Gian nan tìm con chữ
Chỉ cách Quốc lộ 7 chừng 30km, song tôi phải mất hơn 2 giờ “bò” trên tuyến đường độc đạo lởm chởm đá mới vào được cụm Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) - nơi sinh sống của hơn 200 đồng bào dân tộc thiểu số Đan Lai.
Ở Khe Nóng có 50 nóc nhà thì hơn nửa là nhà tranh, vách nứa xiêu vẹo. Ngôi nhà được xem là kiên cố nhất ở đây là điểm trường tiểu học - nơi con trẻ từ mầm non đến tiểu học người Đan Lai đến tìm con chữ, song gần đây đã bỏ hoang vì học sinh quá ít, nên phải ra học ngoài trung tâm xã.
|
Phần lớn nhà của người Đan Lai ở Khe Nóng vẫn là nhà tranh, vách nứa |
“Ở đây nước lên rất nhanh, mưa lớn là 4 khe suối ngập sâu, không thể đi lại. Học sinh ra trung tâm xã học thì rất vất vả. Nhà có điều kiện đưa đón các cháu còn được, nếu không các cháu đi học cũng chẳng đều đặn” - trung tá Trần Duy Đông - cán bộ đồn biên phòng Khe Bu, phụ trách cụm Khe Nóng - nói. Bởi thế, hành trình học tập của các em nhỏ ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này cũng trắc trở như con đường vào bản.
Anh La Văn Thoại - Cụm phó Khe Nóng - cho biết, đầu tuần học sinh phải dậy từ tờ mờ sáng để cha mẹ chở ra trường. Nhà nào không có xe thì nhờ người quen, hàng xóm hỗ trợ. Nhiều cháu được cha mẹ gửi ở nhà người quen gần trung tâm xã. Nhiều cháu ở nội trú trong trường, cuối tuần mới về nhà.
Mùa mưa lũ, có khi vài tháng các cháu mới được về thăm nhà. Mỗi dịp đầu năm học, hay sau kỳ nghỉ tết, lực lượng chức năng cùng giáo viên lại phải đến từng nhà để vận động học sinh trở lại trường. Không thì các em lại bỏ học, ở nhà hoặc lên rừng với cha mẹ.
Được cán bộ biên phòng nhắc, anh La Văn Hiệp (32 tuổi) mới nhớ năm học mới của các con sắp bắt đầu. Lục lọi trong nhà, anh Hiệp bảo chỉ còn ít gạo, giờ phải gắng “bóp bụng” lại để dành cho con mang đi ở nhờ. “Nhà có 4 đứa nhưng mới 2 đứa đầu đi học thôi. Đầu tuần thì chở 2 đứa chúng nó ra gửi nhà người quen, cuối tuần không mưa thì ra chở về” - anh Hiệp cho hay.
Ông Lương Viết Tùng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông - cho biết, UBND huyện cũng đã đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu phương án để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh. “Việc đưa học sinh ra trung tâm học là một chủ trương tốt.
Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc, những nơi quá khó khăn thì cần tạo điều kiện cho các em học tại chỗ” - ông Lương Viết Tùng nói.
|
Điểm trường bỏ hoang thành nơi chơi đùa của trẻ nhỏ |
Chật vật tìm kế sinh nhai
Người Đan Lai sống bằng hái lượm, săn bắt thú rừng, đánh bắt cá dưới suối. Những năm 1980, một dự án di dời họ ra với thế giới văn minh được thực hiện với kỳ vọng sẽ nâng cao đời sống cho họ.
Theo đó, hàng chục hộ dân ở Khe Nóng được đưa ra khỏi rừng về sống ở bản Châu Sơn gần trung tâm xã Châu Khê. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều gia đình lại lần lượt quay về nơi ở cũ. “Có nhiều nguyên nhân như thói quen canh tác, họ đã quen sống dựa vào núi rừng, thiếu đất sản xuất… nên dần dần họ quay trở lại rừng” - ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê - nói.
Kế sinh nhai phụ thuộc chủ yếu vào núi rừng, nhưng những năm gần đây, rừng được kiểm soát nghiêm ngặt nên không còn được săn bắt thú rừng và phát rừng làm nương rẫy, nên cuộc sống ngày càng chật vật. Khi đã không còn dựa vào núi rừng được nữa, lớp thanh niên đành lần lượt kéo nhau đi làm thuê tứ xứ.
Ngồi nép mình bên cửa nhà ngóng chờ vợ con đi lấy măng về, ông La Văn Trung (60 tuổi) cho biết: “Nhà ta không có ruộng, muốn trồng lúa để ăn cũng không được. Vợ con lên rừng chặt măng bán lấy tiền mua gạo thôi. Tháng nào không kiếm được tiền thì vay tạm gạo ăn, rồi trả dần”.
Nói là nhà, nhưng thực chất nơi ở của vợ chồng ông Trung và 3 người con chỉ là túp lều tranh chưa tới 20m2. Lều đã xiêu vẹo, chỉ đủ khoanh một góc nhỏ làm bếp, phần còn lại là giường ngủ của cả gia đình. Không có ruộng, 5 miệng ăn trong nhà hoàn toàn trông vào mớ măng trên rừng và số tiền công ông Trung đi chặt keo thuê mỗi ngày.
Căn nhà kế bên của chị La Thị Mơ (44 tuổi) cũng trống trước hở sau, nhưng vợ chồng chị chẳng buồn sửa bởi còn bận lo cái ăn mỗi ngày. Chồng chị Mơ đã mất 1 chân sau tai nạn, không thể băng rừng lội suối như trước, cái ăn của cả gia đình chỉ còn trông chờ vào chị.
Quá trưa, những người phụ nữ vào rừng lấy măng lần lượt trở về với gương mặt đượm buồn. “Nắng quá! Không có măng. Cả buổi sáng được có mớ may đủ luộc ăn thôi. Giờ lên rừng khó kiếm cái ăn quá. Nhiều bữa đi cả ngày cũng về không” - chị Mơ thở dài.
Người Đan Lai ở Khe Nóng cũng chẳng thể phát triển chăn nuôi, vì khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, có nhiều loài côn trùng hút máu như bọ, ruồi vàng… Cho nên, trâu bò dù được chăn thả trên những đồng cỏ xanh mướt nhưng vẫn còi cọc. “Ở đây chỉ có 2 công việc kiếm tiền. Thanh niên có sức thì đi chặt keo thuê, nhưng lâu lâu mới có việc làm vài ngày. Còn người già, phụ nữ thì chỉ biết lên rừng lấy măng, mật ong rừng” - chị La Thị Mày (41 tuổi) cho biết.
|
Trung tá Trần Duy Đông trò chuyện, vận động phụ huynh đưa con em tới trường trước thềm năm học mới |
Giao thông cách trở, nhu yếu phẩm của người dân ở Khe Nóng phụ thuộc vào những “quầy hàng” di động của thương lái. Mỗi tuần, những người buôn bán ở trung tâm xã thường vận chuyển 2-3 xe tải các mặt hàng nhu yếu phẩm vào để bán hoặc trao đổi hàng hóa. “Họ nghèo quá, nhiều khi bán cho họ rồi chờ lúc nào có mật ong mới lấy thôi. Vì không có điện, không thể tích trữ thức ăn, nên họ cũng chỉ mua đủ ăn trong ngày” - một người buôn bán nói.
Ông Kha Văn Thương cho biết, Khe Nóng là cụm dân cư khó khăn nhất của huyện Con Cuông, 100% hộ dân đều thuộc diện “nghèo bền vững”. Mùa giáp hạt, người dân ở đây thường rơi vào tình trạng thiếu gạo ăn, bởi thế họ chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều đáng mừng là nay người Đan Lai ở Khe Nóng đã biết đi làm thuê, không còn quanh quẩn trên rừng, dưới suối như trước đây.
“Xã cũng đã từng đưa máy móc vào khai hoang gần 3ha đất để người dân trồng ngô, trồng lúa. Nhưng họ làm được vài năm rồi bỏ hoang dần. Sau nhiều lần đề xuất, hiện phía lâm trường huyện Con Cuông đã đồng ý cắt 70ha đất lâm nghiệp để chia cho người dân. Sau khi có đất, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân trồng cây keo, cây mét… Ngành điện lực cũng đang triển khai đưa điện vào Khe Nóng, khi có điện lưới, cuộc sống người dân sẽ có thay đổi lớn” - ông chủ tịch xã nói.
Ngoài nghèo đói, sống biệt lập trong rừng sâu, người Đan Lai ở Khe Nóng còn bị đe dọa bởi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài, làm suy vong giống nòi. Theo trung tá Trần Duy Đông, dù các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, song tình trạng hôn nhân cận huyết ở Khe Nóng vẫn chưa được xóa bỏ. Tộc người Đan Lai là một nhóm người nhỏ, khoảng 3.000 người sinh sống ở huyện Con Cuông, trong đó chủ yếu ở 2 bản Cò Phạt và bản Búng. Đây là 2 bản trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, biệt lập với các bản làng khác. Trước tình trạng bị cô lập, nguy cơ suy thoái giống nòi, tháng 12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát. |
Phan Ngọc