Tốc độ dịch lây lan nhanh: Dồn lực xét nghiệm, tìm kiếm người mắc COVID-19

03/08/2020 - 05:54

PNO - Nhận định tình hình dịch bệnh lần này lây lan nhanh hơn trước đây, công tác xét nghiệm đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách để sàng lọc, khoanh vùng người bệnh tại Đà Nẵng và nhiều địa phương trên cả nước.

Xét nghiệm xuyên ngày đêm trong tâm dịch

Các địa phương đang dốc sức tăng năng lực xét nghiệm và truy vết bệnh nhân mắc COVID-19 để khoanh vùng, dập dịch - Ảnh: An Vũ
Các địa phương đang dốc sức tăng năng lực xét nghiệm và truy vết bệnh nhân mắc COVID-19 để khoanh vùng, dập dịch - Ảnh: An Vũ

Gần mười ngày sau khi Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 quay trở lại trong cộng đồng, con số bệnh nhân vẫn đang tiếp tục tăng lên hằng ngày. Riêng tại Đà Nẵng, số ca mắc bệnh tính tới tối 2/8 đã lên tới 119. Trong đó, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, trở thành một ổ dịch “siêu lây nhiễm”. Cả năm ca mắc COVID-19 tử vong trên bệnh nền nghiêm trọng đều có liên quan tới BV này. Ngoài bệnh nhân, còn có tám nhân viên y tế mắc COVID-19, một trong số đó có diễn biến nặng.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh, thành ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, để ứng phó nhanh nhất với tình hình dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tung lực lượng lớn chưa từng có, bao gồm những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất từ các bệnh viện lớn trên cả nước, từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm… về hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Long nhận định: “Dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước”. Do đó, ông nhấn mạnh, việc tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng sàng lọc, khoanh vùng người mắc bệnh là nhiệm vụ tối quan trọng hàng đầu.

Hiện nay, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chiến dịch xét nghiệm cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Là một trong những chuyên gia đầu ngành được chi viện cho Đà Nẵng, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cùng đồng nghiệp đang trải qua những ngày đêm “không ngủ”: “Tất cả các lực lượng nỗ lực từng giây, từng phút để hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng. Các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày”.

Theo PGS-TS Dương, tại Đà Nẵng, các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, khó thở được giám sát từ các trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh, BV, kể cả tư nhân để ưu tiên lấy mẫu ngay. Trong những ngày đầu dịch, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng vào khoảng 3.000-4.000 mẫu/ngày và tới nay có thể đáp ứng tới 10.000 mẫu/ngày. Việc lấy mẫu được tiến hành thật nhanh, cả dịch hầu họng và mẫu máu, khi phát hiện mẫu xét nghiệm kháng thể dương tính là tiến hành “bao vây” ngay. 

Cùng với lấy mẫu xét nghiệm, Đà Nẵng tiếp tục đẩy nhanh việc thành lập các đội “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng”. Lực lượng này là sinh viên đến từ Trường đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và lực lượng chiến sĩ Quân khu 5, với nhiệm vụ tham gia vào quá trình truy vết, thông tin kết quả xét nghiệm các ca dương tính với bộ phận xét nghiệm và thông tin về dịch tễ giữa các bộ phận điều tra, giám sát dịch.

Đẩy năng lực xét nghiệm trên toàn quốc

Không chỉ Đà Nẵng, bệnh dịch đang có nguy cơ lây lan nhanh và đe dọa các tỉnh, thành khác. Thông tin từ Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong tháng 7/2020, qua theo truy vết tới ngày 2/8, đã có 1,4 triệu người đi đến Đà Nẵng, riêng với khu vực ba BV thì có tới 800.000 lượt người. 

Là một trong hai địa phương có số lượng người tới Đà Nẵng du lịch nhiều nhất và đã ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Hà Nội và TP.HCM cũng đang dốc lực triển khai xét nghiệm cho người dân. Cụ thể, tại TP.HCM, Sở Y tế cho biết năng lực xét nghiệm của 13 đơn vị trên địa bàn có thể thực hiện khoảng 8.000-9.000 mẫu/ngày.

Còn tại TP.Hà Nội, con số này vào khoảng 4.000 mẫu/ngày. Tính đến hết ngày 2/8, Hà Nội đã xét nghiệm nhanh cho 67.746 người dân, lấy mẫu xét nghiệm gần 500 trường hợp bằng phương pháp lấy dịch hầu họng PCR. Với số lượng tám ca mắc COVID-19 trên địa bàn, Bộ Y tế cũng đang yêu cầu TP.HCM triển khai quyết liệt hơn, ưu tiên xét nghiệm người có triệu chứng rời Đà Nẵng từ ngày 1/7 để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

Trước thực tế số lượng mẫu cần xét nghiệm ngày càng tăng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương huy động các đơn vị cả trong và ngoài ngành y tế vào cuộc, đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, sinh phẩm… để đảm bảo công tác xét nghiệm tại chỗ. 

Bộ Y tế cũng “mở cửa” cho các đơn vị tư nhân muốn thực hiện xét nghiệm khẳng định vi-rút SARS-CoV-2. Các đơn vị này cần liên hệ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận. Nếu đủ năng lực xét nghiệm khẳng định tại các cơ sở này rồi thì không cần gửi mẫu đến phòng xét nghiệm khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính. 

Xét nghiệm nhanh âm tính, chưa có nghĩa đã an toàn

TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành đang tiến hành xét nghiệm nhanh cho hàng chục ngàn người trở về từ Đà Nẵng. Trong đó, số lượng các ca dương tính ban đầu cho thấy không cao. Cụ thể như, tại Hà Nội, 11 ca test nhanh cho kết quả dương tính sau khi làm xét nghiệm PCR khẳng định lại thì đều âm tính, một trường hợp đang chờ kết quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên chủ quan bởi kết quả âm tính vẫn chưa có nghĩa là đã an toàn. 

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, phân tích, xét nghiệm nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải người nhiễm SARS-CoV-2 nào cũng sinh ra kháng thể và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm vi-rút.

Ví dụ, nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau một tuần bị nhiễm, 58% người nhiễm hai tuần mới có kháng thể và 75% người bị nhiễm sau ba tuần mới có kháng thể. Do đó, người bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể sẽ cho kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Tương tự, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, lưu ý, khi mới mắc bệnh, cơ thể chưa sản sinh ra kháng thể. Đây chính là “khoảng trống chết người” nếu người dân chủ quan không tiếp tục cách ly đủ ít nhất 14 ngày, để chắc chắn mình không nhiễm bệnh, tránh lây bệnh cho cộng đồng.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI