Tôi bất lực trước con riêng của vợ sau 6 năm cố gắng nuôi dạy cháu

10/06/2016 - 06:21

PNO - Dù đã làm đủ cách, tôi vẫn không thể khiến con riêng của vợ yêu thương mình...

Tôi tái hôn khi đã 58 tuổi. Bà nhà tôi lúc ấy vừa tròn 50. Vợ tôi có cậu con trai riêng 23 tuổi. Chồng cũ của bà ấy bỏ hai mẹ con theo nhân tình từ khi thằng bé mới lên hai. Đằng đẵng bao nhiêu năm trời sau đó, vợ tôi một mình nuôi con, đến khi con có nghề nghiệp ổn định mới nghĩ đến chuyện đi bước nữa. 

Toi bat luc truoc con rieng cua vo sau 6 nam co gang nuoi day chau
Mối quan hệ giữa tôi và con riêng của vợ không tốt dù tôi đã rất cố gắng (Ảnh minh họa)


Về phía tôi, tôi góa vợ đã 28 năm, có một con gái đã lấy chồng và định cư ở Mỹ. Nhiều lần cháu nói muốn đón ba sang ở cùng để tiện chăm sóc nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã già, chỉ muốn quanh quẩn vườn tược, có chết cũng được chết trong nhà mình, không muốn đi xa như vậy. 

Trời thương run rủi cho tôi gặp bà nhà tôi bây giờ. Cả hai tâm đầu ý hợp, chỉ mong ngày ngày cùng nhau trồng rau, nuôi gà, sống đời bình yên, không mưu cầu gì hơn. 

Nhưng mình muốn là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Phát, con riêng của vợ tôi, là đứa trẻ ngỗ nghịch. Đàn bà một mình nuôi con thường dành quá nhiều tình thương cho đứa trẻ, không nỡ nặng lời uốn nắn nên thường khiến trẻ hư từ bé, lúc lớn lên rất khó để dạy bảo. 

Phát được mẹ yêu chiều, thích gì cũng được nên không ai nói được nó. Tôi thương cảnh cháu mồ côi cha từ nhỏ nên thường tìm cách gần gũi, trò chuyện nhưng Phát luôn tránh né. Nó đi triền miên, hiếm khi ở nhà. Mỗi lần về lại hỏi vợ tôi cụt lủn: “Tiều đâu?”. Lấy được tiền, nó lại đi tiếp. 

Toi bat luc truoc con rieng cua vo sau 6 nam co gang nuoi day chau
Tôi không biết làm sao để ba người chúng tôi trở thành một gia đình thực sự (Ảnh minh họa)


Thấy để mãi như vậy không được nên tôi đã khuyên răn cháu. Ai ngờ, cháu nói tôi không có quyền gì. Quả đúng là tôi không có quyền nên đành thôi, muốn uốn nắn cũng không dám. 

Năm Phát 26 tuổi, cháu bị đi tù vì tội đánh nhau. Hai năm sau về nhà, cháu thậm chí còn ương bướng, ngông cuồng hơn. Thấy thế, tôi bàn với vợ đưa cháu lên chùa ở để ngày ngày nghe kinh kệ, rồi nhờ các sư giúp cháu bớt nóng nảy, hiểu sự đời hơn. 

Vợ tôi đồng ý nên hai chúng tôi đưa cháu lên ngôi chùa cách nhà 15 km. Được hai tuần, tôi nói với vợ: “Tôi và bà lên chùa ở với con cho nó đỡ buồn, mình cũng tiện chăm sóc”. Vậy là suốt một năm sau đó, cả ba người chúng tôi sống trên chùa, ăn chay niệm Phật, đọc kinh kệ, nghe sư thầy giảng về cuộc đời. 

Tưởng điều này sẽ giúp ích được cho Phát nhưng mọi thứ chỉ được trong thời gian đầu. Sau đó, cháu thường xuyên gây sự, hỗn láo, dám đánh cả sư thầy. Không muốn chùa bị loạn bởi con mình, chúng tôi lại đưa cháu về. 

Năm nay Phát đã 29 tuổi, không nghề nghiệp, suốt ngày lông bông. Vợ chồng tôi đã già, chỉ sợ sau này mất đi thì con không biết dựa vào đâu. Lòng tôi rất thương cháu nhưng có lẽ thằng bé không hiểu hoặc hiểu nhưng không muốn đón nhận. 

Có lần, tôi nghe cháu nói chuyện điện thoại với bạn rằng ở nhà rất chán. “Má tao tự nhiên lấy chồng nên tao mới phá”, Phát bất cần. 

Nghe vậy, tôi buồn, không ăn, không ngủ nổi. Lẽ nào chính tôi là nguyên nhân khiến cháu trở nên hư hỏng, ngỗ nghịch như vậy. Nếu tôi và vợ không về ở với nhau, liệu cuộc đời cháu có đi theo hướng khác tốt đẹp hơn? Càng nghĩ tôi lại càng buồn, phải làm sao thì thằng bé mới hiểu được lòng tôi?
Trần Văn Hiếu (Long An)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI