“Toang” giấc mộng phim trường của Việt Nam

29/07/2020 - 07:23

PNO - Trường quay cho phim Việt các thể loại nói chung và phim cổ trang nói riêng có lẽ không còn là hy vọng mà sắp thành ảo vọng.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam với lý do dự án chậm tiến độ một năm rưỡi. Nằm trong khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí), dự án được kỳ vọng là phim trường cổ trang chuyên nghiệp đầu tiên và lớn nhất Việt Nam; đồng thời, là điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, từ khi có giấy phép đến nay, chủ đầu tư mới làm một số việc nhỏ như một số bờ kè đá, xây hồ nhỏ và phục dựng một số ngôi nhà gỗ thu mua từ các tỉnh phía Bắc…

Việc chấm dứt hoạt động dự án phim trường Yên Tử không chỉ làm “toang” giấc mơ về một phim trường quy mô, hiện đại dành cho phim cổ trang, mà còn khiến dự án phim truyền hình Phật hoàng Trần Nhân Tông dài 45 tập của đạo diễn NSƯT Văn Lượng bị trì hoãn vô thời hạn (vì dự án phim trường Yên Tử ra đời để phục vụ dự án siêu phẩm truyền hình này).

Phối cảnh phim trường Yên Tử nay chỉ còn trên… giấy
Phối cảnh phim trường Yên Tử nay chỉ còn trên… giấy

“Ê-kíp làm phim đã mất 5 năm chuẩn bị dự án , phần cốt lõi của dự án là các thử nghiệm bối cảnh phục trang đạo cụ của phim cũng hoàn tất, nhưng giờ phim trường Yên Tử không có nên không biết khi nào mới bấm máy. Phim cổ trang trong nước muốn đạt đến tầm chuyên nghiệp cần phải dùng đến công nghệ; mà để có được công nghệ đó, nhất thiết phải có phim trường đạt chuẩn” - đạo diễn Văn Lượng chia sẻ. 

Trong đề án quy hoạch, phát triển điện ảnh 2015 - 2020 tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, vấn đề xây dựng trường quay cho điện ảnh Việt rất được Nhà nước quan tâm. Cụ thể, bộ đưa ra dự định xây ba trường quay tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ vẫn chỉ là ý tưởng. Trong khi đó, dự án phim trường Yên Tử bị rút giấy phép; phim trường Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) khai thác không hiệu quả khiến giấc mơ phim trường chuẩn quốc tế ngày càng xa vời.

Không có phim trường cho phim cổ trang cũng là một trong những lý do khiến dòng phim này gần như mất tích khỏi màn ảnh Việt. Mỗi khi làm phim cổ trang, hay phim có bối cảnh thời xưa, các đoàn phim đều phải cất công săn lùng bối cảnh, hoặc kiếm bối cảnh xưa còn sót lại rồi cải tạo cho phù hợp với bộ phim.

Thế nên mới có việc, xem Phượng khấu - phim cung đấu đình đám gần đây, các khán giả tinh ý, hiểu biết sẽ nhận ra, phim lấy bối cảnh cung đình Huế, nhưng các vật dụng nội thất được khảm xà cừ rất nhiều. Vì đoàn phim quay tại làng cổ Phước Lộc Thọ ở Long An; khảm xà cừ là thiết kế đặc trưng của phú hộ miền Tây, ở Huế không dùng. Ngoài ra, cũng vì không có trường quay chuyên nghiệp nên đoàn phim phải lạm dụng phông màn xanh khiến bối cảnh lộ giả. 

 Ra mắt hoành tráng; nhưng tới nay, phim trường Yên Tử chỉ mới thi công một số hạng mục nhỏ
Ra mắt hoành tráng, nhưng tới nay, phim trường Yên Tử chỉ mới thi công một số hạng mục nhỏ

Tuy nhiên, không phải tất cả các đoàn phim đều xem phim trường sẵn có là giải pháp ưa chuộng. Mai Thu Huyền - nhà sản xuất phim cổ trang Kiều sắp hoàn tất công đoạn bấm máy cho biết: “Quay ở phim trường có thuận lợi là không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, không bị tiếng ồn để có thể thực hiện thu tiếng đồng bộ, rất tối ưu cho những cảnh nội thất, nhưng với phim điện ảnh, bối cảnh có sẵn đôi khi không phù hợp mà phải dựng hoàn toàn mới đúng dụng ý”.

Theo chị, với các cảnh ngoại, không phải phim trường nào cũng có cảnh quan thiên nhiên đẹp nên đoàn phim phải săn lùng. Để có được bối cảnh ưng ý, đoàn phim đã mất ba, bốn tháng đi suốt hơn 20 tỉnh, thành trong nước; cuối cùng chọn Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Cao Bằng, Phú Thọ để dừng chân. 

Tâm lý không thích quay ở phim trường cũng khá phổ biến vì đa số các nhà làm phim cho rằng, phim trường chuyên nghiệp không toát được cái hồn từ cảnh thật, vật thật. Đó là lý do bất cứ tỉnh, thành nào trong cả nước cũng có thể thành phim trường, và việc thuê mướn nhà dân hay trường học, bệnh viện, công ty quay phim vẫn được ưa chuộng. Riêng các cảnh ngoại, với xu thế dùng bối cảnh độc lạ để làm chiêu kéo khách như phim Việt hiện nay, thì các đoàn càng “lơ” trường quay sẵn có mà nhọc công tìm đến những nơi chưa có dấu chân đoàn phim nào đi qua. 

Điện ảnh đang được xác định là ngành “mũi nhọn”, mang tiền về trong các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta. Vì phim trường chuyên nghiệp chưa có, thành ra, chuyện kinh doanh phim trường càng trở nên viển vông.

Điện ảnh Việt đã đi qua chặng đường phát triển gần 100 năm nhưng giấc mơ trường quay hiện đại, chuyên nghiệp để phục vụ nhu cầu trong nước còn không có, nói gì đến thu hút đoàn phim nước ngoài. Đề án, chiến lược, tầm nhìn cho điện ảnh Việt Nam phát triển vạch ra mọi ý tưởng, khao khát tốt đẹp đó đều trở nên vô nghĩa khi mà ngay cả cơ sở vật chất tối thiểu nhất (là trường quay đúng chuẩn) còn chưa có. 

Hương Nhu

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Trần thi 08-08-2020 13:09:29

    Nếu không vì chậm tiến độ thì nhiều lý do khác nên dẹp hẳn những phim trường kiểu này. Tôi thấy toàn cảnh gọi là cho phim Cổ trang này mang màu sắc văn hóa Trung Quốc lắm. Xã hội hiện tại mức độ ô nhiễm văn hóa TQ không nhẹ nếu không muốn nói là nặng nề. Từ trang phục, , hội thoại đến phong cách của nhiều MV ca nhạc cứ na ná theo những Võ lâm kiếm hiệp cổ trang của TQ. Giờ xây dựng phim trường và góp sức cho những hình ảnh hoàn toàn Hán ấy nữa thì Văn hóa dân tộc càng bị mài mòn thêm mà thôi ! Hãy dẹp những dư thừa và chung tay xây dựng bản săc Văn hóa thuần Việt kẻo đến ngày chúng ta hối hận.

  • Linh Nguyễn 30-07-2020 08:57:15

    Mong Việt Nam sớm có phim trường lớn...Thua Trung quốc nhiều quá...đi sau lưng TQ ko hà..TQ có rất nhiều phim trường hoành tráng đầu tư khủng...Nhìn lại mình mà chán

  • Lão Bản 30-07-2020 08:50:57

    Đề nghị xem xét toàn bộ các dự án của ngành VH nhiều năm qua vì hầu hết các dự án đều dang dở hoặc không hiệu quả. Ngoài các dự án phim trường như báo nêu, cần phải xem xét dự án Làng VH Đồng Mô xây dựng 20 năm qua mà vẫn dở dang, hoang phí hay các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích...đều không hiệu quả!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI