“Toàn cầu hóa” di sản văn hóa phi vật thể: Lợi và hại

26/06/2013 - 07:44

PNO - PN - “Văn hóa phi vật thể là trụ đỡ cho sự phát triển bền vững”. Lời khẳng định đồng thời là khuyến cáo của bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova tại Hội thảo khoa học quốc tế Mười năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản...

Mười năm thực hiện Công ước trên (2003 - 2013), theo tiến sĩ Đặng Văn Bài (Hội Di sản Việt Nam), nhà nước và các cá nhân trong nước đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng cho việc bảo tồn, phát triển các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Theo TS Phan Phương Anh - Viện VHNT VN, quá trình di sản hóa đã tạo ra quy trình sở hữu hóa lễ hội, trong đó nghi lễ bị can thiệp, cộng đồng chủ thể bị thay đổi khiến tính thiêng bị sự thế tục hóa lấn lướt. GS Jo Caust - ĐH Melbourn đặt ra một vấn đề khá đau đầu: Chúng ta đang hỗ trợ hay phá hủy báu vật? Sự công nhận những báu vật ở tầm quốc gia và quốc tế sẽ kéo theo nhiều khách du lịch. Các di sản sẽ bị tác động bởi những cuộc viếng thăm không ngừng, từ đó khách sạn, nhà hàng và cả sòng bạc mọc lên để phục vụ họ. Cư dân địa phương dần bị phụ thuộc vào dịch vụ du lịch. Trớ trêu là sự biến chuyển này lại làm mất dần tính hấp dẫn của điểm du lịch (ví dụ buôn bán chật như nêm ở phố cổ Hội An - người viết). Trong khi các di sản vật thể tồn tại được thì di sản “phi vật thể” lại dễ bị tổn thương hơn, bởi nó tồn tại dựa vào chính con người. Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nước khác. Nhu cầu văn hóa - xã hội của địa phương bị hủy hoại để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Một câu hỏi mà các nước rất khó giải quyết, chính là khách du lịch có thể đem lại sự phồn vinh cho kinh tế nhưng nó lại phá hủy những nét văn hóa riêng có của địa phương, làm mất đi những gì vốn có từ truyền thống, mà điều này chính là trụ đỡ cho sự phát triển bền vững.

Theo GS Dawnhee Yim, ĐH Dongguk - Hàn Quốc, chính Công ước 2003 đã buộc chính phủ Hàn Quốc phải điều chỉnh hệ thống của mình trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, như một phần của hệ thống báu vật nhân văn sống, nhà nước giúp đỡ đào tạo sinh viên và những người nối nghiệp nghệ sĩ và nghệ nhân truyền thống, tạo ra cơ chế chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo. Hàn Quốc đã tổng kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể trước nguy cơ bị mất tích và đã bị các chuyên gia chỉ trích khi tiến hành chuyển giao các di sản văn hóa phi vật thể “không được phép thay đổi” khiến các di sản văn hóa phi vật thể thành những mẫu vật vô hồn. Chúng ta không thể nói được gì hơn khi biết mà bất lực nhìn nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu sống và chết trong đói nghèo và mới đây, như một trò cười, nghệ sĩ Văn Hiệp sau khi mất mới được đề nghị trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

“Toan cau hoa” di san van hoa phi vat the: Loi va hai

Biểu diễn đờn ca tài tử Nam bộ tại hội thảo trên

Mười năm, Việt Nam đã có bảy di sản văn hóa phi vật thể được tuyên dương là Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, hát Xoan Phú Thọ, không gian cồng chiêng Tây Nguyên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tuy nhiên, bài toán cân bằng và phát triển, đến nay Việt Nam vẫn gỡ không ra. Sự tuyên dương của UNESCO khiến di sản tốt hơn hay không? Yếu tố hành chính xen vào lễ hội đã biến lễ hội thành một sân khấu nặng nề những diễn từ. Những hòm công đức mọc lên khắp nơi. Những trò cướp giật ấn, nhét tiền vào miệng Phật, chen lấn nhau vái lạy, biến nơi thiêng thành chỗ buôn thần bán thánh... Mỗi một lần tổ chức lễ hội to thì cũng thêm một lần lộ ra những bằng chứng về sự xuống cấp nghiêm trọng của cái gọi là nhận thức văn hóa tín ngưỡng, mà “hệ quy chiếu” chung nhất là được chi phối bởi đồng tiền. UNESCO quan niệm du lịch chỉ là phương thức chuyển tải giá trị văn hóa đến với con người, còn chúng ta dựa vào văn hóa để phát triển du lịch hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Nhiều di sản phi vật thể đã bị “hóa thạch”. Hát Xoan thì được sốt sắng cải biên, làm mới. Tại Tây Nguyên, từ ngày được ghi vào bảng vàng của UNESCO, thì cũng từ đó, vang lên những tiếng kêu thống thiết về vấn nạn cồng chiêng chảy máu, nhạc cụ truyền thống và nghệ thuật diễn xướng mai một, nhà rông, nhà dài, nhà mồ truyền thống biến mất dần, không cứu vãn được, không gian thiêng cũng mất vì rừng bị tàn phá nghiêm trọng, các dòng sông vốn là nơi diễn ra các buổi tế lễ, hát sử thi… bị cạn kiệt vì thủy điện. Di sản ngôn ngữ là biểu hiện sinh động nhất của bản sắc văn hóa tộc người, nhưng ở Tây Nguyên hiện nay, hiện tượng quên dần tiếng mẹ đẻ đã và đang diễn ra phổ biến và kéo người dân xa dần với giá trị truyền thống.

Đang có vấn đề là, dù di sản vật thể và phi vật thể có mối liên kết tương hỗ, nhưng có một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà người ta không thể giải thích được nếu chỉ đơn thuần thừa nhận chúng là di sản thuộc nhóm này hay nhóm khác, hoặc nhóm nào “quan trọng hơn” mà điều đó tùy thuộc vào con mắt của người có quyền lực. Theo GS Lê Hồng Lý - Viện nghiên cứu văn hóa, việc vinh danh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và vị thế của các cộng đồng chủ nhân của di sản, đã đưa đến những hiệu quả không mong đợi như những yếu tố vật thể xung quanh được hiểu là phải xây mới, nâng cấp hoành tráng để xứng tầm. Điều này dẫn tới nguy cơ hủy hoại không gian, ý nghĩa của di sản, tạo ra “giá trị thị trường” thay cho giá trị văn hóa, tinh thần. GS Oscar Salemink - ĐH Copenhagen - Đan Mạch, cho rằng, khi chưa vinh danh quốc gia và quốc tế thì di sản phi vật thể có tính riêng, đa dạng, độc đáo; việc mang lại tính đa dạng, toàn cầu, theo UNESCO là mối nguy chính với tính đa dạng văn hóa. Một nghịch lý, để chống lại tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, người ta lại tạo ra toàn cầu hóa nhiều hơn và cộng đồng chịu sự can thiệp nhiều hơn từ chính quyền, thị trường, chuyên gia và du khách.

Tại Việt Nam, dễ dàng tìm thấy ví dụ về nghịch lý đó, người người, ngành ngành cứ như đua vào giành vinh quang “toàn cầu hóa”, theo nhau làm hồ sơ đề nghị.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI