Chị Hạnh Dung thân mến,
Em 30 tuổi, chồng sắp cưới 36 tuổi, đã ly hôn và có 1 con riêng học lớp Một. Em họ anh làm cùng công ty với em nên đã giới thiệu cho hai bên quen nhau. Trước khi gặp anh, em đã được biết anh ly hôn hơn 3 năm.
Ban đầu em cũng ngần ngại, nhưng em quyết định mở lòng ra lần nữa. Lúc đó em mới 27 tuổi và suy nghĩ khá thoáng, quan điểm không khắt khe với người đã từng đổ vỡ.
Lần đầu gặp nhau, em với anh khá hợp, và cả hai đều vui vẻ đồng ý tìm hiểu nhau. Tình cảm cứ thế ngày một lớn, em thoải mái trong việc anh sang thăm con riêng và giữ mối quan hệ bạn bè với vợ cũ.
Nhưng những ngày bình yên cũng không kéo dài được bao lâu. Vợ cũ anh sau khi biết anh có người mới thì gây khó dễ, liên tục nhắn tin, có lần còn đến tận nhà anh để níu kéo. Những lần như vậy em cũng ráng ngó lơ vì không muốn anh phải mệt mỏi thêm. Nhưng càng ngó lơ thì chị ta càng lồng lộn lên và muốn quậy phá.
Em hỏi anh về lý do hai người chia tay, anh chỉ bảo tính cách hai người không phù hợp. Em thấy lý do đó vẫn chưa thỏa đáng cho sự quấy rầy của chị ta, và đi tìm hiểu thêm từ bạn bè ngày xưa của hai người, thì biết là vì ngày xưa anh vô tâm, nên chị ta đã đi ngoại tình và đơn phương chia tay với anh.
Những tin nhắn trách móc anh tại sao ngày xưa lại vô tâm, không giữ gia đình, đẩy chị ta phải tìm một người khác, và khi chị ta thay đổi, muốn giữ cho con một gia đình thì anh không đồng ý, bây giờ thì quen em và dành nhiều sự quan tâm cho em. Chị ta buông những lời không tốt đẹp về em, trong khi em chưa từng gặp và làm gì chị ta cả.
Em giữ im lặng đối với chị ta, nhưng trong lòng rất khó chịu. Những lần đầu em bỏ qua. Nhưng hầu như ngày nào chị ta cũng nhắn tin làm phiền anh. Em đề nghị anh giải quyết vấn đề cá nhân, nhưng em cảm thấy anh có đôi phần nhường nhịn, có lẽ vì chị ta đang nuôi con chung, và không muốn hành vi của chị ta ảnh hưởng đến bé.
Em nhẫn nhịn chị ta và tiếp tục quen anh. Đến hiện tại khi chỉ còn 3 tháng nữa là đám cưới, gia đình 2 bên đã gặp gỡ và đồng thuận cho hai đứa, thì chị ta vẫn không buông tha. Lúc tức giận, chị ta nhắn tin trách móc, tỏ thái độ khó chịu, không nhận được phản hồi thì chị ta quay ra nhắn tin ngọt ngào.
Nhà chồng khuyên em nên mặc kệ, nhưng em thấy vẫn ấm ức, một người phụ nữ ngày nào cũng nhắn tin cho chồng sắp cưới của mình. Tệ đến mức có ngày chị nhắn anh xin tiền mua đồ, mua máy tính cho con, ngay cả tiền taxi chở con đi chơi, chị cũng nhắn anh chuyển khoản lại.
Mỗi tháng (như em được biết hiện tại theo quy định của tòa), anh chu cấp 15 triệu, nhưng không tháng nào anh gửi qua dưới 20 triệu, và thêm nhiều cái vòi vĩnh từ chị ta. Chị ta ra các yêu sách cho anh về việc thăm con, không cho anh dẫn con đi chơi riêng vì sợ có em, không cho con anh về nhà nội vì sợ gặp em ở đó.
Em thương anh, và anh cũng đối xử với em rất tốt, anh nói nếu không có con bé, anh không bao giờ muốn gặp lại chị ta nữa. Nhưng có những mối quan hệ vĩnh viễn không bao giờ cắt được. Dù sao chị ta cũng là mẹ của con anh, em không muốn đụng chạm đến chị ta vì có thể sẽ để lại ấn tượng không tốt trong lòng tất cả.
Em phải làm sao để chị ta bớt làm phiền đến gia đình nhỏ của em? Em có nên một lần vùng lên nói thẳng với chị ta không ạ? Mong chị tư vấn.
Như Quỳnh
|
Ảnh minh họa |
Em Như Quỳnh thân mến,
Thực ra diễn biến tâm lý của vợ cũ người yêu em khá phổ biến. Khi còn là của mình thì không giữ, không quý. Nhưng đến khi thấy sắp "vào tay" người khác thì lại tức tối, lồng lộn lên, muốn giành lại.
Người có nghĩa vụ, có trách nhiệm và có toàn quyền hành động để chấm dứt mọi sự theo đuổi khó chịu của người phụ nữ ấy không phải em, mà là chồng sắp cưới của em. Chỉ có anh ấy, bằng thái độ cương quyết, cứng rắn và mạnh mẽ mới có thể dừng cơn điên khùng tấn công và hy vọng của vợ cũ vào cuộc sống của anh ấy và em.
Có khá nhiều cách mà em có thể gợi ý cho chồng sắp cưới làm, ví dụ như chính anh là người phải gặp, trao đổi với cô ta, giới hạn mọi hành động của cô ta, thông báo cho cô ta biết rằng cô ta không thể làm gì để anh quay lại được nữa.
Xa gần hay nói thẳng cũng được, anh ấy nên làm rõ cho cô ta biết rằng dùng con để quậy là một cách vô cùng thấp kém. Anh ấy cũng nên giới hạn mọi đòi hỏi vô lý của cô ta lại, và đừng tỏ ra sợ hãi, e ngại. Anh ấy cần phải thẳng thắn thể hiện rằng anh ấy sẽ bảo vệ em, và không cho ai xúc phạm đến em...
Nếu cách thẳng thắn đối thoại không có tác dụng thì anh cũng có thể tránh mọi tiếp xúc với cô ta, những gì cần phải thông báo bàn bạc thì có thể qua vai trò của bố mẹ hai bên. Thậm chí sau này, khi em đã trở thành vợ chính thức của anh ấy thì em sẽ là người "đại diện" trong mọi việc tiếp xúc khó chịu kia.
Chỉ có điều, em sẽ phải giữ một thái độ hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng, thản nhiên.... thể hiện rằng em và anh ấy hoàn toàn không tổn thương bởi những trò quậy phá mà cô ấy nghĩ ra.
Có những "kẻ thù" không thể triệt tiêu bằng sức mạnh, bằng thời gian... vì "kẻ thù" đó nắm trong tay "con tin" của ta - là đứa trẻ, thì ta phải kiên nhẫn, bền bỉ và chịu đựng. Rồi sẽ có lúc họ thấy mệt mỏi khi hiểu ra rằng mọi sự đều vô ích và họ sẽ buông tha ta.
Có thể có một thời gian, anh ấy sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc, gặp con... Nhưng khi cô ấy biết rằng không thể hàn gắn được gia đình, cô ấy - là người mẹ - sẽ phải chấp nhận và cư xử vì lợi ích của con mình. Chưa kể, mọi quyền lợi của anh trong việc tiếp xúc, gần gũi của hai cha con vẫn còn được Luật pháp bảo vệ.
Gia đình cũ của anh ấy tan vỡ, con gái anh ấy không còn được có cha mẹ trọn vẹn có một phần lỗi khá lớn của anh ấy, như chính em tìm hiểu. Vậy thì em cũng cần phải xác định cho rõ, trong mối quan hệ tình cảm với em, anh ấy có thay đổi chính bản thân mình hay không? Anh ấy có cảm nhận được những gì em phải chịu đựng hay không? Anh ấy có vô tâm nữa hay không? Anh ấy có đủ sức mạnh, sự yêu thương và trách nhiệm bảo vệ em, bảo vệ gia đình mới của mình hay không?
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn