PNO - Những bài tập toán nâng cao - được dùng để làm thước đo học giỏi - đã khiến cả phụ huynh và học sinh bối rối. Những bài toán này khiến nhiều phụ huynh bậc tiểu học bó tay, phải cầu cứu ở các hội nhóm trên mạng xã hội.
Một học sinh lớp Một đau đầu trước những bài toán nâng cao - Ảnh: Uông Ngọc |
Phụ huynh bó tay
Chị Lê Minh Hà (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) có con gái học lớp Hai. Từ khi con vào tiểu học, chị đã tham gia các nhóm phụ huynh trên mạng xã hội. Mỗi khi gặp một bài toán không thể giảng cho con hiểu, chị lại cầu cứu các phụ huynh khác.
Năm trước, khi con chị học ở học kỳ II của lớp Một, cháu mang bài tập mà cô cho về nhà làm, nhờ mẹ giảng. Bài toán dạng tìm thành phần chưa biết trong phép tính. Chị làm được ngay, nhưng giảng mãi mà con vẫn không hiểu vì sao số thiếu trong phép toán 15 + … - 10 = 77 là 72.
Chị Hà kể, một số phụ huynh bày chị giảng cho con theo 2 bước: bao nhiêu trừ 10 bằng 77 để tìm ra 87, sau đó 15 cộng bao nhiêu bằng 87 để có số cần điền là 72. Có phụ huynh bày: “Làm từ phải qua trái và đổi dấu, sẽ là 77 + 10 bằng bao nhiêu (87), và 87 - 15 bằng bao nhiêu”.
Một phụ huynh nói, đây là dạng bài tính của lớp Hai nhưng cô lại ra cho các bé lớp Một làm mò. Một phụ huynh khác cho rằng, đây là bài toán lớp Ba. Học sinh học kỳ I của lớp Hai cũng chỉ học đến x - 10 = 77 hoặc 77 - x = 10. Hiện giáo viên cho đề dạng này rất nhiều, mà các con thì chưa được học.
Chị Đặng Thanh Phương (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) kể: “Con tôi học lớp Một. Vừa rồi, cháu làm bài toán nâng cao ở trường. Có 2 phép tính mà cháu không làm được và hỏi mẹ, là 1 - 2 = … và 20 + … = …. Tôi không biết phải giải thích thế nào cho con hiểu. Có thể cô giáo cho phép tính đó là để phân loại học sinh nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao lại dùng 2 phép tính đó với học sinh lớp Một để phân loại”.
Cũng theo chị Thanh Phương, phiếu bài tập toán tư duy của con chị có những bài vượt quá khả năng của học sinh lớp Một. Ví dụ hỏi: số chẵn lớn nhất có 3 chữ số là số nào, hoặc yêu cầu làm phép tính có đến 13 con số kết hợp phép cộng và trừ trong khi học sinh vẫn phải đếm ngón tay để làm phép tính. Thậm chí, còn có đề toán “chọn 2 chữ số không lặp lại từ các chữ số 0, 1, 7 và 8 để lập thành số chẵn có 2 chữ số. Hỏi có thể lập được bao nhiêu số khác nhau như vậy”.
3 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phi, chị Lê Thị Trang thay nhau kèm con học. Ở học kỳ I lớp Ba, thấy con không làm được bài tập trong phiếu bài tập về nhà, anh chị đã rà sách giáo khoa toán của con, cả tập 1 và tập 2 nhưng vẫn không thấy dạng bài nào như trong phiếu.
“Chúng tôi hỏi trên các nhóm, một số phụ huynh cho biết, đây là kiến thức của học sinh lớp Năm. Làm toán nâng cao là giúp các cháu mở rộng từ kiến thức đã được học. Còn cho học sinh lớp Ba làm toán lớp Năm mà bảo là nâng cao thì liệu có đúng không?” - anh Phi thắc mắc.
Không ít phụ huynh muốn cho con học những lớp được quảng cáo là toán tư duy để giải được bài tập toán nâng cao |
Nháo nhào tìm chỗ học nâng cao
Kết thúc học kỳ I, cháu Phạm Tuấn Anh (lớp Một, ở TP Hải Phòng) đã khá thạo làm các phép tính trong phạm vi 10 bằng ngón tay. Với các phép tính có kết quả lớn hơn 10 thì cháu không cộng được bằng tay.
Chị Nguyễn Thị Tâm - mẹ cháu - lo lắng: “Tôi hỏi kinh nghiệm dạy con cộng trong phạm vi 100 hoặc những phép tính như 7 + 5, 9 + 8, một số phụ huynh chia sẻ cách dạy con đếm tiến hoặc đếm lùi từ số đầu tiên. Một số phụ huynh khác mách, nên cho con học cách tính FM hoặc học khóa toán tư duy”. Chị Tâm cho biết, chị tìm hiểu thì được biết, trong bán kính 5km tính từ nhà mình, có khoảng 10 trung tâm hoặc lớp học dạy toán tư duy với 5 phương pháp dạy khác nhau. Chị chưa biết nên chọn trung tâm nào, phương pháp nào.
Chị Trần Ly Na (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), anh Từ Văn Hưng (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đều tính đến việc cho con đi học ở trung tâm dạy toán tư duy bởi họ không làm được một số bài tập về nhà của con.
2 năm trước, chị Bùi Thị Q. (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho 2 đứa con - lớp Hai và lớp Lá - theo học toán tư duy tại nhà chị Nguyễn Thị H. - giáo viên lớp Ba ở huyện nhà - vào buổi tối. Chị Q. cho biết: “Thấy trẻ con trong làng làm toán nhanh hơn nên tôi cho cháu lớn đi học. Thấy cháu làm bài tập cô giao nhanh hơn rất nhiều nên tôi cho cả cháu nhỏ theo học luôn”.
Chị Q. cho biết, chị H. nhận dạy toán tư duy cho trẻ từ 5-12 tuổi, cơ sở chính tại nhà (huyện Khoái Châu), cơ sở 2 ở huyện Ân Thi, lớp nào cũng rất đông phụ huynh đăng ký cho con học.
Các bài toán nâng cao được chia sẻ trong nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebook |
Đừng khiến học sinh sợ học
Cô B.T. - giáo viên môn toán của một trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội - giải thích: “Không ít phụ huynh muốn con em tham gia các kỳ thi toán quốc tế nên có nguyện vọng được tiếp cận với toán nâng cao. Thực tế những năm qua, một số học sinh của trường đã được gia đình đăng ký tham dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế HKIMO, thậm chí đưa các em sang Hồng Kông để thi. Do đó, chúng tôi giao bài tập về nhà cho các em - là dạng đề của kỳ thi này”.
Còn cô N.T.N. (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Không phải giáo viên nào cũng giao bài tập toán nâng cao, toán tư duy cho học sinh. Theo tôi, một phần vì cả giáo viên và phụ huynh đều mắc “bệnh thành tích”, muốn con tham gia các kỳ thi toán; xa hơn, là muốn con thi đậu lớp Sáu trường điểm nên buộc phải chạy đua - giải toán khó từ rất sớm”.
Sau 2 năm cho con học lớp toán tư duy, chị Q. đã cho cả hai con cùng nghỉ lớp học này. Chị cho biết: “Khi học lớp Một, lớp Hai, các cháu tính nhẩm nhanh hơn các bạn không học. Nhưng lên lớp Ba, lớp Bốn, các cháu cũng không hơn gì các bạn không học”.
Chị Kim Hà (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng ép con học thêm để giải được các bài tập nâng cao để sau này thi đậu vào một trường THCS có tiếng. Riêng môn toán, cháu học thêm 2 buổi/tuần. Sau này tôi mới biết, toán nâng cao của học sinh lớp Bốn, lớp Năm thực chất là kiến thức của lớp Sáu, thậm chí lớp Bảy. Khi tôi nhận ra thì con đã chán tất cả môn học, kể cả một số môn mà cháu từng thích”.
Con đã lên lớp Sáu, anh Nguyễn Mạnh Tiến (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vẫn không quên việc cả gia đình mệt nhoài vì toán nâng cao suốt những năm tiểu học của con. Anh kể: “Nhóm phụ huynh liên tục xin nhau các đề sưu tầm được và hỏi nhau cách giải. Giảng mãi con vẫn không hiểu thì bảo nhau cho con chép kết quả vào phiếu bài tập. Mẹ cháu học khoa học xã hội nên bó tay đã đành, bản thân tôi học khoa học tự nhiên mà cũng phải vò đầu bứt tóc. Tôi nhớ có anh trước học chuyên toán còn phải thốt lên: “Sao toán của trẻ con bây giờ khó vậy trời!”. Mỗi năm con học lớp lớn hơn, gia đình tôi đều nhận ra, dạng bài tập này, cha mẹ đã phải cùng con làm từ 1-2 năm trước. Như thế có khác nào bắt các cháu chín ép?”.
Cha mẹ không dạy được, anh Tiến nhờ bà nội cháu dắt xuống nhà một cô giáo sống ở tầng dưới, nhờ cô tranh thủ thời gian nghỉ chế độ thai sản kèm cháu học, mỗi buổi 1 tiếng đồng hồ, hôm nào cô bận quá thì 30 phút cũng được. Anh Tiến tâm sự: “Khi cô đi dạy trở lại, bà nội cháu đi hỏi khắp các tòa nhà xem có ông giáo, bà giáo nào nghỉ hưu rồi thì đưa cháu đến, nhờ dạy. Dần dần cháu sợ học môn toán, cũng không hoạt bát, nhanh nhẹn như trước nữa”.
Không phải cứ học nâng cao là tốt Theo tiến sĩ Đỗ Duy Hiếu (Viện Toán học), với một số học sinh có khả năng đặc biệt, việc học toán cơ bản và toán nâng cao ở mức vừa phải sẽ khiến các em thấy nhàm chán, nên việc làm những bài toán ở mức khó hơn là cần thiết. Toán nâng cao buộc các em phải vận dụng tư duy ở mức độ cao hơn thông thường, sử dụng trí tưởng tượng, trực quan để giải quyết. Trên thực tế, số học sinh có khả năng này rất ít, trong 100 em mới có vài em, trong khi những bài toán chỉ dành riêng cho các em đó lại đang được áp dụng đại trà. Toán nâng cao phải phù hợp khả năng của học sinh. Không phải học sinh nào học nâng cao cũng tốt. Cũng theo tiến sĩ Đỗ Duy Hiếu, việc áp dụng toán nâng cao không đúng đối tượng sẽ khiến các em sợ toán. Việc làm đi làm lại một dạng bài sẽ khiến các em như cái máy, cứ gặp đúng dạng là ghép công thức, làm theo những bước do giáo viên cung cấp và dần dần sẽ mất tính tư duy, sáng tạo. Học sinh tiểu học được trang bị các phương pháp của bậc tiểu học để giải thành thạo khá nhiều dạng toán của THCS. Khi lên bậc THCS, học sinh gặp lại các dạng toán đó nhưng học phương pháp giải quyết cao cấp hơn. Nếu đã biết cách giải, học sinh sẽ ngại đón nhận kiến thức mới. Việc bắt học sinh làm những bài toán nâng cao - thực chất là toán của lớp lớn hơn - khiến não của các em phải làm việc quá sức. Tiến sĩ Đỗ Duy Hiếu cho biết, ông đã gặp những trường hợp tự kỷ, kém linh hoạt trong cuộc sống do phải học quá sức từ bé. Ông nhắn nhủ: “Đối với giáo viên, điều quan trọng nhất là truyền đam mê, giúp phát triển tư duy của trẻ chứ không phải cố gắng tìm kiếm những bài toán thật khó cho học sinh làm. Mong các thầy cô hiểu năng lực học sinh của mình và lựa chọn chương trình phù hợp để giúp các em ngày càng yêu thích học toán và phát triển khả năng tư duy tốt nhất”. Minh Tuệ Không phải thông minh rồi mới học toán Giáo sư Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 - cho biết, khi xây dựng chương trình môn toán mới, ông và các cộng sự đã khảo sát hơn 1.000 học sinh các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. 2/3 học sinh nói môn toán rất khó, sợ học toán. Mục tiêu của học toán là để thông minh hơn chứ không phải thông minh rồi mới học được môn toán. Mục đích đầu tiên của học toán là giúp người học có năng lực tư duy và có khả năng mưu sinh trong cuộc sống. Ông nói: “Ban soạn thảo chương trình môn toán năm 2018 nói riêng và toàn thể chương trình phổ thông 2018 nói chung mong muốn, các thầy cô thay đổi cách giảng dạy. Chúng ta không dạy cho học sinh cái mình có mà phải dạy cho học sinh cái mà các em cần cho cuộc đời”. P.V. Học sinh không được trải nghiệm đời sống của toán học Hầu hết trẻ em thắc mắc tại sao phải học toán. Đó là do các em cảm thấy việc học toán là bị ép buộc và cảm thấy sợ môn này. Trẻ nhỏ không cần chúng ta nói 2 + 2 = 4, không cần chúng ta giảng giải 2 cái bánh = 2 cái kẹo. Về tâm lý, trẻ nhỏ rất khó chịu với kiểu áp đặt như thế. Nhưng qua các hoạt động, cho các em trải nghiệm để tự nhận ra điều đó thì các em mới thấy thú vị, bởi có sự khám phá trong đó. Chúng ta dạy đơn thuần kiến thức toán học mà không cho các em trải nghiệm đời sống của toán học. Nếu một đứa trẻ trả lời được 97 + 38 = 135 trong 10 giây mà không giải thích được cách làm, thì đó là sự lãng phí thời gian học. Việc tính ra kết quả không khó, đặc biệt khi hầu hết điện thoại đều có công cụ máy tính. Nếu đứa trẻ biết quan sát, nó sẽ hiểu được thế giới đang như thế nào. Khi nó quan sát được những điều nhỏ nhặt, tinh tế, được lặp đi lặp lại ở những bối cảnh khác nhau, nó sẽ nghiệm ra một quy tắc. Việc quan sát không chỉ giúp trẻ hiểu mà còn giúp trẻ nhận ra những khác biệt, tính linh hoạt và đứa trẻ không chỉ phát triển tư duy logic mà còn phát triển cả trí thông minh xúc cảm (EQ). Toán học không phải nằm ở sự rao giảng mà ở khắp mọi nơi. Nó ở ngay trong vườn. Những chiếc lá, bông hoa đều theo quy luật toán học, và toán học như là bài tập để chúng ta rèn luyện trí tuệ mỗi ngày. Do đó, trẻ em không nên bị “dọa ma” rằng môn toán rất khó, rất chán để ngay từ khi bắt đầu, các em đã thấy sợ, mất đi hứng thú với môn học quan trọng này. Người lớn phải thay đổi cách dạy, và phải lưu ý rằng, có thể chúng ta đang tước đi cơ hội tuyệt vời để các em nhìn ra cái hay, cái đẹp và khả năng làm chủ toán học. Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) |
Ngọc Minh Tâm
Chia sẻ bài viết: |
Tham dự 9 môn thi học sinh giỏi quốc gia, 47 học sinh của tỉnh Kiên Giang đạt giải được UBND tỉnh chi thương hơn 1,7 tỉ đồng.
Để giảm chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận, một cặp vợ chồng đã ban hành công thức sản xuất phân bón giả, bán ra nhiều tỉnh, thành.
CSGT TPHCM nêu lý do đường Võ Nguyên Giáp đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức, hàng ngàn xe "giậm chân tại chỗ" vào sáng 22/1.
Lực lượng CSGT TPHCM sẽ dán số điện thoại phản ánh tại tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông để người dân phản ánh sự cố đèn tín hiệu.
TPHCM đã có những bước đi chủ động, phân cấp mạnh mẽ cho quận, huyện và đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn trong năm 2025.
Bìa báo xuân phong phú, gợi lên hình ảnh tự hào về đất nước Việt Nam sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Sáng 22/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với một số Trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ…
Kể từ khi thực hiện Nghị định 168, tình hình giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông trên đường bộ giảm cả 3 tiêu chí.
Các bến xe tại TPHCM đã lên phương án tăng cường xe khách để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp tết Nguyên đán.
TPHCM và Đông Nam Bộ là nơi có số người nước ngoài đến làm việc, cư trú đông nhất cả nước.
Tết truyền thống của người Việt Nam với những phong tục độc đáo, món ăn phong phú, ngon miệng đã chinh phục trái tim của nhiều người nước ngoài.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về những kết quả đạt được, những khó khăn và kỳ vọng cho năm 2025 với khát vọng bứt phá.
Tham vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2030, TPHCM công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng "khủng" với tổng vốn lên đến 5 triệu tỉ đồng
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Đôi vợ chồng dùng hàn the làm chả bò, chả heo bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt án tù về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Ngày 21/1, Bí thư Thành ủy Phú Quốc cho biết, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận TP Phú Quốc là đô thị loại I.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị tuyên 6 năm tù trong sai phạm đất công gây thiệt hại 308 tỉ đồng.
10 tháng đầu năm 2024, công an phát hiện hơn 30 người nước ngoài trộm cắp trên máy bay, xác định đây là loại tội phạm mới.