Chuyên mục:Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Tóc rụng nhiều có phải do tiêm vắc xin?

15/10/2021 - 06:43

PNO - Với một số lo lắng của người dân sau khi tiêm vắc xin như rụng tóc hay rối loạn kinh nguyệt… thực ra là không có căn cứ để khẳng định.


* Tôi đã tiêm hai mũi vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, sau khi tiêm, tóc tôi rụng rất nhiều. Liệu đây có phải là phản ứng phụ của vắc xin và hiện tượng rụng tóc có tự hết không?

Nguyễn Quỳnh Phương (Hà Đông, Hà Nội)

Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng vắc xin mở rộng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Những phản ứng thông thường có thể xảy ra khi tiêm vắc xin COVID-19 đã được ghi nhận như: sưng đau tại chỗ, sốt hay một số phản ứng khác ít gặp hơn như chóng mặt, buồn nôn, cảm giác mệt mỏi, ăn không ngon miệng. Với một số lo lắng của người dân sau khi tiêm vắc xin như rụng tóc hay rối loạn kinh nguyệt… thực ra là không có căn cứ để khẳng định. Bởi mỗi cá thể có đáp ứng khác nhau và hoàn toàn có thể bị tác động bởi một lý do nào đó trùng khớp sau khi tiêm vắc xin. Ví dụ việc căng thẳng, thiếu cân bằng dinh dưỡng… cũng có thể khiến bạn bị rụng tóc. 

Ngoài ra, các phản ứng sau khi tiêm vắc xin như sốt, sưng đau tại chỗ… chỉ xuất hiện khoảng vài ngày. Một số trường hợp đặc biệt có thể có tình trạng bất thường kéo dài hơn do đặc tính đáp ứng miễn dịch của cơ thể khác nhau. Thế giới đã ghi nhận hiện tượng “sương mù não”, tức đầu óc suy nghĩ luẩn quẩn, không thông xuất hiện ở người tiêm vắc xin COVID-19 trong khoảng một tháng nhưng rất hiếm gặp và sau đó cũng sẽ tự hết. 

Tóm lại, thông thường, các rối loạn của cơ thể sau khi tiêm vắc xin có thể xuất hiện và kéo dài tới khoảng một tháng. Tuy nhiên, nếu giải quyết bằng việc bổ sung dinh dưỡng, sử dụng một số loại thuốc mang tính chất giảm viêm… cũng có thể làm các hiện tượng này kết thúc sớm hơn. Lưu ý, việc dùng thuốc như thế nào, tuyệt đối phải có chỉ định của bác sĩ.

Trong trường hợp của bạn, nếu tình trạng rụng tóc kéo dài thì nên đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời. Chúng ta không nên tự suy luận và quy kết các vấn đề bất thường của cơ thể sau khi tiêm vắc xin bởi như tôi đã nói, hoàn toàn có thể do những lý do trùng hợp khác.


 H.Anh (ghi)

Xét nghiệm âm tính sao vẫn khó thở?

* Nhiều bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, dù xét nghiệm PCR âm tính, SpO2 trên 96% song vẫn còn ho nhiều, cảm giác mệt mỏi, khó thở, hô hấp kém; cần được can thiệp ra sao? 

Bạch Vân (Q.12, TPHCM)

Tiến sĩ vật lý trị liệu Đào Thị Hiệp, cố vấn chuyên môn bộ môn phục hồi chức năng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 

Có nhiều vấn đề đặt ra trong trường hợp này. Trước tiên, cần xác định bệnh nhân ho có đàm hay không. Nếu có đàm, cần sử dụng thuốc loãng đàm và thực hiện các kỹ thuật thở theo chu kỳ, giữ và hà hơi giúp đẩy đàm ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không sốt, nhịp tim, huyết áp ổn định, SpO2 lớn hơn 965, đồng nghĩa bệnh nhân không quá khó thở, thì cần nghĩ đến do tâm lý. Qua đó có thể áp dụng các tư thế tập luyện giúp dễ thở. 

Thêm một khả năng dẫn đến trường hợp nói trên, là bệnh nhân cần được kiểm tra mẫu mô hấp để xác định bình thường hay bệnh lý. Nếu bệnh nhân sử dụng quá nhiều cơ hô hấp phụ dẫn đến hô hấp kém, cần tập luyện thư giãn nhóm cơ. Triệu chứng ho nhiều, khó thở, hô hấp kém của bệnh nhân còn ảnh hưởng từ yếu tố đau dạ dày. Dạ dày đau tạo nhiều hơi trong ổ bụng khiến cơ hoành hoạt động không hiệu quả. 

Tuyết Dân (ghi)

 

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua Đường dây khẩn của báo: 

0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI