Toàn cầu vượt mốc 200 triệu ca mắc COVID-19, WHO yêu cầu hoãn liều vắc xin tăng cường

05/08/2021 - 06:36

PNO - Theo Reuters, số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt ngưỡng 200 triệu vào ngày 4/8, khi biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đang đe dọa các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ít nhất 2,6% dân số thế giới đã bị nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch ùng phát. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn do việc kiểm đếm còn hạn chế ở nhiều nơi.

Trước đó, hơn 1 năm toàn cầu ghi nhận 100 triệu ca mắc COVID-19, nhưng chỉ trong 6 tháng tiếp theo số ca nhiễm đã vượt mốc 200 triệu. Tính đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 4,4 triệu người.

Theo phân tích của Reuters, nếu coi số người bị nhiễm SARS-CoV-2 là dân số của một quốc gia, thì đây là quốc gia đông dân thứ tám trên thế giới, sau Nigeria. 

Số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 200 triệu người trên toàn cầu.
Số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt ngưỡng 200 triệu người

Các nước báo cáo số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày qua nhiều nhất gồm Hoa Kỳ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Iran, chiếm khoảng 38% tổng số trường hợp toàn cầu ghi nhận mỗi ngày.

Ở Hoa Kỳ, các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Florida và Louisiana đang chứng kiến kỷ lục số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện, mặc dù quốc gia này đã tiêm chủng cho 70% người lớn ít nhất một mũi vắc xin. Người đứng đầu một bệnh viện ở Louisiana đã cảnh báo về "những ngày đen tối nhất".

Các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang báo cáo các trường hợp mắc COVID-19 tăng nhanh. Chỉ với 8% dân số thế giới, khu vực này đang ghi nhận gần 15% tổng số ca bệnh toàn cầu mỗi ngày, theo phân tích của Reuters.

Vào tháng 7, các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Indonesia đã gia tăng theo cấp số nhân. Nước này cũng đang báo cáo số ca tử vong trung bình kỷ lục nhiều ngày qua, chiếm 1/5 số người chết được xác nhận trên toàn thế giới mỗi ngày. Trong ngày 4/8, Indonesia chạm cột mốc đáng buồn 100.000 ca tử vong.

Sau đợt bùng phát tồi tệ nhất vào tháng 4-5, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến xu hướng gia tăng các ca bệnh. Ngày 30/7, quốc gia này đã báo cáo 44.230 trường hợp mắc COVID-19, số ca nhiễm nhiều nhất trong ba tuần, làm dấy lên lo lắng về làn sóng lây nhiễm thứ ba.

WHO kêu gọi tạm hoãn liều tăng cường vắc xin Covid-19.
WHO kêu gọi tạm hoãn liều tăng cường vắc xin COVID-19

Việc các ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng trên toàn cầu đang làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Các ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh ở khoảng một phần ba quốc gia trên thế giới, nhiều nước trong số đó thậm chí chưa tiêm liều vắc xin đầu tiên cho một nửa dân số của họ.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước ngừng sử dụng liều vắc xin tăng cường cho đến ít nhất là cuối tháng 9, để 10% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng.

"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu sử dụng nhiều hơn" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Theo WHO, trong tháng 5, các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm khoảng 50 liều cho mỗi 100 người, và con số đó đã tăng gấp đôi. Do thiếu nguồn cung, các nước thu nhập thấp chỉ có thể tiêm 1,5 liều cho mỗi 100 người.

Một số quốc gia đã bắt đầu hoặc đang cân nhắc về nhu cầu sử dụng liều tăng cường. Đức cho biết vào tháng 9 sẽ cung cấp một đợt vắc xin tăng cường cho những người dễ bị tổn thương. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tiêm mũi nhắc lại cho tất cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ cao, ba tháng sau liều vắc xin thứ hai của họ và sáu tháng đối với những người khác.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận với Pfizer và đối tác BioNTech của Đức vào tháng 7 để mua 200 triệu liều vắc xin COVID-19 bổ sung để tiêm chủng cho trẻ em cũng như tiêm nhắc lại.

Chung Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI