Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em là tín đồ của chủ nghĩa độc thân. Từ năm 21 tuổi, em đã ra thuê nhà ở riêng dù cha mẹ không hài lòng. Năm nay em 29 tuổi, đã mua được căn hộ. Em tự hào với cuộc sống tự lập của mình, chỉ có một khó khăn: Em không thể duy trì được mối quan hệ nào bền vững quá một năm.
Đứa bạn thân nói đó là do em ở một mình quá lâu nên bị mắc kẹt trong thế giới của riêng mình. Em nghĩ nó cũng có lý. Em có thể đi chơi, “quẩy” tưng bừng cùng bạn bè đồng nghiệp nhưng rốt cuộc vẫn chỉ muốn về căn phòng của mình, tận hưởng không gian riêng.
Với ba mẹ, thỉnh thoảng em về thăm hoặc gọi điện vài lần trong tháng, vậy là ổn. Người ta hay nhắc tới xu hướng sống chậm, sống cho bản thân, hạnh phúc được là chính mình, em thấy mình đang “bắt đúng xu hướng”, vậy mà sao em không hạnh phúc?
Năm ngoái, em yêu một người. Cuối tuần, người ta tới chơi và ở lại. Người đó rất tốt. Vậy nhưng khi người ta không coi trọng thiên đường nhỏ của em, có ý chê: xa trung tâm, gửi xe bất tiện…, tự nhiên em thấy sự có mặt của người ta trong căn hộ của mình thật vô lý. Nghĩ tới việc sống mấy chục năm cùng người đó, em thấy ngại quá! Lúc chia tay, em… nhẹ người.
Trở lại đời độc thân, hết giờ làm, em tụ tập với bạn bè thoải mái hoặc đến phòng tập sau đó về ngủ sớm. Cuối tuần, em được ngủ nướng tùy thích hoặc coi phim, nghe nhạc hay chẳng làm gì cả.
Từ đó tới nay, em không có thêm mối quan hệ nào. Có vài người bật tín hiệu nhưng em không hào hứng đáp lại. Thêm nữa, em thấy mình khó tính hơn, không còn dễ rung động. Chắc những thứ đó hiện lên mặt, nên ở công ty, mọi người ít nói chuyện, đùa giỡn với em. Em cảm giác mình hơi bị cô lập. Có phải do em sống một mình?
Minh Lý (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Minh Lý thân mến,
Tự lập không hẳn là sống một mình. Sống một mình cũng không phải là sống chậm hay yêu bản thân. Các chuyên gia cho rằng khi sống một mình, bị tách khỏi các mối quan hệ xã hội quá lâu, con người sẽ quên đi một số thứ, trong đó nguy hiểm nhất là quên cả cách yêu người khác.
Khi sống một mình, người ta không cần thể hiện cảm xúc, suy nghĩ; không cần giao tiếp với ai khác ngoài bản thân, từ đó dần mất thói quen giao tiếp, cảm thấy ngại ngần khi nghĩ tới việc phải chiều lòng một ai đó. Sống một mình lâu dài là không ổn. Cảm giác cô đơn, trầm cảm là những thứ có thể đến với ta.
Em hiện nay không hoàn toàn sống tách biệt vì em vẫn có công việc, bạn bè, đồng nghiệp. Thỉnh thoảng cuối tuần, em nên về thăm ba mẹ, để được sống trong bầu không khí gia đình. Việc gì cũng phải học, ngay cả việc sống trong gia đình cũng vậy.
Nếu em chỉ coi cuối tuần hay thời gian rảnh là của riêng mình, để mình được buông thả trong cảm giác nuông chiều bản thân, em sẽ thấy mình thực sự mắc kẹt trong thế giới riêng nhỏ bé đó, không chia sẻ với ai, cũng không cho ai bước vào.
Em nghĩ đi, điều gì đẩy em vô thế kẹt đó? Không ai cả, chỉ là chính em. Vậy nên bây giờ, chỉ cần em bước ra, tham gia vào thế giới chung của những người thân yêu, em sẽ không mắc kẹt nữa.
Các cô gái tự lập không phải lúc nào cũng đóng kín thiên đường nhỏ của mình trong cô độc. Sở hữu căn hộ riêng, cũng như cuộc đời mình, là để em có thể chủ động chia sẻ nó, tận hưởng nó. Mở lòng mình với bạn bè, với những mối quan hệ mới, lúc nào đó em sẽ gặp người trân trọng em, yêu quý thế giới nhỏ của em như em đang yêu quý nó.
Chúc em sống vui.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Trúc Phương (Q.Tân Phú, TP.HCM): Bạn cần tìm nơi tư vấn
Tôi cũng thích sống một mình. Việc một mình một không gian luôn làm tôi cảm thấy an toàn và thoải mái nhất. Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra hình như mình có vấn đề về tâm lý.
Thử tìm hiểu, tôi có cảm giác mình mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh, mà bác sĩ tư vấn còn nói thẳng ra là “rối loạn nhân cách phân liệt”. Tôi vừa nhờ bác sĩ tư vấn vừa mày mò tìm cách trị liệu cho mình.
Tình trạng của bạn có lẽ chưa trầm trọng như tôi. Vậy nhưng, ranh giới giữa việc đề cao tính cá nhân và các rối loạn tâm lý đôi khi rất mong manh.
Bây giờ, nếu khuyên bạn cứ ra ngoài, cứ vui chơi, cứ mở lòng, cứ hòa vào gia đình… có lẽ là vô ích. Tự bên trong bạn đã không muốn điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ bạn cần tìm chuyên gia tâm lý, họ sẽ giúp bạn đánh giá lại bản thân, có liệu trình rèn luyện phù hợp với thể trạng của bạn. Dần dà, bạn mới có hứng thú với đám đông, với gia đình, đặc biệt là hứng thú với chuyện yêu đương, hẹn hò và đời sống hôn nhân.
Hương Ly (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Nên từ từ thay đổi bản thân
Tôi nghĩ chẳng riêng gì bạn, mà đó là xu hướng chung của xã hội ngày nay. Các nước phát triển đã phải lên tiếng về trào lưu sống một mình, không thèm kết hôn của người trẻ. Áp lực đời sống khiến đa phần người trẻ trở nên yêu cuộc sống một mình và không gian tự do của mình.
Vậy nhưng chúng ta không bao giờ có thể tự mình tạo nên thế giới của riêng mình. Nếu ai cũng sống và làm việc một mình, xã hội sẽ vận hành ra sao? Chưa kể tính gắn kết của gia đình cũng trở nên lỏng lẻo.
Thực lòng, tôi không biết khuyên bạn thế nào cho đúng khi chính bạn đã cố gắng khước từ. Thôi thì bạn cố gắng sắp xếp cho mình một lịch trình để có thể tập từng ngày, từ việc tham gia các hội nhóm như đọc sách, tập thể dục, đạp xe mỗi sáng… Ở đó, mọi người truyền năng lượng tích cực cho nhau.
Chuyện yêu đương, có thể bạn gặp chưa đúng người, chưa có người thấu hiểu được bạn. Biết đâu một hôm tình yêu đến, mọi thứ bỗng dưng thay đổi. Nhưng, trước khi có được một tình yêu làm thay đổi cuộc sống của mình, bạn cũng nên thay đổi mình đã.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn