyên bố từ mặt khi chúng tôi thông báo sẽ hủy đám cưới, sẽ đăng ký kết hôn và về ở với nhau. Ba mẹ anh ái ngại, thương tôi thiệt thòi nhưng hai đứa đã quyết nên họ đành chiều theo. Nhưng dù ba mẹ anh có nói thế nào, ba mẹ tôi cũng không thay đổi ý kiến: “Nó thành con dâu hay con gái ông bà nhưng không còn là con chúng tôi!”
Năm năm chúng tôi chuyển từ nhà trọ nọ sang nhà trọ kia, chịu cảnh nóng nực mùa nắng, ngập dột mùa mưa, chật chội suốt hai mùa, có những đêm cúp điện, anh ngồi thức trắng quạt cho tôi ngủ. Vì để mua cho tôi cái máy giặt mà anh đã đi làm thêm đến tận khuya suốt ba tháng. Vì không muốn tôi ở nhà một mình nên anh chấp nhận chạy xe trăm cây số cả đi lẫn về mỗi ngày…
Sinh con đầu lòng, tôi không có mẹ chăm sóc nên anh không nề hà, tự làm tất cả từ giặt tã lót đến thay băng vệ sinh. Tôi nói tuần đầu tiên có thể thuê hộ lý về tắm em bé nhưng anh không chịu, nói đã học cách chăm sóc mẹ và bé rồi. Anh muốn tự tay chăm sóc cho con gái và tôi, để sau này lỡ xảy ra chuyện gì thì anh không hối hận vì đã không hết sức, để tôi cũng hiểu mình được thương yêu như thế nào. Anh không muốn tôi ân hận với quyết định mấy năm trước của mình.
Anh nói, tôi đã rất dũng cảm khi theo anh. Có những đêm tôi nhớ ba mẹ, anh chở tôi về cổng nhà, nhìn vào trong rồi lại chở tôi về trong tiếng nức nở thút thít. Anh nói sẽ cố gắng hơn nữa để ngày ba mẹ tha thứ sẽ sớm đến. Có thời điểm anh bận rộn vất vả đi làm công trình xa, chỉ còn nặng 54 ký. Ba mẹ anh cũng xót nhưng không cản nổi. Chỉ khi tôi nói nếu anh không thương bản thân, tôi sẽ về ngoại; mẹ con tôi muốn có anh cả đời chứ không muốn anh bệnh hoạn hay xảy ra chuyện gì, anh mới chịu chú ý bản thân.
|
Ảnh minh họa |
Từ khi có con, tôi nghĩ mình cứ sống thế này cũng tốt. Ở nhà trọ thì sao, bao người ở nhà trọ vẫn hạnh phúc đó thôi. Chúng tôi có nhau, có con, có xe để đi lại, đủ tiền trang trải cuộc sống thường nhật, bao người mơ còn chưa được. Anh gượng nhẹ nắm bàn tay con gái: “Anh hiểu tâm trạng ba mẹ em khi đó, nhất là từ khi làm cha. Anh nhất định cho mẹ con em một cuộc sống khá hơn!”.
“Khi chiều ba mẹ gọi điện hỏi mai có phải đầy tháng con gái không. Ông bà ngoại đã đặt bàn ở nhà hàng và mời ông bà nội cùng đến. Ông bà muốn gặp cháu ngoại”, chiều nay anh đi làm về sớm hơn mọi ngày và thông báo.
Tôi vùng vằng: “Muốn là được sao? Em không đến!”.
“Thật ra bố mẹ đã nhượng bộ nhiều nên mới chấp nhận cho em theo không anh mấy năm nay. Em dũng cảm một thì ba mẹ đã can đảm mười. Con cái là trái tim của ba mẹ. Ba mẹ để trái tim mình ở ngoài cơ thể, xa tầm mắt mình không phải là chuyện dễ dàng”.
Tôi biết và cũng nhớ ba mẹ nhưng vẫn ấm ức và tội nghiệp anh. Bốn năm nay anh đã giữ đúng lời hứa hôm nào.
|
Ảnh minh họa |
“Ngày thôi nôi con, anh sẽ bù cho em một đám cưới, phen này đám bạn anh sẽ tha hồ ghen tị và đi phong bì gấp đôi, anh cho bọn nó nợ lâu rồi!”.
Tôi nhìn anh vừa cười vui vẻ vừa chọn váy cho mẹ con tôi mặc vào ngày mai, hẳn anh đang nghĩ đến vẻ nhăn nhó ghen tị của các bạn. Có một người bạn đồng hành như anh, tôi còn mong gì hơn.
Thùy Trang (An Giang)