Khi còn nhỏ (lớp Năm), chị Đặng G.N. (quận Bình Tân, TPHCM) từng toan tự tử và ý nghĩ đó tiếp tục theo chị trong thời gian dài. Tâm sự của chị với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về tâm lý của người trong cuộc và tự rút ra những điều bổ ích cho mình trong ứng xử với con trẻ.
Phóng viên: Theo chị, điểm khác nhau cơ bản giữa nguyên nhân tự tử ở trẻ em và người trưởng thành?
Chị Đặng G.N: Tôi thấy yếu tố bột phát ở trẻ em mạnh hơn, từ ý nghĩ có thể nhanh chóng biến thành hành động nếu có điều kiện thuận lợi. Trẻ không có “bộ lọc”, không có sự cân nhắc, suy xét về hậu quả. Trẻ chỉ chăm chăm lấy cái chết để “trừng phạt” những người đã đối xử không công bằng, gây tổn thương cho mình, để họ vừa bụng, sáng mắt ra.
|
Trẻ cần được người lớn lắng nghe để tránh sa vào những hành động bột phát (ảnh minh hoạ) |
Khi lớn tuổi hơn, suy nghĩ có thể đầy hơn nhưng không hẳn đã đúng. Sợi dây kết nối những u ám, tiêu cực từ thơ ấu đến nay đã dài và trở thành dây thòng lọng “chào mời” họ khi họ gặp bế tắc, chới với. Cái chết khi ấy giống như giải pháp hơn là hành động bột phát, nông nổi. Tuy nhiên, may mắn là khi trưởng thành, suy nghĩ đã đầy hơn thì sẽ có nhiều “chiếc neo” để níu chân.
* Khi chị tự tử, cha mẹ chị có giật mình nhìn lại và để tâm hơn?
- Từ khi bắt đầu có nhận thức, tôi đã thấy rõ sự thiên vị của nhiều người trong đại gia đình dành cho anh kế của tôi, cũng là con trai duy nhất của ba má, là cháu đích tôn của cả dòng họ. Anh được cưng nựng, được cho bánh, cho dép, nón, quần áo, tiền bạc, bệnh nhẹ cũng được chăm bẵm… Những hình ảnh đó càng trở thành nỗi ám ảnh của tôi khi tôi bị mọi người chê cười, chọc ghẹo là “đứa lượm ngoài bụi chuối”, “mày ra rìa rồi”, “mày không bằng một góc của…”.
Trong một lần tôi bị má đánh lúc xế chiều do chậm đi tắm, tôi vừa khóc, vừa đi thẳng ra hiệu thuốc của thím tôi. Trước đó, tôi có nghe một số người trong xóm tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc ngủ (ngay cả chị tôi cũng lén uống nhưng ba má phát hiện kịp). Thím nhận thấy dấu hiệu bất thường như tôi cứ khóc sướt mướt, tôi nói mua thuốc ngủ giùm bà nội nhưng thím biết bà nội tôi rất dễ ngủ. Thím đã báo cho má tôi hay. Má kéo tôi về, đánh cho một trận rồi má khóc.
Sau lần tôi tự sát hụt, ba má và cả nhà quan tâm tôi nhiều hơn. Tôi chưa được hưởng diễm phúc đó bao lâu thì một vụ hỏa hoạn suýt cướp đi sinh mạng tôi ở tuổi lên 10, khi đám học sinh chúng tôi chơi đèn đêm Trung thu ở trường tiểu học. Tôi bị phỏng, mặt biến dạng. Tổn thương quá khứ cộng với mặc cảm ngoại hình khiến tôi cứ trong tình trạng vừa mới nỗ lực vượt lên một chút thì liền bị ý nghĩ xấu đánh gục.
Ba má không thể che chở tôi mọi lúc mọi nơi, nhất là ở trường học. Bạn bè cứ hát nhạo “Tết Trung thu em đốt đèn đi vô nhà thương”, hay gọi tôi là “con rúc” (vết bỏng gây biến dạng, phần cổ tôi bị rụt lại). Lúc đó, tôi thấy mình đáng thương kinh khủng. Tôi đã đầu hàng, tôi đã nghỉ học. Nhưng những ngày nắng gắt, trơ trọi giữa đồng ruộng, trong tôi dâng lên cảm giác bức bối, đơn độc, bế tắc như muốn nổ tung. Ở quê ngày đó, không ai có suy nghĩ cần chữa lành cho một đứa nhỏ từng trải qua biến cố khủng khiếp.
* Ai đã giữ chân chị trước cửa tử?
- Ba má tôi, đúng hơn là ý nghĩ về ba má. Tôi nghĩ họ đã tạo ra tôi, nuôi tôi khôn lớn mà tôi chưa đáp lại được gì. Giờ nhìn ngược dòng thời gian, tôi cảm ơn ba má và các anh chị tôi, dù họ có khi rầy la nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương. Tôi cảm ơn những trang sách, trang báo đã bầu bạn, an ủi, vỗ về, dìu tôi qua giai đoạn tăm tối nhất. Và tôi cảm ơn chính mình đã không dễ dàng buông tay, đã xin ba má học lại hệ bổ túc văn hóa rồi sau đó thi lên đại học. Cảm ơn tâm hồn tôi đầy những vết sẹo nhưng vẫn không thù hằn, oán ghét cuộc đời này. Cảm ơn tôi đã học hành, tìm được công việc tốt sau bao phen bị đánh rớt chỉ vì khiếm khuyết ngoại hình.
* Chị đã làm gì để là “chiếc neo” của các con, thưa chị?
- Tôi luôn lắng nghe, luôn bày tỏ tình yêu thương một cách vô điều kiện. Đôi lúc nóng giận, tôi có la, có đánh con nhưng đã xin lỗi con sớm nhất có thể. Tôi dặn con những lúc đó, hãy nhắc cho mẹ biết mẹ đang nóng giận. Tôi thấy thương khi con bối rối thú thật: “Lúc đó nhìn mẹ ghê lắm, con hổng dám nói”. Tôi cố gắng hoàn thiện mình từng ngày để là “chiếc neo” của các con, các cháu và nhiều người.
Khi biết ai đó - nhất là trẻ em - buồn chán, có một mối lo, nghĩ quẩn, tôi chủ động tiếp cận để nâng đỡ, chia sẻ. Khi con gái tôi không cười và ào đến ôm mẹ ở cổng trường như mọi ngày, tôi hỏi con nhiều câu gợi mở để con bộc bạch. Khi con có điều phiền muộn, tôi hỏi con muốn ba mẹ giải quyết hay con tự giải quyết; nếu tự giải quyết thì bằng cách nào, theo trình tự nào.
Nghe con kể một bạn nữ chung lớp khóc vì bị bạn giật tóc, khi rước con, tôi cố tình nán lại để gặp bé ấy, hỏi thăm và dặn dò: “Nếu con thấy uất ức, bất công thì con nên nói cho thầy cô, ba mẹ biết để bảo vệ con”. Một đứa cháu nhắn tin cho đứa cháu khác rằng “tao đang cầm một vốc thuốc”, tôi không cho rằng cháu làm nư, dọa dẫm mà khẩn trương liên lạc với người nhà, bàn cách tiếp cận, hỗ trợ cháu.
Là người đã từng chạm cửa tử, là một người mẹ, lại công tác trong ngành truyền thông, tôi cảm nhận sâu sắc nguy cơ tự sát ở trẻ. Nó có thật và không ai chắc chắn được miễn trừ.
* Xin cảm ơn chị.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)