Tôi bất lực vì không thể dạy con

01/12/2024 - 11:45

PNO - Tôi dạy người ta nhiều thứ, cả kỹ năng sống lẫn các giá trị, phát triển bản thân... Nhưng tôi không thể dạy nổi con mình. Rất nhiều lần, tôi khóc một mình trong khổ sở, bế tắc, chán nản.

Tôi bối rối khi con gái nhiều chiêu trò, 'diễn sâu so với độ tuổi của nó (ảnh mang tính minh họa)
Tôi bối rối khi con gái nhiều chiêu trò, "diễn sâu" so với độ tuổi (ảnh mang tính minh họa)

Hồi con còn là một cô nhóc mũm mĩm dễ thương, tôi đã lờ mờ nhận ra con gái mình không trung thực qua những việc nhỏ nhặt. Đến tuổi thiếu niên, con yêu sớm, ham chơi, bề bộn, ngẫu hứng. Và bây giờ, hầu như mẹ con chẳng thể giao tiếp với nhau.

Tôi vốn là một bà mẹ mạng hỏa, nhưng dễ mủi lòng. Chỉ cần nhìn căn phòng tung tóe, bộ quần áo dơ, chén thức ăn dở dang đầy kiến, cái cửa quên đóng làm nước tạt vào ướt hết bàn ghế nệm giường… là tôi như phát điên. Cuộc sống hàng ngày giống như thách thức tột cùng vào cái tính ưa sạch sẽ ngăn nắp và đầy kế hoạch của một “mẹ hổ”.

Ngay từ nhỏ, nuôi con gái đã vất vả, tốn kém hơn anh trai nó rất nhiều. Tôi từng cương quyết không cho tiền, không dọn dẹp, không mềm lòng, không thỏa hiệp. Nhưng rồi có khi đang đi ngoài đường thì thấy con nhắn xin chỉ vài chục ngàn đồng. Tôi lẽ nào làm ngơ, bởi lòng lăn tăn với ý nghĩ: biết đâu nó đang cần kíp lắm, mà mẹ thì từ chối ngay khi con mình cần… Trước một chuyến đi xa, trong một bữa tiệc thừa mứa, tôi vẫn hay chạnh lòng nghĩ về con. Con mình nó có đang thèm món gì không, nó có phải đang cần mẹ, mà mình lại lạnh nhạt dửng dưng không?

Có lần con được chẩn đoán “căng thẳng thần kinh” khiến tôi phân vân giữa 2 lựa chọn: tận tâm chăm sóc nó hay chỉ ở mức độ căn bản. Chiều theo những yêu cầu, đòi hỏi, mè nheo của con trong giai đoạn này, hay cứ để cho con hiểu, không phải bày vẽ đổ bệnh ra là đạt được mục đích của mình?

Cuối cùng, tôi đã chọn cách nhẹ nhàng, hết lòng với con. Bởi tôi nghĩ, nếu đây thật sự là con tôi bị bệnh, thì đây chính là lúc con cần mẹ nhất. Còn nếu con chỉ giả bộ, kiếm cớ thì sau này khi trưởng thành hơn, nó sẽ tự biết nhìn nhận và hối tiếc…

Thú thật, tôi tin rằng việc bắt chước vài triệu chứng ảo giác, nghe được âm thanh lạ, kêu la này nọ… để “trình diễn” không quá tầm với một con bé tinh ý, đáo để, lắm trò, nói dối không chớp mắt, lười học, lười việc nhà, mê chơi game, suốt ngày bám dính lấy cái điện thoại, bồ bịch và bạn bè là ưu tiên hàng đầu...

Đừng vội cho rằng tôi là bà mẹ cực đoan, thích dìm hàng, chê bai, ghét bỏ con mình. Không, tôi thương con như tất cả những bà mẹ khác trên đời. Vô số lần tôi đã cắn răng nín nhịn, mong con mình sớm vượt qua giai đoạn ẩm ương này. Thậm chí tôi hy vọng xa xôi, sau này nó sẽ thấm thía được câu “có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Tôi cũng chỉ ước con bé sẽ kiếm một cái nghề đơn giản, chịu khó làm lụng, đủ nuôi sống bản thân thôi, là tôi cũng mừng và mãn nguyện rồi. Nói như vậy, để hiểu rằng tôi không áp đặt kỳ vọng lớn lao lên con, cũng không hề bỏ mặc nó.

Đó cũng là cách tôi vỗ về bản thân mình trước mỗi quyết định.

Tôi chấp nhận thực tế là mình đã sinh ra một đứa con gái cá biệt! Đừng bảo là do cha mẹ, do giáo dục. Chúng tôi không như thế, nội ngoại không như thế. Khách quan, chúng tôi nghiêm khắc, cầu toàn, có kiến thức và cả kinh nghiệm sống. Tôi là trợ giảng của một trung tâm đào tạo lớn. Ở đó, tôi dạy người ta nhiều thứ, cả kỹ năng sống lẫn các giá trị, phát triển bản thân... Nhưng tôi không thể dạy nổi con mình. Rất nhiều lần, tôi khóc một mình, trong khổ sở, bế tắc, chán nản. Tất cả những tính từ tiêu cực ấy dồn nén trong lòng tôi.

Tôi thử bắt đầu từ việc thay đổi chính mình. Tôi cố nhớ về thời niên thiếu của tôi. Về thanh xuân của tôi, về mối tình đầu nhiều vấp váp của chính tôi. Từng tuổi này, tôi bỗng hiểu vì sao người ta biết con mình không đúng, mà người ta vẫn không cam lòng từ bỏ hay mặc kệ.

Tôi bây giờ thấu hiểu và thương cho những ông bố bà mẹ có con hư, thậm chí là phạm pháp. Tôi không dám cười thầm hoặc chê trách ai khi con của họ lăn ra sàn, khóc váng lên đòi đồ chơi, mua sắm, bánh kẹo giữa nơi công cộng. Đầu tôi không còn lảng vảng câu hỏi “sao cha mẹ nó không dạy con, mà để con hư thế!” như ngày xưa nữa.

Bởi vì, từ trải nghiệm của bản thân, tôi đã cay đắng rút ra bài học rằng, làm cha mẹ là một công việc cực kỳ khó khăn, dài lâu và đáng thương, đáng được thông cảm. Không phải cứ cha mẹ là có thể hét ra lửa, khiến cho con khuất phục. Ngoại trừ một số cha mẹ may mắn có đứa con ngoan hiền, dễ dạy, vẫn rất nhiều ông bố bà mẹ khổ tâm khóc thầm, bất lực, loay hoay đấu tranh với chính mình. Rằng, ta đã sai ở đâu, mà con ta lại không nghe lời, bướng bỉnh, bất trị hoặc khó hiểu, xa cách tới mức đó…

Ngọc Hằng (TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Lê Nguyễn Kha 04-12-2024 06:13:55

    Nếu trước đây, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, con cái không được trái lời cha mẹ, thì nay, con cái muốn gì thì cứ chìu theo nó. Nói như vậy, không nghĩa là ta nhắm mắt làm ngơ, mà bổn phận cha mẹ chúng ta lúc này như máy uốn. Một mặt vẫn phải nhắc nhở cháu làm điều nào tốt nên làm, đều nào xấu nên tránh (nhưng đừng nói nhay, tránh so sánh cháu với người khác..). Hành động cụ thể, cháu thích gì chìu đó ( đương nhiên trong giới hạn của ta) và ta cùng cháu hưởng thụ sở thích đó theo hướng tích cực. Ví dụ cháu có xu hướng nghiện game, thì ta hướng cháu vừa chơi vừa học, chọn game lành mạnh không bạo lực,.v.v. nói tóm lại, cha mẹ chúng ta chỉ như máy uốn, cháu thích thì chìu nhưng hướng các cháu vào sở thích tích cực.

  • Nguyễn Như Bình 02-12-2024 20:30:45

    Sao mà giống mình vậy nè.

  • Phương huỳnh 02-12-2024 19:28:39

    Tôi cũng đang trong tình trạng như bạn. Nhưng cũng chỉ biết nuốt vô trong. Nhiều lúc nghĩ cho con mình nghỉ học khi con chưa hết cấp III. Mình chỉ mong con học sao để tốt nghiệp rồi kiếm cái nghề gì làm sao mà khó thế không biết

  • Tran ngan 02-12-2024 16:18:07

    Mình không dạy được thì để người khác dạy, người thầy cũng phải nhiều chiêu trò như bé vì "bụt chùa nhà không thiêng" mà

  • Lan Anh 01-12-2024 15:19:20

    Đúng là khổ vì con

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI