Chị, cựu vận động viên, đang là một huấn luyện viên yêu đời, tràn đầy nhiệt huyết. Mỗi lần gặp chị tôi như được tiếp thêm sức sống bởi giọng cười và kiểu nói chuyện dí dỏm rất duyên. Tai bay vạ gió, chỉ vì chút mâu thuẫn với em gái mà một người đàn ông đã thuê người tạt axít chị để trả thù.
Chị kể khi đang nằm trong bệnh viện với băng gạc trắng toát: “Chị đang chạy xe trên đường thì có hai thanh niên vượt lên, người ngồi sau vung tay hất một ca nước lên mặt chị. Phản xạ tự nhiên chị quay mặt tránh nhưng thứ nước đó cũng tạt vào một bên mặt, tai, cổ. Ban đầu chỉ thấy lạnh lạnh, nhưng chỉ tích tắc sau là cảm giác nóng rát khủng khiếp bùng lên.
Thấy một bên mặt mình bốc khói, chị hoảng loạn bỏ xe, hét lên cầu cứu. May lúc đó có người đàn ông nhà ngay ven đường đang cầm vòi lấy nước vào thùng đã bê nguyên thùng nước dội lên đầu chị, gọi mọi người xung quanh: “Cô này bị tạt axít rồi, kêu xe cấp cứu đi”.
Thùng nước làm cơn nóng rát có giảm đi đôi chút nhưng rồi chị vẫn cảm thấy da thịt mình đang bị đốt cháy, cứ như miếng thịt được nướng trên than, chín dần vì sức nóng của ngọn lửa. Chị đau đớn, hoảng loạn, không ngừng tự hỏi tại sao họ lại làm thế với mình?”.
Axít đã lấy đi của chị một bên tai và để lại vết sẹo co rút nham nhở cả một bên cổ kéo dài xuống thềm ngực như một dấu vết của tội ác. Vậy là chị cũng còn may mắn hơn nhiều nạn nhân khác của axít!
Nhờ phản xạ nhanh nhạy của một vận động viên, nhờ cả xô nước của người đàn ông hiểu chuyện ven đường, nên hậu quả đã không quá nặng nề, không bị ảnh hưởng đến chức năng vận động; dù nhan sắc và cả tinh thần của chị đã bị tàn phá không thể phục hồi.
Đã hơn 10 năm kể từ ngày đó, hai kẻ thủ ác và kẻ chủ mưu đều đã bị pháp luật trừng phạt, đã mãn hạn tù, nhưng chị thì mãi mãi không còn được như xưa. Chị ít nói ít cười, chẳng còn dám soi gương và trở nên cực kỳ nhạy cảm.
Chị bảo, nỗi ám ảnh đó là không thể nguôi ngoai. Mỗi lần trái gió trở trời vết thương dù đã lành miệng vẫn đau nhức từng cơn. Mỗi khi tay chạm vào vết sẹo trên mặt là chị giật mình, những đau đớn như quay trở lại…
Lần đến thăm chị ở bệnh viện ngày đó đã khiến tôi thật sự kinh sợ cái gọi là “tạt axít”. Chỉ một dãy phòng ngắn trong khoa Bỏng của Bệnh viện Chợ Rẫy là quá đủ để tôi chứng kiến sự hủy hoại kinh khiếp của axít lên cơ thể các nạn nhân. Một người đàn ông bị vợ nổi ghen ụp ca axít vào hạ bộ, bác sĩ phải khoét bỏ hết phần da thịt chỗ đó, đặt ống thông tiểu và đương nhiên ông ta vĩnh viễn mất khả năng đàn ông.
Một người phụ nữ trẻ bị người tình ghen tuông, tạt một ca axít vào mặt khiến hai mắt chị bị mù, gương mặt bị tàn phá nặng nề... Những nạn nhân đó đang từng ngày chống chọi với nỗi đau cơ thể bị tàn phá và cả nỗi đau tinh thần không gì có thể diễn tả. Chỉ nhìn họ mà tôi đã bị ám ảnh đến vậy, thì với họ, nỗi đau phải đến thế nào?
Hủy hoại cơ thể người khác, dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều đáng lên án, nhưng việc chọn axít làm công cụ hại người phải được lên án gấp trăm nghìn lần những hung khí khác. Nó là một tội ác, thậm chí còn nặng nề hơn cả tội giết người. Một người chết đi là chấm dứt tất cả, người ở lại có đau buồn rồi cũng sẽ dần nguôi ngoai; nhưng nạn nhân của axít thì sống không bằng chết.
Bỏng axít là vết bỏng khủng khiếp nhất bởi nó không chỉ gây vết thương ngoài da mà còn ăn mòn cả thịt, hủy hoại từ ngoài vào trong, mà bác sĩ có tài giỏi đến đâu cũng chỉ có thể giữ lại sự sống cho nạn nhân, chứ không có cách gì lấy lại được cho họ những gì đã mất. Axít tạo nên những vết sẹo co rút xấu xí đến thảm hại mà không biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ nào có thể phục hồi.
Gần như tất cả nạn nhân của axít đều không thể có lại được cuộc sống bình thường vì chức năng vận động bị ảnh hưởng gây khó khăn cho công việc. Nhan sắc bị tàn phá còn khiến nạn nhân mặc cảm, sống khép kín, lệ thuộc hoàn toàn vào người thân. Không ít người trong số họ luôn sống với những suy nghĩ tiêu cực, chỉ muốn tự tử để được giải thoát. Thực tế, đã có nhiều nạn nhân của axít đã chọn cách này để thoát khỏi đau đớn, để gia đình thoát được gánh nặng.
