Thấy bạn bè chia sẻ đoạn clip người chồng ở Hà Nội đánh vợ “không trượt phát nào”, dù chị vợ mới sinh được 5 tháng, tôi chỉ lướt qua mà không dám xem.
Không biết thực hư câu chuyện trong clip đó thế nào, mức độ chân thực tới đâu, nhưng nó đã khơi nỗi đau trong tôi. Bởi clip đó giống như một đoạn phim buồn được tua lại mà tôi là nhân vật chính.
 |
Hình ảnh được cho là chồng đánh vợ, dù vợ mới sinh 5 tháng (Ảnh: mạng xã hội) |
Hoàn cảnh của tôi có lẽ còn trớ trêu hơn. Sau 4 ngày nằm bệnh viện do sinh mổ, mẹ con tôi về nhà, chưa kịp ấm chỗ thì chồng tôi đã gây chuyện. Lý do: tôi bảo anh ra ngoài hút thuốc và đừng chơi game trong phòng. Lời qua tiếng lại, thêm sự tác động của mẹ chồng, chồng tôi ôm đống áo quần của tôi ném ra ngoài.
Cơn giận khiến tôi la toáng lên và tôi bị chồng bóp cổ.
Sợ bản thân có mệnh hệ gì sẽ khổ con, tôi chấp nhận “xuống nước” bằng cách nhận sai. Đó cũng là đêm đầu con gái tôi “hút thuốc lá thụ động” vì cha ruột. Còn vết bầm trên cổ tôi, mấy ngày sau mới hết.
Thời gian về sau, hôn nhân của tôi gắn nhiều hình ảnh bạo lực gia đình. Không thể nhớ hết bao nhiêu lần tôi đi làm với gương mặt sưng húp hay thâm tím ở tay ở chân...
Chuyện đó chỉ dừng lại khi con gái tôi bắt đầu lớn, tức khoảng 5 năm trở lại đây. Không khí gia đình đã nhẹ nhàng hơn. Vợ chồng bất hòa thì cãi nhau đôi ba câu rồi ai đi hướng nấy.
Nếu ai hỏi: “Bây giờ chị có hạnh phúc không?”, tôi sẽ thành thật rằng “không!” vì sự yên ổn của hiện tại chỉ nhờ vào chữ “nhẫn”.
Nhẫn nhục để yên thân. Tôi gặp mình ở rất nhiều người phụ nữ chung hoàn cảnh. Khi thấy người đàn ông của mình to tiếng, họ thường chấp nhận “lép vế” để khỏi bị đánh, bị chửi, bị xúc phạm. Sự nín nhịn của những người vợ ngày càng nhiều, mấy ông chồng vũ phu thêm hả hê: "Dạy vợ là phải thế”.
Bài thuốc “chữa lành” từ những lời xin lỗi mùi mẫn hay sự vỗ về bằng những từ đầy tính cảm thông “tội nghiệp quá”, “thương quá”… chỉ là loại an thần để nạn nhân tạm quên nỗi đau này và tiếp tục chịu thêm nỗi đau khác.
Khoan dung vốn là yếu điểm khiến đàn bà dễ mềm lòng. Cho dù có bị bầm dập đến tả tơi vẫn cố tìm ra điểm tốt của chồng: “Chẳng qua là… chứ bình thường anh ấy không đến nỗi”.
Tôi vẫn luôn tự hỏi: trái tim phụ nữ vốn nhiều ngăn, có ngăn thương chồng, có ngăn thương con nhưng sao không thấy ngăn thương mình? Có bao nhiêu người phụ nữ từng bị chồng đánh không dưới vài lần mà dám tự nhận mình là nạn nhân của bạo lực gia đình?
Trước đây tôi đã từng cho rằng bạn thân mình nóng vội khi quyết định ly hôn. Vợ chồng họ cưới nhau mới 5 tháng đã ra tòa. Bạn kể mình bị chồng cho mấy bạt tai vì dám cãi lại mẹ chồng, dù sau đó anh ấy khóc lên khóc xuống xin vợ tha thứ.
Bạn tôi đã không chấp nhận vì cho rằng: “Đánh được lần một, chắc chắn sẽ có lần hai, lần ba rồi lần n… Sự cam chịu hoặc vùng lên nửa vời chẳng khác nào bôi thuốc chống sẹo lên vết thương đang hở toác. Nó chẳng có tác dụng gì mà còn tốn tiền, tốn cả niềm tin”.
Cố che đậy để giữ hình ảnh, chấp nhận “sống chung với lũ” và “mưa khi nào mát mặt khi đó” chưa hẳn đã là sự hy sinh. Cái giá của 2 từ “hy sinh” là đổi lấy những gì tốt đẹp hơn trước đó. Thế nhưng phía sau những bức tường đóng kín, có bao nhiêu đứa trẻ phải nép mình thầm khóc vì oán hận. Theo quy luật nhân quả, những hạt giống bạo lực sẽ âm thầm sinh sôi và hậu quả thật khó lường.
Con gái tôi rồi cũng lớn và sẽ lập gia đình. Con sẽ bước vào những mối quan hệ vừa phức tạp vừa cụ thể. Tôi không muốn con lặp lại vòng tròn cam chịu của mình, nhưng sẽ không khuyên con ly hôn ngay khi chồng cho "ăn" cái tát đầu tiên. Bởi lẽ để đến được với nhau ai cũng phải tìm hiểu một quá trình. Nếu có chia tay hãy cho nhau ít nhất một cơ hội để sửa sai.
Tuy nhiên khi đã bước qua số nhiều (trên hai lần) mà chồng không thay đổi thì phải dứt khoát, đừng tiếc nuối. Lụy tình, cả nể là tự đào hố chôn mình trong nấm mồ hôn nhân mà không ai nhảy vào cứu được.
Tuy nhiên, việc đầu tiên con tôi cần phải nhớ để bảo vệ bản thân, là đừng thách thức. Đàn ông vốn mắc “bệnh sĩ”. Họ dễ nổi khùng vì thái độ “anh ngon thì đánh tôi đi” “anh giỏi thì đánh tôi xem nào”… Chấp nhận “lùi một bước để tiến ba bước” nếu trường hợp tự nhiên bị đánh. Xin lỗi và nhận sai lúc này không phải là tự hạ thấp mình mà là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng bản thân. Sự sống này là cha mẹ tặng cho con, nhưng thân thể và tính mạng của mình, con phải luôn sáng suốt để giữ gìn.
Ai rồi cũng thuộc về một gia đình. Chỉ có cha mẹ mới thương yêu mình vô điều kiện. Chồng là người đồng hành. Nếu vui và có ý nghĩa với nhau thì đi tiếp. Còn không thì dừng lại. Vì nếu không, đi mãi cũng chẳng biết đích đến ở đâu, là gì!
Hoàng Oanh (TP Huế)