Toàn TPHCM có... 24 điểm ùn tắc giao thông

15/09/2023 - 20:07

PNO - Sáng 15/9, tại phiên họp Thường trực HĐND TPHCM về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề vướng mắc mà hệ thống giao thông đô thị còn tồn tại, đồng thời nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong giải quyết các vấn đề vướng mắc về giao thông.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi – Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, thành phố đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng giao thông nhưng tình hình ùn ứ giao thông vẫn xảy ra nhất là vào các giờ cao điểm, khu vực sân bay, bến cảng. Nguyên nhân do  ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao nên, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh...

Hệ thống giao thông thành phố hiện đang chịu áp lực rất lớn. Đến đầu năm 2023, thành phố có 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; qua theo dõi đến tháng 6/2023 ghi nhận có 3 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 10 điểm không chuyển biến.

Ông Nguyễn Thành Lợi – Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM - chia sẻ báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trên địa bàn thành phố
Ông Nguyễn Thành Lợi – Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trên địa bàn thành phố

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, thành phố hiện có 2.064 phương tiện xe buýt đang hoạt động. Khối lượng vận tải hành khách công cộng trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 190,0 triệu lượt hành khách.

Dù vậy, sản lượng vận tải hành khách công cộng còn thấp, dự kiến khó đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu đặt ra vào năm 2025 và 2030.

Ông Nguyễn Tấn Tạo - phó giám đốc hợp tác xã vận tải số 15 (khu vực thành phố Thủ Đức) – chia sẻ, số tuyến xe buýt do hợp tác xã quản lý hiện tại chỉ còn khoảng 50% so với mức trước đại dịch, sản lượng không đạt kỳ vọng do người dân ngại chỗ đông người và ưu tiên phương tiện cá nhân.

Một khó khăn khác là các tuyến buýt nối ga tàu metro chưa được trợ giá, khó thu hút đầu tư và sự quan tâm của người dân. Ngoài ra, nhóm xe buýt điện và xe CNG cần trạm nạp điện, nhiên liệu nén nhưng hiện số trạm sạc và nạp cho những dòng xe này trên địa bạn thành phố còn rất hạn chế. 

Nhằm tối ưu hóa các chiến lược quản lý, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã đưa vào hoạt động Mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu về phát sinh và thu hút chuyến đi, lựa chọn phương thức, góp phần định hướng xây dựng các chính sách và kế hoạch quản lý giao thông đô thị.

Tấn Vĩ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI