Tội ác ẩn sau những người sống ẩn dật ở Hàn Quốc

17/09/2023 - 22:10

PNO - Những kẻ phạm tội sống ẩn dật đang gia tăng gần đây ở Hàn Quốc cho thấy tình trạng này đang trở thành vấn đề trong giới trẻ.

 

Nghi phạm giết người Jung Yoo-jung, đội mũ và đeo mặt nạ, rời trại cảnh sát trên đường đến cơ quan công tố ở Busan, trong ảnh hồ sơ này chụp ngày 2 tháng 6 năm 2023. (Yonhap)
Nghi phạm giết người Jung Yoo-jung bị bắt 

Hàng loạt vụ án đâm và giết người ngẫu nhiên ở Hàn Quốc gần đây cho thấy, thủ phạm ra tay với bất kỳ ai. Tội phạm này được người Hàn Quốc gọi là tội ác "đừng hỏi tại sao" hay "mudjima".

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết, có một đặc điểm chung giữa các nghi phạm giết người gần đây: Họ thường là "những kẻ cô độc ẩn dật", phần lớn không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Vào tháng 5, Jung Yoo-jung đã gây phẫn nộ khi thú nhận đã giết và phân xác một nạn nhân mà cô tình cờ gặp qua một ứng dụng "tò mò về những vụ giết người".

Theo điều tra, cô gái 23 tuổi được cho là đã sống tách biệt, không liên lạc người thân, bạn bè trong 5 năm trước khi phạm tội. Trong thời gian này, cô dành phần lớn thời gian ở nhà mà không có việc làm, đồng thời đắm mình trong các chương trình truyền hình và sách về giết người. 

Hay Cho Seon, nghi phạm đằng sau vụ đâm chết người gần ga Sillim ở Seoul vào tháng trước khiến 1 người chết và 3 người bị thương, cũng đã sống ẩn dật kể từ tháng 12 năm ngoái sau khi trải qua một loạt thất bại cá nhân và khó khăn về kinh tế.

Ngoài ra, hàng loạt các tội ác vô cớ khác cũng khiến nhiều người lo ngại như vụ đâm chém điên cuồng tại một trung tâm thương mại ở Bundang, phía nam Seoul và một vụ tấn công ngẫu nhiên nhằm vào một nữ giáo viên khi đang đi bộ. Đặc điểm chung của cả hai nghi phạm này cũng không liên lạc với bất kỳ ai ngoài gia đình họ.

Oh Yoon-sung, giáo sư tại Đại học Soonchunhyang ở thành phố Asan, nói rằng việc thiếu kết nối các mối quan hệ xã hội là vấn đề. "Vì nó khiến mọi người đưa ra những đánh giá chủ quan hoặc suy luận của riêng mình mà không tiếp nhận những phản hồi từ bên ngoài" - ông nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng một số nghi phạm đã chuyển sang cuộc sống trên mạng như một lối thoát khỏi thực tế. Lee Yoon-ho, phụ trách môn khoa học cảnh sát tại Đại học Hàn Quốc cho biết: “Không giống như trong thế giới thực, họ có thể thể hiện bản thân và được thừa nhận trên không gian mạng, điều này khiến họ càng say mê hơn. Vấn đề nảy sinh khi họ nhầm lẫn thế giới ảo với thế giới thực và hành động cực kỳ tàn bạo”.

Hoa và lời chia buồn được đặt tại đài tưởng niệm tạm bợ trong một con hẻm gần ga Sillim trong bức ảnh tư liệu này chụp ngày 23 tháng 7 năm 2023, nơi một người đàn ông thiệt mạng và ba người khác bị thương trong một vụ đâm hung hãn vào ngày 21 tháng 7. (Yonhap)
Hoa và lời chia buồn được đặt tại đài tưởng niệm trong một con hẻm gần ga Sillim - nơi một người đàn ông thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ đâm người vào ngày 21/7.

Chuỗi tội ác gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận về số lượng thanh niên ẩn dật ngày càng tăng ở nước này, những người đang chọn cách khép mình và hạn chế giao tiếp xã hội trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao và khó khăn về kinh tế.

Một cuộc khảo sát do chính phủ tiến hành cho thấy 2,4% số người được hỏi, hay ước tính hơn 246.000 thanh niên, được coi là "thanh niên ẩn dật". Theo Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ năm 2022, 35% trong số họ cho rằng “khó khăn trong việc tìm việc làm” là lý do chính dẫn đến cuộc sống ẩn dật, tiếp theo là 10% đổ lỗi cho “những khó khăn trong mối quan hệ giữa con người với nhau”.

Trong bối cảnh công chúng ngày càng lo sợ trước các vụ tấn công hàng loạt liên tiếp và các mối đe dọa giết người bừa bãi, chính phủ đã đưa ra một số biện pháp đối phó, tập trung vào việc tăng cường an ninh và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm cũng như tăng cường tuần tra, ngăn chặn và khám xét trên đường phố nhằm vào những người sở hữu vũ khí hoặc có hành vi đáng ngờ.

Chính phủ cũng thúc đẩy thông qua các đạo luật, trong đó bao gồm án chung thân không ân xá đối với những tội phạm tàn ác.

Lee Byung-hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang, cho biết: “Những người trẻ tuổi cần hòa nhập xã hội sau khi học xong, nhưng nhiều rào cản xã hội, bao gồm cả thị trường việc làm không thuận lợi, đang khiến họ bị cô lập và bất lực”.

Theo giáo sư Lee, thay vì tập trung vào án phạt, chính phủ nên tạo việc làm mới và hỗ trợ nhiều hơn dưới hình thức tư vấn tâm lý, hỗ trợ tài chính, đảm bảo nhà ở giá rẻ hoặc thông qua các hoạt động văn hóa khác nhau để giúp người trẻ mạnh dạn bước ra ngoài xã hội, hòa nhập vào cộng đồng.

Thảo Nguyễn (theo Yonhap)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI