 |
Ảnh cắt từ camera vụ nam DJ tại Hà Nội đánh vợ ( Ảnh chụp từ internet ) |
Là người vợ bị chồng đánh đập nhiều lần, sau khi theo dõi clip ghi lại cảnh một nam DJ liên tục dùng nắm đấm và những cái tát để uy hiếp, khống chế vợ, tôi tột cùng phẫn nộ. Vết thương lòng tưởng đã khép miệng lần nữa bị đánh thức.
Liên quan đến chuyện chọn chồng, lấy chồng, tôi từng nghe nhiều ý kiến so sánh: “Lấy chồng khôn ngoan không bằng may mắn”, “Lấy chồng như bước vào một canh bạc, đánh đến ván cuối mới biết ai hơn ai”.
“Khôn ngoan”, “may mắn”, tôi không bàn đến 2 khái niệm này, vì phạm trù nào cũng tùy vào góc nhìn, điều kiện của mỗi hoàn cảnh, cá nhân. Thế nhưng riêng ý kiến thứ 2, lấy chồng như đánh bạc, ta phải chơi đến quân bài cuối mới biết được số phận mình tốt lành hay tệ hại thì khác. Liệu điều đó có đáng không?
Số phận, suy cho cùng cũng chỉ là tập hợp những lựa chọn mà thành. Như bản thân tôi, cuộc hôn nhân kéo dài hơn 5 năm, ai nhìn cũng tưởng hạnh phúc, viên mãn, nhưng chỉ người trong cuộc mới thấm thía những bẽ bàng.
Chồng cũ tôi là một doanh nhân. Anh giỏi kiếm tiền nhưng đông bạn bè, mỗi cuối ngày anh đều nhậu. Sau mỗi cuộc nhậu, anh có thói quen giải tỏa những say sưa, cảm xúc, những điều ức chế bằng hành động bạo lực. Người chịu đựng không ai khác ngoài tôi.
Cuộc nào nhẹ thì anh cắn, véo má, giật hông, túm tóc. Cuộc nào nặng thì bóp cổ, đấm vào mắt, đạp vào bụng. Còn bình thường là những cái tát đôm đốp vang lên trong phòng ngủ khi đại gia đình ai nấy đã vào phòng riêng.
Thường xuyên bị chồng đánh, cảm giác thường trực của tôi khi sống chung không chỉ là ê chề, thất vọng, mà còn là ức chế, căm phẫn, đôi lúc tôi cạn kiệt, stress rã rời. Một người bạn thân của tôi biết được câu chuyện, rất nhiều lần từng khuyên tôi ly hôn, khuyên tôi phải lôi những hành động bạo hành của chồng ra ánh sáng để anh ta phải trả giá, bị trừng trị. Thế nhưng, là một phụ nữ đã có con, mọi quyết định, cân nhắc của tôi đều đặt sự an toàn, hạnh phúc của con lên hàng đầu.
 |
Phụ nữ thường cân nhắc rất nhiều trước khi lựa chọn ly hôn ( Ảnh minh họa: Freepik ) |
Tôi không muốn con tôi không có bố. Tôi sợ con tôi sẽ phải sống cuộc sống thiếu thốn khi chúng tôi chia tay. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong nghèo khó, nên tôi vẫn còn sợ hãi, lo lắng vì cái nghèo. Và, một điều hơn hết, tôi tự ti về bản thân, tôi nghĩ, xét mọi mặt, mọi yếu tố, tôi đều yếm thế so với chồng mình. Tôi lo với bản tính bạo lực, chồng tôi sẽ ngông cuồng dùng tiền, dùng quyền để đòi quyền nuôi con, dùng con uy hiếp khi tôi lựa chọn chia tay.
Thời gian cứ thế trôi qua cùng với những nỗi sợ và sự chịu đựng. Cuộc hôn nhân địa ngục tiếp tục được duy trì sau tấm vỏ bọc bình thường, tốt đẹp. Đôi khi, tôi còn nực cười chua xót khi nghe ai đó nói tôi may mắn trong chọn chồng. Họ khen tôi lấy chồng rồi thì hưởng thụ cuộc sống thong dong, nhẹ nhàng, sung sướng hơn người. Chẳng ai biết câu chuyện thực sự đằng sau.
Bây giờ, khi ngồi đây, xem clip người chồng trẻ liên tục đấm vợ, tát vợ khi cô ấy vừa sinh xong 5 tháng, tôi bất giác muốn gặp cô gái trẻ ấy ngoài đời.
Có thể, tôi sẽ không khuyên cô ấy ly hôn, bởi tôi hiểu, mỗi người sẽ có một giới hạn chịu đựng, nhẫn nại riêng. Từ sự chịu đựng đó, mỗi người sẽ đưa ra những lựa chọn bao dung, tha thứ hay kết thúc thật “vừa vặn” với mình. Điều tôi muốn nói với cô ấy là, vụ việc đã qua rồi, nhưng đồng thời bằng chứng bạo hành cũng đã được lưu lại rồi. Sau khi bình tĩnh, cô ấy có thể ngồi quan sát lại những hành động của chồng mình với góc nhìn của người thứ ba. Nếu, giả sử, người chồng chỉ vì mất kiềm chế cảm xúc trong phút chốc, chỉ vì căng thẳng áp lực trong cuộc sống, thì anh ta có tàn nhẫn đến nỗi đánh vợ như đang đánh kẻ thù? Hiện tại, người vợ ấy có thể tha thứ, nhưng về lâu dài, tôi mong cô hãy cảnh giác và nghiêm túc đưa ra những cam kết, những điều kiện để đối phương phải chứng minh lòng tôn trọng và tình yêu thương.
 |
Mỗi người hãy tự tạo nên số phận cho mình (Ảnh minh họa: Freepik) |
Riêng tôi, một ngày nọ, sau khi tự mình nhìn camera, xem lại cảnh chồng dùng tay bóp nghẹt cổ tôi từ phía gáy, xốc ngược lên cao rồi từ từ thả rơi tự do, tôi bỗng thấy đời mình “bèo nhèo” như một thứ đồ chơi. Anh ta đã lấy tính mạng, sức khỏe, cảm xúc của tôi ra đùa giỡn. Chúng tôi đâu phải đang trong mối quan hệ bình đẳng của nghĩa vợ chồng.
Tôi chọn ra đi và làm mọi cách để giành quyền nuôi con khi nhìn thấy cuộc hôn nhân không còn tình yêu, sự tôn trọng. Tôi không phó mặc cuộc đời mình để chờ đợi, tin tưởng mù quáng vào "quân bài" mịt mù chưa thấy được ở phía cuối cùng. Tôi chọn cuộc đời mà tôi muốn sống!
Khánh Minh ( TP. Đà Nẵng)