Nỗi đau các nạn nhân axít phải chịu đựng là việc không cần phải bàn cãi, bởi nó đã hiện hữu một cách trực quan nhất. Nhưng nỗi đau tinh thần của họ thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta. Tại nhiều quốc gia tiên tiến, một nạn nhân của bạo lực ngoài việc được chữa trị vết thương thể xác, còn được điều trị cả về mặt tinh thần bởi các chuyên gia tâm lý, kéo dài nhiều năm sau sự việc, để nạn nhân có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh, hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.
Hiện ở Việt Nam cũng có không ít chuyên viên tâm lý cũng như các trung tâm tư vấn tâm lý; nhưng phần lớn chỉ tư vấn những vấn đề tâm lý thông thường, chứ chưa có bác sĩ tâm lý được đào tạo chuyên sâu, đủ khả năng hỗ trợ phục hồi sang chấn tâm lý cho các nạn nhân bị bạo lực. Những nạn nhân đó vẫn phải tự mình chống chọi với tổn thương nghiêm trọng trong tâm hồn và nhiều người trong số họ đã không thể vượt qua.
Bao giờ mới chấm dứt được tội ác khủng khiếp này - là câu hỏi mà bất kỳ ai khi bắt gặp hình ảnh nạn nhân axít đều bật ra. Tiếc là câu trả lời còn rất mờ mịt, bởi việc kiểm soát axít ở Việt Nam - một hóa chất có thể hủy hoại con người, vẫn còn bị buông lỏng, ai ai cũng dễ dàng mua được, khung hình phạt với loại tội ác này thì lại còn quá nhẹ. Bao giờ mới có đổi thay để không còn có thêm nạn nhân của axít?
Đan Hà
Hơn cả giết người
Sự hủy hoại của axít đối với thẩm mỹ và sức khỏe của nạn nhân là không thể diễn tả hết được. Một phụ nữ bị tạt axít vào mặt có thể không bao giờ lập gia đình được hoặc gia đình đang có sẽ dễ đổ vỡ. Ra đường họ không dám để ai nhìn, sống trong mặc cảm tự ti suốt quãng đời còn lại.
Nhiều nạn nhân suốt đời tàn phế, sống trong đau đớn, mặc cảm, thậm chí còn có thể bị cộng đồng, người thân xa lánh... nên sống không bằng chết. Ở Việt Nam, thủ phạm tạt axít người khác bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS). Tùy mức độ thương tật của nạn nhân, kẻ thủ ác có thể bị phạt tù từ 3-20 năm hoặc tù chung thân.
Với hành vi gây hậu quả khủng khiếp cho nạn nhân như vậy, khung hình phạt này là còn quá nhẹ, chưa đủ hiệu lực ngăn chặn tội ác. Người phụ nữ trong bộ ảnh theo bài của tác giả Nguyễn Vũ Phước, là một trong những nạn nhân bị tạt axít khi còn rất trẻ. Chỉ trong một đêm, bộ ảnh đã có 5.000 lượt view cùng nhiều email đề nghị giúp đỡ. Họa sĩ Nguyễn Vũ Phước đã lặn lội nhiều năm từ quê đến phố để theo đuổi những phận người đau đớn này.
Các vụ tạt axít gây kinh hoàng
Do cuộc sống vợ chồng nhiều mâu thuẫn nên người phụ nữ trẻ muốn ly hôn thì bị đòn thù tàn nhẫn của chồng. Sự việc xảy ra vào sáng 2/7, chị N. đang chuẩn bị cho con ăn thì bất ngờ Phương - chồng chị mang bình axít đi từ phía sau đến, nắm tóc vợ rồi rưới axít từ mặt xuống cổ. Chị N. hoảng loạn nên hất ca axít vào người khiến gã chồng tàn nhẫn cũng bị bỏng vùng mặt. Gia đình đưa chị N. lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng vùng mặt và cổ.
Ngày 2/7 vừa qua, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ giữa gia đình ông Hào - phường Tân Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) và hàng xóm, ông Hào đã tạt can axít vào hàng xóm làm sáu người bị thương. Ông Hào khai với công an rằng gia đình bà Giang thường xuyên để xe rác trước nhà ông gây hôi thối.
Đêm 13/5 người dân ở ngõ 107, đường Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nghe tiếng thét thất thanh của một nam thanh niên, họ chạy ra thì phát hiện anh Tuấn đang ôm khuôn mặt bị bỏng do bị tạt axít gào thét đau đớn. Dù được khẩn cấp đưa đi cấp cứu nhưng anh Tuấn vẫn bị thương nặng, bị bỏng toàn thân, hai mắt bị bỏng nặng. Nguyên nhân là do uất ức vì người tình không đưa tiền để gửi về chăm sóc con, Giang đã thuê người tạt axít trả thù Tuấn.
Khoảng 23g, ngày 6/4, tại một quán bida thuộc thôn 2, xã Kroong, TP.Kon Tum, Ngô Như Quyền (SN 1975, trú tại thôn 2, xã Kroong) cùng các bạn đánh bida thì xảy ra mâu thuẫn và dẫn đến xô xát với một người. Sau khi được mọi người can ngăn, cả hai bên bỏ về. Về đến nhà, thấy sẵn can axít, Quyền đã nảy sinh ý định tìm Thịnh để trả thù. Khoảng 0g ngày 7/4, khi thấy hai nam thanh niên (A Ngưi và A Đôm) đang đi đến đoạn trước tiệm tạp hóa, Quyền đã tạt axít vào người. Hậu quả, cả A Ngưi và A Đôm đều bị bỏng nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Đây là vụ tạt axít nhầm người.