Tội ác sinh ra từ nơi đầy ắp yêu thương: Còn đâu là nơi an toàn cho trẻ?

17/11/2019 - 16:40

PNO - Câu chuyện những đứa trẻ bị xâm hại ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM khiến cả ngày hôm nay tôi bồn chồn không yên...

Mới hôm qua, tôi vui sướng, hạnh phúc vì được nhận giải thưởng KOVA - giải thưởng cao quý của Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam - trao cho những đóng góp vì công tác chống xâm hại tình dục trẻ em.

Hôm nay, tôi rơi vào trạng thái buồn đau khó tả trước vụ người nhân viên Phòng Quản lý hồ sơ - Giáo dục tư vấn, Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM xâm hại hàng loạt những đứa trẻ đang được quản lý ở đây.

Toi ac sinh ra tu noi day ap yeu thuong: Con dau la noi an toan cho tre?
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.

Nỗi buồn của tôi vừa xuất phát từ sự xót xa, cảm thương những đứa trẻ bị xâm hại, đồng thời còn buồn vì sự phẫn uất đến bất lực khi nhìn ra mầm mống tội ác ngay từ nơi lẽ ra phải đầy ắp nhân ái, yêu thương: Cơ sở bảo trợ xã hội.

Câu hỏi cho tất cả chúng ta: Đâu là nơi an toàn cho trẻ? Ở nhà ư? Không, rất nhiều trẻ, thậm chí hơn 50% những nạn nhân bị xâm hại tình dục từ người thân trong gia đình, ngay trong chính ngôi nhà của các bé. Ở trường ư? Cũng không, trẻ vẫn bị thầy giáo dâm ô, xâm hại; cô giáo lăng mạ, bạo hành. Nơi công viên, sân chơi, thang máy chung cư cao cấp, đoạn đường vắng... chỗ nào cũng có nguy cơ thành hiện trường xảy ra tội ác. Nay, thêm một hồi chuông báo động nữa, ngay nơi bảo trợ xã hội, trẻ cũng không được bảo trợ vẹn toàn!

Đã thế, người xâm hại trẻ, từ học vấn bằng không cho đến kẻ có chức quyền, thậm chí là người chấp pháp, nắm trong tay công cụ bảo vệ pháp luật. Ai ai cũng có thể thành kẻ tội đồ.

Điều này cho thấy, chúng ta không thể nào lơ là, dù một lúc, trong việc bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị tấn công, xâm hại tình dục. Rào chắn, hành lang pháp lý có đầy đủ, tròn vẹn, hoàn chỉnh đến đâu chăng nữa mà những con người giữ công cụ pháp lý không đủ tâm hoặc có dã tâm như ông Dũng thì luật pháp có cũng như không. Những đứa trẻ mãi mãi sẽ không được bảo vệ đến nơi, đến chốn.

Như tin báo chí đã đưa, sau tố cáo của hai bé gái về hành vi dâm ô, người nhân viên tên Dũng này còn thú nhận đã có hành vi đồi bại với hàng loạt bé gái khác. Sự việc mang tính chất nghiêm trọng này đã lập tức được cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra. 14 giờ chiều 17/11, công an Quận Bình Thạnh đã lấy lời khai của các nạn nhân. Cũng ngay ngày hôm nay, Chi Hội luật sư - Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM chúng tôi đã chính thức vào cuộc để hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân.

Tôi cho rằng, đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, bởi các bé, khi được đưa vào quản lý tại trung tâm, vốn đã chịu không ít thương tổn từ cuộc sống; trường hợp bị xâm hại, sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống và quá trình hình thành nhân cách của các bé sau này.

Tôi tin rằng, vụ việc này sẽ được điều tra nhanh, sớm có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, để mọi người không sống lâu trong sợ hãi. Tôi cũng biết, sau sự việc này, chính quyền, ngành lao động thương binh và xã hội sẽ có cuộc ngồi lại, bàn luận, tìm giải pháp, rút ra bài học mới về công tác bảo vệ trẻ em…

Qua đây, tôi thiết tha mong, sau vụ việc này, cơ quan chức năng cùng chính quyền thành phố hãy rà soát lại tất cả các vành đai, các hành lang pháp lý, những tổ chức xã hội, từ thiện nuôi giữ trẻ, để đừng thêm bất kỳ thông tin, tiếng kêu cứu cũng như bài học đau lòng nào nữa phải “rút ra” từ những nơi này.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
(Chi hội Luật sư bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI