Toàn cầu vượt mốc 30 triệu ca nhiễm, dịch COVID-19 diễn tiến nghiêm trọng tại châu Âu

18/09/2020 - 07:21

PNO - Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ít nhất 30.003.378 trường hợp mắc COVID-19 và hơn 943.000 người tử vong đã được ghi nhận trên toàn cầu.

Tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng tại châu Âu

Số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tăng đột biến buộc các quốc gia châu Âu phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, ban hành lệnh phong tỏa mới nhằm ngăn chặn đợt dịch thứ hai.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge cảnh báo, tình hình dịch bệnh ở châu Âu đang ở mức đáng báo động, là một "tình huống rất nghiêm trọng". Số ca mắc mới hàng tuần đã vượt quá con số được báo cáo khi đại dịch lần đầu đạt đỉnh tại đây vào tháng 3. Tuần trước, tổng số ca nhiễm của khu vực đã vượt mốc 300.000 bệnh nhân.

Hơn một nửa các nước châu Âu xác nhận số ca mắc mới tăng quá 10% trong hai tuần qua. Thậm chí, 7 quốc gia đã chứng kiến số lượng bệnh nhân tăng gấp 2 lần. 

“Vào mùa xuân và đầu mùa hè, chúng tôi có thể thấy tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, những nỗ lực và sự hy sinh của chúng tôi đã được đền đáp. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt trong tháng 9 sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Mặc dù những con số này phản ánh thử nghiệm toàn diện hơn nhưng cũng cho thấy tỷ lệ lây truyền trên toàn khu vực đáng báo động.” - Hans Kluge cho biết.

Dịch COVID-19 tái phát mạnh mẽ tại châu Âu.
Dịch COVID-19 tái phát mạnh mẽ tại châu Âu

Kluge nói thêm, trong tuần đầu tiên của tháng 9 đã có sự gia tăng số ca mắc virus ở nhóm tuổi lớn hơn, những người từ 50 - 79 tuổi nhưng tỷ lệ nhiễm virus lớn nhất vẫn rơi vào độ tuổi từ 25 - 49 tuổi.

Tính đến nay, gần 4,9 triệu ca nhiễm và hơn 226.000 người tử vong được ghi nhận ở châu Âu.

Trước diễn tiến dịch bệnh lây lan nghiêm trọng, Anh đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới, bao gồm cấm các cuộc gặp gỡ, tụ tập xã hội quá 6 người, tất cả các quán bar, quán rượu, nhà hàng và trung tâm giải trí phải đóng cửa lúc 10 giờ tối.

Toàn cầu vượt quá 30 triệu ca nhiễm

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ít nhất 30.003.378 trường hợp mắc COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn cầu, kể từ khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào giữa tháng 12/2019.

Thế giới đã báo cáo 1 triệu ca nhiễm virus hơn ba tháng sau đó, vào ngày 2/4. Con số này đạt 10 triệu vào ngày 28/6 và chỉ mất mười hai tuần để tăng gấp ba lên 30 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 cùng hơn 943.000 người chết.

Hiện, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với hơn 6,6 triệu trường hợp và 197.000 người tử vong vì dịch COVID-19.

WHO chỉ trích sự lựa chọn sai lầm của các nước trong cuộc chiến COVID-19

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một số nước đã lựa chọn sai lầm giữa sức khỏe cộng đồng và kinh tế, đồng thời thúc giục các quốc gia tập trung vào bốn ưu tiên thiết yếu.

Đầu tiên là ngăn chặn sự khuếch đại lây nhiễm từ các cuộc tụ tập lớn, chẳng hạn như tại sân vận động và câu lạc bộ đêm, những nơi đã chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh. Thứ hai là bảo vệ những người dễ bị tổn thương, cứu sống và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Thứ ba, cần giáo dục cộng đồng về xa cách xã hội như vệ sinh tay, đeo khẩu trang… để hạn chế lây truyền bệnh. Cuối cùng là tìm, cách ly, kiểm tra và chăm sóc các ca bệnh, cũng như theo dõi và cách ly những người tiếp xúc với các bệnh nhân.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đã có nhiều quốc gia như New Zealand, Iceland, Senegal, Mông Cổ và Singapore ngăn chặn hoặc kiểm soát sự bùng phát dịch một cách hiệu quả bằng cách thực hiện 4 bước trên. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng và thế giới phải sẵn sàng khi đợt bùng phát dịch tiếp theo xảy đến. 

Hiện, hơn 170 quốc gia đã tham gia kế hoạch toàn cầu để phân phối vắc-xin công bằng trên khắp thế giới (COVAX) do WHO phát động, ưu tiên hàng đầu của tổ chức đối với vắc-xin là an toàn và hiệu quả.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI