Tôi ăn diện se sua, hoang phí, ngoại tình?

28/07/2016 - 16:52

PNO - Thật ra tôi có gì không đúng? Tôi ăn diện se sua, hoang phí, ngoại tình? Chẳng phải. Đơn giản là khi vừa vào làm dâu nhà anh, tôi đã ngờ ngợ nhận ra, tôi hoàn toàn không thuộc về chốn này.

Họ không hề có khái niệm spa, khách sạn, nước hoa trong đầu. Họ không hiểu tại sao những ngày chồng đi biển vắng nhà mà vẫn phải uống đều đặn các viên thuốc ngừa thai trên cái vỉ hai ba hàng đã in các ngày thứ mấy trong tuần, lại xài tiếng nước ngoài cho nể phức tạp!

Tôi mãi không quên một lần tình cờ nghe chồng tôi tâm tình với mấy em sinh viên ở trọ gần nhà, là nếu lấy vợ thì hoàn cảnh, quê quán rất quan trọng. Sai lầm coi như thua. Chỉ nói bấy nhiêu rồi anh im bặt, dường như cố nén một tiếng thở dài… Lúc ấy, tôi chỉ muốn nhảy xổ ra để hỏi anh cho rõ. Tôi đã lầm lỗi gì mà anh phải tiếc nuối đến thế?

Toi an dien se sua, hoang phi, ngoai tinh?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chồng tôi rõ ràng không hài lòng về cuộc hôn nhân do chính mình lựa chọn. Bản thân tôi, hơn sáu năm làm vợ anh, cũng nhận thấy đó là một sai lầm lớn cho cả hai. Thế nhưng, theo ý chồng tôi, người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là anh. Sau này, khi chúng tôi đã chia tay, tôi cũng không trách cứ gì, vẫn thầm nghĩ nếu anh lập gia đình với một phụ nữ khác, truyền thống hơn, chắc kết cục đã không đáng tiếc thế này.

Đàn bà truyền thống là thế nào? Tôi không đủ sức để hình dung hết. Chỉ đơn giản liên tưởng đến mấy chị, mấy thím bên chồng, thi thoảng từ quê vào khám bệnh, đưa con đi thi, đi học. Họ tuềnh toàng, giản dị. Họ không hề có khái niệm spa, khách sạn, nước hoa. Nghe các chị hồn nhiên hỏi lương một tháng được bao nhiêu mà tôi không khỏi buồn cười. Thấy tôi ngại ngần không muốn đưa ra con số, họ đã ướm thử “bảy triệu hay mười triệu”, nhận cái gật đầu của tôi, họ rụt vai le lưỡi, nghĩ số tiền như thế đúng là “khủng”. Tôi hiểu, đó là cảm giác của những người vợ hiếm khi kiếm được việc gì có thu nhập ổn định, không cần phụ thuộc chồng…

Tôi từng gặp vài cặp vợ chồng ở quê vào nhà tôi ở nhờ ít hôm. Anh chồng khề khà cả buổi bên ly rượu, vợ vừa giữ con vừa ăn vội chén cơm, xong lại vừa canh đứa nhỏ vừa rửa chén, sểnh ra là bị chồng quát vì vụng về, chậm chạp. Trong bữa cơm chung với cả nhà tôi, chị vợ rón rén gắp cho chồng cái đùi gà, còn mình chỉ chan ít nước thịt kho cho dễ ăn… Chị có dám cãi lại chồng lần nào chưa? Tôi xin thím đấy, không cẩn thận ông ấy đánh cho thì khổ đời! Đàn bà thành thị bây giờ hiện đại quá, thích đua đòi, đánh mất các giá trị truyền thống, miệng lúc nào cũng hô hào bình đẳng này nọ, nhưng quên mất bổn phận của mình. Thật đáng buồn! Kết luận như thế, bạn có tin được không?

Thật ra tôi có gì không đúng? Tôi ăn diện se sua, hoang phí, ngoại tình? Chẳng phải. Đơn giản là khi vừa vào làm dâu nhà anh, tôi đã ngờ ngợ nhận ra, tôi hoàn toàn không thuộc về chốn này. Tôi làm việc trong một văn phòng quanh năm rù rì máy lạnh. Để giữ cho da không bị khô ráp, tôi buộc phải xài kem dưỡng. Chút quan tâm bé mọn ấy cho nhan sắc đâu đến nỗi khiến chồng tôi không vừa ý? Tuần ba buổi, tôi thu xếp ghé phòng tập thể dục để giữ dáng.

Tôi sợ vào bếp nên khi mới cưới, mẹ chồng ở chung nhà đã nói thẳng sẽ quán xuyến việc nấu ăn trong nhà. Tôi góp đủ tiền chi tiêu, thi thoảng còn mang về túi hoa quả, ít bánh trái, mua biếu mẹ chồng bộ quần áo may sẵn, tặng bố chồng lọ thuốc bổ... Tôi nói năng nhẹ nhàng, lễ phép, khó mà chê trách. Nhà có giỗ quảy, tôi đề nghị đặt người ta nấu cho đỡ vất vả, tôi sẽ phụ tiền. Mỗi năm tôi theo chồng về quê vài lần, thực hiện những chuyện hiếu hỉ, coi như cũng đủ đầy lễ nghĩa.

Thế nhưng, mẹ chồng vẫn xa gần trách tôi không thân thiết với chị em bên chồng, tỏ ý không ưa tôi. Mẹ thích tôi sau cơm tối phải la cà với các chị em gái, em dâu khác. Mẹ tỏ ý qua chồng tôi, rằng cuối tuần phải tổ chức nấu nướng món này món nọ, bày biện đủ thứ rồi sau đó nai lưng ra dọn dẹp. Mẹ muốn tôi cùng mẹ đi chợ lựa từng con cá, mớ rau. Quan trọng nhất là mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của vợ chồng tôi. Nói trắng ra, mẹ không muốn tôi “đè đầu cưỡi cổ” chồng, sai vặt chồng, bắt chồng phải phụ vợ việc nhà này nọ. Mẹ quan niệm, đàn ông sinh ra không phải là để làm những việc đàn bà như thế…

Có lần, tôi thấy giỏ xách của mình hơi bị lộn xộn nên hỏi chồng, có phải anh đã tìm gì trong túi của em không? Chồng tôi xác nhận. Tôi có trách nhẹ là sao anh không hỏi em mà tự ý vậy. Câu đó, vô phước, mẹ chồng tôi nghe được. Mẹ kêu tôi lại, giảng một bài suốt mấy tiếng đồng hồ. Kết tội là tôi hỗn láo, không biết cư xử, coi chồng và cả mẹ chồng chẳng ra gì khi lớn lối nói năng như thế.

Tại sao chồng lại phải xin phép vợ? Trên đời này làm gì có chuyện ngược ngạo như vậy? Tôi có được dạy dỗ hay không? Câu cuối cùng này đã kết thúc sáu năm chung sống của vợ chồng tôi. Dù chồng tôi có giải thích, mẹ không có ý xúc phạm, chỉ vì quá giận, quá bất ngờ mà thôi. Nhưng, tôi cũng quá đáng! Vợ không con này thì con khác, chứ mẹ thì chỉ có một trên đời…

Tôi chẳng cổ hủ đến mức nhất định bắt chồng phải chọn mẹ hay vợ. Nhưng tôi không thể chấp nhận một ông chồng luôn muốn “ngồi chiếu trên”, bắt vợ hầu hạ, phục tùng. Dù chồng tôi cũng có một số ưu điểm nhất định, và tôi cũng không quá cứng nhắc không chịu xuống nước, nhưng căn bản là chồng tôi thuộc loại người không nên cưới một cô vợ hiện đại. Anh thích hợp với một cô vợ hàng ngày lo cơm nước, trông ngóng chồng về với một ly nước chanh. Còn tôi, tôi đành bỏ cuộc cho lành…

“Đàn ông đừng cưới một cô vợ khôn ngoan, thông minh, hay có sự nghiệp tốt quá, vì như thế “nó” sẽ chẳng coi mình ra gì. Hãy kết hôn với người phụ nữ ngốc nghếch một chút, lụy mình nhiều hơn mình yêu họ, sẽ tốt hơn” - lại một “cẩm nang” chọn vợ tôi được nghe từ mấy anh đồng nghiệp. Tất nhiên, cánh phụ nữ chung cơ quan chẳng khách sáo gì mà không phản pháo. Các chị lập luận, chỉ có nam giới yếm thế, thiếu tự tin thì mới phải lo “phòng thân” kiểu ấy. Đàn ông có năng lực thật sự, biết trân trọng bạn đời, coi vợ là tri kỷ, chắc chắn sẽ không mong sở hữu một cô vợ “ngu ngon ngoan” như vậy…

Tất nhiên chồng cũ của tôi nhanh chóng bước tiếp tập hai. Vợ mới của anh là bạn đồng hương thời bé, “nghề nghiệp” chính là sinh con, nội trợ. Có lần, tôi gặp cô ấy cùng chồng cũ của tôi qua thăm con. Nhìn cách cô ấy nhún nhường, e dè trước cái bóng của “vợ cả” đã thành quá vãng mà tôi ái ngại, thật tâm chỉ mong cô ấy được hạnh phúc…

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI