Kính gửi chị Hạnh Dung,
Năm nay tôi 56 tuổi, vợ tôi 47. Vợ chồng tôi đều đang đi làm. Con cái đều đã lớn. Con gái đầu của tôi du học nhưng do dịch COVID-19 nên đã chuyển về học tại Việt Nam.
Cháu đang học năm thứ ba, có bạn trai và giờ hai đứa quyết định sẽ cưới nhau. Bạn trai của con đã đi làm nhưng chỉ là một vị trí hời hợt kiểu nhân viên kinh doanh ở một công ty không tên tuổi nào đó.
Tôi không phản đối việc con gái yêu, có bạn trai, thậm chí thân mật hơn nhưng chuyện cưới nhau thì chúng tôi đều thấy thật điên rồ.
Con tôi mới 21 tuổi. Vợ chồng tôi có hai con gái, chúng tôi đầu tư chu đáo cho các con từ nhỏ (giáo viên kèm riêng tại nhà, học tiếng Anh, học piano, chơi thể thao, đi du lịch ở nước ngoài…) mong cho con có cuộc sống hạnh phúc hơn, ở một tầm mức cao hơn.
Con gái tôi học giỏi, thông minh, nhanh nhẹn và rất tự tin. Cháu có thể vươn tới một tương lai tươi sáng hơn rất nhiều. Vậy mà chỉ sau mấy tháng quen cậu trai kia, con bé sẵn sàng vứt bỏ tất cả để quanh quẩn với một cuộc sống tầm thường, với một người chồng không có gì nổi bật.
Tôi đã nói chuyện với con, ngọt ngào có, nghiêm khắc có nhưng con tôi không thay đổi. Cả hai đứa nói nếu tôi không đồng ý, chúng sẽ tự đăng ký kết hôn, thuê nhà ở riêng. Tôi sợ con gái bỏ học nên không dám làm căng nhưng tôi không biết làm sao để ngăn đám cưới này.
Tuấn Võ (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Anh Tuấn Võ thân mến,
Cha mẹ nuôi con, chăm lo cho tương lai của con nhưng chúng ta thường quên rằng tương lai đó thuộc về con chứ không thuộc về cha mẹ.
Có lẽ cảm xúc anh chị đang trải qua lúc này không chỉ là nỗi buồn giận con, thất vọng trước quyết định của con mà còn là sự bất lực của người lớn trước việc những đứa trẻ vuột khỏi tay mình, tự quyết định cuộc đời chúng.
Tuy nhiên, chắc anh chị cũng thấy, con gái anh chị đã ở tuổi trưởng thành, có quyền quyết định cuộc đời cháu.
Trong đa số trường hợp, sự căng thẳng của cha mẹ không mang lại kết quả như cha mẹ mong muốn. Vợ chồng anh sẽ tự làm khổ mình.
Trong trường hợp con gái anh chị buộc phải nghe lời, anh chị sẽ làm khổ thêm cặp đôi đó. Hãy thấu hiểu và chấp nhận.
Anh chị cần nói chuyện với cả hai, con gái và bạn trai của con một cách bình đẳng, cởi mở. Hai người trẻ cần biết rằng họ được gia đình ủng hộ, việc cưới sớm hay đợi một thời gian nữa chỉ là để tương lai của họ được vững chắc hơn.
Anh chị luôn mong muốn con theo kế hoạch, mong con học xong đại học trước khi bận rộn với việc làm vợ, làm mẹ. Nhưng bây giờ, anh chị có thể tập trung vào mục tiêu chính là con gái tốt nghiệp đại học; nếu con có bận rộn gì đó, anh chị nên giúp con còn hơn là khăng khăng theo ý mình để rồi con gái anh chị cũng vứt bỏ luôn mục tiêu này.
Trong trường hợp cả hai nhất định làm đám cưới, có lẽ anh chị chỉ còn cách đồng ý. Hôn nhân có thể là một khóa học không dự liệu trước trên đường đời của con gái anh.
Nếu khóa học ấy tốt, con gái anh sẽ hạnh phúc theo cách của con. Nếu khóa học ấy không tốt, cứ xem như một lần thi rớt, anh chị sẽ là giáo viên phụ đạo giúp con thiết lập lại mục tiêu cuộc sống, bước qua sai lầm và tiến về phía trước.
Những gì mình đã lo lắng, đã chuẩn bị cho tương lai của con sẽ không thừa, không mất. Tất cả đều là để con được hạnh phúc, phải không anh? Mỗi người hạnh phúc theo cách của mình, anh hãy để con gái được sống khoảnh khắc này với niềm hạnh phúc của riêng con.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Kim Thoa (quận Tân Bình, TP.HCM): Nên xem lại sự gắn kết trong nhà
Có thể hình dung bao nhiêu yêu thương, kỳ vọng anh chị đặt vào con đều vì mong con có một tương lai tốt đẹp hơn. Vậy nhưng tuổi trẻ, tình yêu là điều mà cha mẹ càng can thiệp càng mãnh liệt.
Ở đây có một vấn đề, anh chị cân nhắc xem thử có giúp được gì trong lúc này không: sự gắn kết trong nhà. Tôi có cảm giác trong gia đình anh chị, mối quan hệ giữa cha mẹ và các con không được tốt lắm. Có lẽ do anh chị áp sự kỳ vọng lên con cái thái quá nên các con có nhu cầu tìm kiếm sự kết nối bên ngoài.
Ở tuổi này, các con sẽ nghiêng về phía mà các con cho rằng yêu thương, thấu hiểu mình nhất. Bây giờ, anh chị có thể hứa cho phép con kết hôn trong một khoảng thời gian ngắn sau đó và trì hoãn bằng một khóa học, bằng thử thách thay đổi công việc của người bạn trai.
Song song đó, cả nhà hãy bắt đầu kết nối với nhau nhiều hơn. Biết đâu con gái anh chị sẽ hiểu và cảm thông với cha mẹ. Khi đó, có lẽ con sẽ hiểu rằng mình không nhất thiết phải kết hôn sớm.
Ngọc Hân (quận Gò Vấp, TP.HCM): Thay đổi cách nhìn về bạn trai của con
Mấu chốt của chuyện nhà anh có lẽ từ bạn trai của con anh. Anh chị đã thử nói chuyện với chàng trai đó chưa? Anh đã gặp chàng trai ấy với tư cách hai người đàn ông với nhau chưa?
Tôi nghĩ cuộc nói chuyện sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Nếu cứ khăng khăng cản con, anh chị sẽ làm cho khát khao cưới trong con càng lớn hơn. Hãy tìm giải pháp hợp lý hơn bằng cách kêu gọi chàng trai kia hiểu và đồng thuận với mình.
Trong thư anh kể, tôi đọc được sự không hài lòng của anh chị về chàng trai: công việc làng nhàng, gia cảnh bình thường… Yếu tố đó lớn hơn việc cô gái 21 tuổi đòi lấy chồng. Phải chăng anh chị từ chối do điều này?
Nếu không phải chàng trai này mà là một người khác thành đạt, giỏi giang, anh có cản con quyết liệt như vậy không? Anh chị thử thay đổi cách nhìn về chàng trai nọ, cố gắng nhìn ra các ưu điểm của cậu ấy, biết đâu mọi thứ dễ giải quyết hơn. Mong nhà anh sớm yên vui trở lại.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn