Tôi bị chồng đánh: Anh chỉ ngừng đánh tôi khi không còn sức

14/04/2025 - 06:00

PNO - Nếu quay ngược thời gian, tôi sẽ không chọn sống cuộc đời bi thương và khó nhọc thế này, những tổn thương của con tôi cũng không kéo dài tới hôm nay.

Nam DJ ra tay tàn nhẫn với vợ (ảnh cắt từ clip)
Nam DJ tại Hà Nội ra tay tàn nhẫn với vợ (ảnh cắt từ clip)

Đọc những lời xin lỗi của nam DJ ở Hà Nội sau khi đánh vợ, tôi ngạc nhiên và ghê sợ vì sao sau khi vun những cú đấm bằng cả sức lực, anh ta lại có thể thản nhiên: “Mong mọi người có thể rộng lượng cho một kẻ lần đầu phạm sai, để chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì…”.

“Chúng tôi vẫn còn yêu nhau và sau lần này, chúng tôi chọn cách sống vì nhau, gạt bớt cái tôi để giữ lại những gì thật sự quan trọng”, câu viết của anh ta khiến tôi rùng mình. Nó gần giống câu chồng tôi nói với bố mẹ tôi khi ông bà lặn lội từ Bắc vào Nam vì nghe tin tôi liên tục bị chồng đánh.

Trước mặt bố mẹ tôi, chồng nói còn thương tôi, rằng “rượu đánh chứ anh không đánh” tôi. Anh hứa không làm như vậy nữa. Bố mẹ tôi lủi thủi ra về mà không đành lòng. Tôi nhớ bố đã dặn tôi: “Không ở nổi thì về. Bố mẹ dù cực khổ mấy cũng nuôi được mẹ con con”.

Tôi khóc như chưa từng được khóc. Lớn chừng ấy, đi lấy chồng rồi mà tôi còn làm khổ ông bà, còn để bố mẹ lo lắng.

Tôi và chồng cùng làm ở bệnh viện. Tôi là bác sĩ, chồng tôi khi đó là y sĩ. Những trận đòn của chồng bắt đầu giáng xuống từ lúc tôi lên chức trưởng khoa, anh là nhân viên dưới quyền. Nếu yếu kém hơn vợ, có người sẽ bù đắp bằng cách chăm sóc gia đình, người thì cố gắng trau dồi năng lực bản thân, còn chồng tôi chọn cách vung nắm đấm đề chà đạp tôi.

Có lần chồng tôi nhậu say, xách dao rượt chém tôi và con trai. Hàng xóm thương tình, mở cửa cho 2 mẹ con lánh nạn. Mỗi lần đánh xong chồng xin lỗi, hứa hẹn, dặn tôi đừng làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến cả 2. Tôi sợ mất việc làm, mất uy tín, nên nhẫn nhịn chịu đựng.

Chị hàng xóm hỏi tôi sao không tung hê mọi chuyện để anh ta trả cái giá xứng đáng, rồi rời khỏi anh ta. Nhưng tôi không đành lòng. Nhà cha mẹ chồng là do tôi bỏ tiền xây mới, miếng đất mua lại của cha mẹ chồng cũng từ tiền tôi mở phòng mạch mà có. Nhưng tất cả tài sản đều đứng tên chồng tôi.

Con trai tôi khi đó mới 7 tuổi. Nếu đưa con về Bắc, tôi lo con thiếu môi trường thân thuộc, không có bạn bè. Tôi nhẫn nhịn chịu đòn là vì con.

Những trận đòn của cha, khiến tuổi thơ con chỉ toàn những ký ức đau buồn (ảnh minh hoạ)
Những trận đòn của cha khiến tuổi thơ con toàn những ký ức đau buồn (ảnh minh hoạ)

Rồi cũng đến ngày chồng không còn bạo hành mẹ con tôi nữa, đó là lúc anh bị ung thư vòm hầu, di căn tới phổi. Người đàn ông hung hăng ngày nào tới lúc thở cũng khó khăn. Tôi thoát cảnh bạo hành nhưng lại rơi vào cảnh nuôi chồng bệnh tật.

Con trai tôi sau khi du học ở Anh đã chọn ở lại xứ người làm việc. Con nói không muốn về nhà, vì nơi đó chỉ toàn ký ức tuổi thơ đau buồn. Tôi bàng hoàng nhận ra, những thứ tôi cố công bảo vệ đã không còn ý nghĩa gì nữa khi con tôi từ bỏ.

Tuổi ngoài 50, tôi nhìn lại mình, chỉ là tay nắm lấy tay, cô đơn trong ngôi nhà có tiếng rên của người chồng bệnh tật. Tôi nhận ra cuộc đời còn quá ngắn để có thể bắt đầu lại.

Nếu quay ngược thời gian, tôi sẽ không chọn sống cuộc đời bi thương và khó nhọc thế này, những tổn thương của con tôi cũng không kéo dài tới hôm nay. Là do tôi không đủ mạnh mẽ để thoát khỏi nghịch cảnh, do tôi tiếc nuối tài sản mà hy sinh, chịu đựng. Tiếc thay, sự hy sinh hoàn toàn không đáng.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi không dám đưa ra lời khuyên với bất cứ ai, vì tôi hiểu người phụ nữ nào chịu đựng bạo hành cũng đều có lý do của họ. Có thể cô ấy còn thương chồng, còn bị ràng buộc với chồng bởi điều gì đó...

Tôi chỉ mong những phụ nữ bị tổn thương hãy sáng suốt nhìn nhận vấn đề và mạnh mẽ bước qua những thứ trói buộc vô hình. Đừng nghĩ mình chịu đựng vì con. Đứa trẻ không cần những thứ mang tên “hy sinh” của mẹ; cũng đừng nghĩ chồng sẽ giữ lời hứa. Anh ta chỉ ngừng đánh bạn khi không còn sức mà thôi!

Minh Huyền (Đồng Tháp)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI