Tọa đàm “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái - khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” hướng tới tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11-15/12) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 24/9 đã mổ xẻ vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nhận định: “So với các dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục (BLTD) đối với phụ nữ và trẻ em gái dường như gặp nhiều khó khăn hơn. Phụ nữ còn gặp thử thách hơn khi tố cáo các vụ việc bị BLTD cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác”.
Cản ngại do định kiến
Đặc biệt, một số vụ việc về bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng này. “Việc xử lý và can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong dư luận và xã hội. Thậm chí, trong một số trường hợp nạn nhân đã phải dùng cả mạng sống của mình để vụ việc xâm hại tình dục được đưa ra ánh sáng”, bà Hà chia sẻ.
Cản ngại đầu tiên là định kiến, lời dị nghị đã giết chết ý chí đưa cái xấu, cái ác ra ánh sáng của nạn nhân. Khó tránh khỏi những lời ác ý kiểu: “không có lửa sao có khói”, “nhỏ đó cũng không vừa, lẳng lơ, mấy đời chồng” hay “đồ con nít quỷ”…
Với em Hồ Mộng K., lớp Năm ở tỉnh Cà Mau, thực ra em đã “chết” trước khi uống thuốc tự tử. Chết theo nghĩa kinh sợ người lớn, suy kiệt niềm tin về một ngày mình được các chú công an đưa ra khỏi oan khuất.
Sự phán xét của người đời không chừa đường cho tình thương và lẽ công bằng như vụ chị N.T.L.A. (công chức ở H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị đồng nghiệp nam tấn công tình dục. Ngay cả khi người tấn công đã bị xử lý nhưng thái độ chế giễu với chị vẫn không ngớt bên cạnh những lời chia sẻ và bức xúc với mức xử phạt hành chính 200.000 đồng như một trò cười.
Miệng đời vẫn đơm đặt rằng “bị nhiều lần cớ sao đến lần này mới lên tiếng”, “chắc ổng hờ hững nên chị tức, trở mặt tố cáo cho thỏa hận thù”. Họ “khai quật” quá khứ dang dở tình duyên của nạn nhân để minh chứng cho điều họ phán, thậm chí còn vu: “vừa ăn cướp vừa la làng”, “ăn không được thì phá cho hôi”, “phải bật đèn xanh thì ổng mới lao vào”…
|
Đập vỡ định kiến
Đổ lỗi do chính nạn nhân “bật đèn xanh” chẳng khác nào mở phiên xử tại chỗ, tuyên án… người bị hại. Đáng sợ nhất là cách nghĩ đó làm dừng hẳn ý chí phản kháng, tố cáo vốn đã yếu ớt của nạn nhân. BLTD là tội ác, không phải điều bình thường và không thể chỉ một thời gian là chìm lắng, bay biến, nhất là khi kẻ gây BLTD chính là người thân trong gia đình. Ý thức này phải được xây dựng cho từng người, từng nhà, toàn xã hội nhất là cán bộ bảo vệ pháp luật…
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng, nạn nhân không mạnh dạn tố cáo vì sợ bị phớt lờ, sợ cô độc trên hành trình gian nan đó, họ nản lòng, buông xuôi ngay từ đầu.
Là Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ từng giúp rất nhiều trẻ đòi lại công lý. Việc hỗ trợ nạn nhân thu thập chứng cứ luôn là thử thách lớn nhất. Có vụ bé gái méc mẹ bị “yêu râu xanh” tấn công ở chuồng gà, bụi chuối… mẹ đã giục bé… tắm rửa sạch sẽ, giặt quần áo rồi lên công an nộp đơn tố giác. Có bé câm điếc không dễ lấy lời khai, gia đình, luật sư, công an phải nát óc để dịch những cử chỉ của em. Không ít vụ án kéo dài, khó khăn cho công tác điều tra vì các bé căng thẳng, hoảng sợ khi các chú công an lấy lời khai.
Trước thông tin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM xây dựng quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục với bước chuyển giao tính bằng giờ - phút, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, hoan nghênh và đề xuất: “Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến liệu pháp tâm lý, hỗ trợ mọi mặt cho nạn nhân trong cuộc sống chứ không dừng lại ở bản án đòi công bằng”.
|
Em K. đã chết trong suy kiệt niềm tin về một ngày mình được các chú công an đưa ra khỏi oan khuất |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BLTD là bất kỳ hành vi tình dục; cố gắng để đạt được một hành vi tình dục; các bình luận có tính chất tình dục hoặc sự kích thích, buôn bán hoặc hành vi trực tiếp không được mong muốn chống lại giới tính của một người thông qua sự ép buộc bởi bất kỳ ai không phân biệt mối quan hệ với nạn nhân trong mọi hoàn cảnh bao gồm cả trong gia đình và công việc.
Một số hình thức phổ biến của BLTD: cưỡng hiếp bởi người lạ; cưỡng hiếp có tính hệ thống trong các cuộc xung đột vũ trang; kích thích mang tính chất tình dục không mong muốn hoặc quấy rối tình dục (bao gồm cả yêu cầu tình dục để đổi lấy quyền lợi); xâm hại tình dục đối với người khuyết tật/ người tâm thần; xâm hại tình dục trẻ em; ép buộc kết hôn/ sống chung bao gồm kết hôn với trẻ em; từ chối quyền sử dụng biện pháp tránh thai/ biện pháp ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục; ép buộc nạo phá thai; hành vi bạo lực chống lại sự nguyên vẹn giới tính của phụ nữ: cắt âm hộ, kiểm tra trinh tiết; ép bán dâm và buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục; ép quan hệ tình dục trong hôn nhân hoặc trong khi hẹn hò…
Truyền thông tích cực về bạo lực tình dục
Tại tọa đàm, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp như sau: Truyền thông tích cực về BLTD (nạn nhân biết hành vi nào được coi là BLTD để tự phòng tránh, cộng đồng lên tiếng khi chứng kiến BLTD xảy ra, biết đến các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân), nâng cao năng lực (cán bộ cung cấp dịch vụ có nhạy cảm giới - không xem xét yếu tố lịch sử tình ái của nạn nhân để đưa ra kết luận về việc bạo lực, cách thu thập chứng cứ cho vụ việc BLTD, làm việc với nạn nhân của BLTD, nâng cao kỹ năng làm việc với người gây bao lực), dịch vụ hỗ trợ nạn nhân (thí điểm trung tâm giải quyết khủng hoảng hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới trong đó có BLTD, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây nóng tư vấn và tiếp nhận thông tin về BLTD).
Hoài Nhân (ghi)
|
Tô Diệu Hiền