Tôi chưa từng dương tính, sao bác sĩ chẩn đoán tôi bị hậu COVID-19?

28/03/2022 - 17:02

PNO - Đi khám vì ho, tôi được bác sĩ kết luận "hậu COVID-19" với một toa thuốc dài sọc, dù cách đó 5 ngày và 10 ngày, tôi test PCR thì cả 2 lần đều âm tính.

Vì công việc luôn phải di chuyển và tiếp xúc với đông người, toàn là những người ở cấp quản lý, nên tôi được yêu cầu phải test COVID-19 liên tục. Không chỉ test nhanh, cứ cách 5 ngày tôi phải test PCR một lần tại các bệnh viện uy tín. May mắn, cho đến giờ tôi vẫn thuộc "hàng hiếm", chưa nhận kết quả dương tính lần nào. 

Vì có tiền sử về hen suyễn, kèm theo ho kéo dài vào những thời điểm bụi trong không khí quá nhiều, gần đây tôi hay ho khan. Ban đầu, tôi sợ đó là triệu chứng của COVID-19 nên tăng cường test PCR dù tốn kém, nhưng vẫn âm tính.

Thế nhưng, khi tôi đến một bệnh viện có tiếng của thành phố để khám triệu chứng ho này, vị bác sĩ sau khi kiểm tra họng của tôi liền kết luận: "Hậu COVID-19", rồi chưa kịp đợi tôi thắc mắc vì kết quả PCR cách đó 4 ngày của tôi là âm tính, bác sĩ lập tức "đẩy" tôi qua phòng khám hậu COVID-19, nghe nói là vừa được bệnh viện thành lập cách đây 2 tháng do bệnh nhân có di chứng COVID-19 đến khám đông.

Tại phòng khám này, sau khi hỏi qua loa các triệu chứng, bác sĩ ra một toa thuốc dài sọc. Quan trọng hơn cả là những chẩn đoán, dự liệu khá "rùng mình" về di chứng của COVID-19, dặn tôi phải tái khám thường xuyên. Tôi cầm toa thuốc đi về mà dở khóc dở cười.

Thực tế thì, hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa này trong năm, nhất là khi TPHCM bước sang giai đoạn chuyển tiếp vào mùa khô, tôi đều bị ho như vậy. Mọi năm tôi đều đi khám để bác sĩ giúp cắt các hơn ho, vì sợ ho dài ngày sẽ ảnh hưởng đến phổi. Hơn nữa, không chỉ test PCR chưa từng có kết quả dương tính, tôi cũng chưa từng gặp phải triệu chứng nào khác đặc trưng của COVID-19 như sốt, sổ mũi, mất mùi vị, mất ngủ... dù nặng hay nhẹ.

Gần đây, các chuyên gia bắt đầu lên tiếng về việc nhiều cơ sở, bệnh viện "đẻ" ra phòng khám hoặc gói khám "hậu COVID-19" với đủ các mức giá, đủ các hình thức tầm soát, trong khi đó không phải ai từng mắc COVID-19 cũng cần phải tầm soát hậu COVID-19. Điều này không chỉ gây nhiễu loạn hiểu biết về virus này mà còn có thể gây mất lòng tin vào các phương pháp điều trị liên quan đến COVID-19. Về lâu dài, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các chiến lược tuyên truyền của Chính phủ về dịch bệnh. Gần hơn, khi nhận ra mình bị "móc túi", "người bệnh" sẽ mất lòng tin vào một số cơ sở y tế dẫn đến từ chối hoặc phủ định các chẩn đoán. 

Đã có rất nhiều trường hợp ngộ nhận về các biểu hiện hậu COVID-19, dẫn đến không điều trị bệnh kịp thời, gây tử vong. Ví dụ như nhiều trường hợp mắc bệnh tim nhưng không đi khám, vì tưởng các cơn nhói ngực đó là "hậu COVID-19" như Bệnh viện Đại học Y dược mới đây đã lên tiếng; một bệnh nhi bị u não nhưng ba mẹ lại tưởng những cơn đau đầu đó là di chứng của COVID-19... 

Sau hơn 2 năm trải qua đủ các loại cung bậc cảm xúc với COVID-19, điều may mắn ở hiện tại là chúng ta đã có thể sống chung và hài hước hóa tình trạng dịch bệnh. Điều dễ thấy nhất, câu đùa của nhiều người bây giờ khi kể về sự lãng quên nào đó của mình, đều là gắn với "do hậu COVID-19". Thế nhưng, khi "lùa" người đến khám vào phòng/khoa hậu COVID-19 và thậm xưng, thổi phồng về nó, đó là điều rất đáng lên án. Thiết nghĩ, Bộ Y tế, sau những quyết định, văn bản liên quan đến dịch bệnh, cũng cần kiểm tra và có phương án với tình trạng này. 

Hoàng Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI