Đang "mùa họp lớp", lên Facebook ngày nào tôi cũng thấy có hình bạn bè về quê dự hội trường, hay tổ chức các chuyến du lịch xa để gặp gỡ, vui vầy bên nhau. Vì vậy, đọc các bài viết về mặt trái của họp lớp trên Báo Phụ Nữ, tôi ngỡ ngàng. Tôi không tin những chuyện như vậy lại phổ biến đến mức có những người vợ ghen tuông, không muốn chồng đi họp lớp.
Tôi là mẹ đơn thân với hai cô con gái nhỏ, nhà nội và cha bọn nhỏ không chút đoái hoài hay chu cấp, nhà ngoại thương con thương cháu nhưng nghèo nên chẳng giúp được gì. Mình tôi bươn chải nên không khi nào lên giường trước 0 giờ, trước khi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ chỉ ước lo cho hai con được ăn no mặc ấm.
Những chuyện như đi họp lớp, tôi nghe và cho nó... trôi qua tai. Thật ra tôi cũng náo nức muốn gặp lại các bạn, nên đôi lần tôi đã lấy cái áo dài thời học sinh ra ướm thử, thấy rộng rinh, còn kỳ công ngồi bóp eo, nhưng rồi lại ngậm ngùi treo vào chỗ cũ.
Nói trắng là tôi mặc cảm. Ngày xưa đi học, tôi không xinh xắn cũng không học giỏi, chỉ làng nhàng mờ nhạt. Lớn lên cũng thế, nên tôi vắng hay có mặt cũng chẳng gây nên xáo động gì. Mười mấy năm, có ai còn nhớ từng có tôi chung lớp?
Chưa kể tôi lại gặp bất hạnh trong hôn nhân, ly hôn bốn năm nay nhưng tôi vẫn co rúm người trước những câu nói "bị chồng bỏ". Đến gặp các bạn, biết hoàn cảnh của tôi, có ai thông cảm hay sẽ là những ánh mắt dè bỉu coi thường?
|
Các bạn đi họp lớp vài lần thì phát hiện... thiếu tôi - Ảnh minh họa |
Hóa ra tôi lầm. Hai năm đầu, các bạn không nhận ra là thiếu tôi. Nhưng đến năm thứ ba, khi chuyện họp lớp đã thành thông lệ, tên tôi được xướng lên. và không biết các bạn đã tìm những đâu mà một nhóm bạn kéo đến tận nhà tôi.
Tất nhiên khi ấy tôi có muốn trốn cũng không được. Tôi trân mình chờ những lời chê bai trách móc, những ánh mắt coi khinh, đến rót nước mời bạn tôi cũng không làm được. Bạn bè tôi ai cũng váy xòe, áo dài, còn tôi trong bộ đồ thun mặc nhà tối màu đã cũ.
"Nể mày thật đấy, nuôi hai đứa con thật chẳng dễ dàng gì!"
"Ngày trước mày yếu đuối nhút nhát lắm, giờ mày thật mạnh mẽ!"
"Nhìn đi, cả bức tường kín mít giấy khen của hai đứa nhỏ. Chẳng bù cho con tao, học bảy năm nay chưa từng được tấm giấy khen nào!"
Mỗi người một câu, tôi chợt thấy lòng mình ấm áp dần, thấy bản thân không đến nỗi kém cỏi và tầm thường. Trước khi kéo nhau đi, các bạn tôi để lại một cái phong bì, nói là quà khuyến học cho hai đứa nhỏ cùng một tờ giấy ghi những số điện thoại mà họ nghĩ mẹ con tôi cần, số của bác sĩ Hưng, của cô giáo Tuyết dạy Anh văn, của Huy lớp trưởng, của... và dặn, có chuyện gì cứ gọi bất kể đêm hôm, đừng quan tâm đến chi phí.
Kể từ đó, con tôi được giúp đỡ chuyện học hành, mỗi tháng mẹ con tôi nhận được thuốc bổ, sách vở, đồ chơi, con gái lớn được tặng xe đạp, con gái nhỏ được tặng đồng phục... Bạn không nề hà đêm hôm chạy hai chục cây số vào bệnh viện khi nghe tin con tôi ốm. Bạn thì giới thiệu việc khác cho tôi, gần nhà hơn, thu nhập ổn định hơn để tôi tiện đưa đón hai đứa nhỏ.
Và lần họp lớp năm sau, tôi đã có mặt, tự tin đến trước mặt các bạn cũ với diện mạo khác, tư thế khác và tâm tình rất khác.
Chúng tôi vẫn gọi nhau là mày tao, ông bà y hồi xưa. Đám con trai vẫn láu lỉnh khoác vai các bạn nữ, cười giỡn gọi "em ơi!", và sau đó là tiếng kêu oai oái khi bị bạn nữ dậm lên chân hay cho một cái nhéo cháy da.
Lúc này tôi cũng biết ngày xưa trong lớp có mấy đôi thầm thích nhau, nhưng giờ ai cũng gia đình con cái. Họ quay lại tình bạn và không ngại huỵch toẹt: "Hồi xưa nhìn mày ngăm ngăm duyên lắm, nay mày trắng như xài Omo, tao hết thích rồi!" hay: "Bà dậy thì thành công rực rỡ nha, biết trước vầy hồi đó tôi tán bà rồi!"
|
Chúng tôi cũng nhắc lại mối tình đầu một cách vui vẻ, rồi thôi, chuyển sang tâm thế bạn bè vô tư trong sáng - Ảnh minh họa |
Họp lớp, với ai đó là những chuyện "chán không buồn kể" hay là những chuyện "không dám kể với ai", riêng với tôi, họp lớp, hay nói đúng hơn là những người bạn cũ đã làm thay đổi cuộc sống của mẹ con tôi. Với tôi, bạn bè là những món quà bất ngờ và quý giá. Họ nói tôi không cần một mình mạnh mẽ, tôi có quyền yếu đuối một chút vì các bạn tôi luôn ở cạnh. Thậm chí bố mẹ tôi ở quê đau yếu, bạn cũng nhờ người giúp đỡ, trông giúp hai con gái cho tôi yên tâm về quê thăm cha mẹ.
Ban đầu chỉ là bạn bè gặp nhau, kỳ họp lớp năm vừa rồi, chúng tôi mở rộng ra cả vợ chồng con cái để “biết nhau là người thân”. Hai con tôi thêm bạn bè và có dịp đến gặp từng người để nói lời cảm ơn.
Đến giờ tôi mới thật sự hiểu rằng, tình yêu có hạn sử dụng, còn tình bạn là mãi mãi.
Trang Thu (Thủ Đức, TPHCM)