Toàn cầu có hơn 800 triệu người bị bệnh tiểu đường

14/11/2024 - 09:40

PNO - Theo một nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ người lớn mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi trong 3 thập kỷ qua, trong đó tỷ lệ tăng lớn nhất xảy ra ở các nước đang phát triển.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiện nay có hơn 800 triệu người mắc bệnh tiểu đường, so với con số chưa đến 200 triệu người vào năm 1990
Các nhà nghiên cứu cho biết hiện nay có hơn 800 triệu người mắc bệnh tiểu đường, so với con số chưa đến 200 triệu người vào năm 1990

Theo phân tích mới trên tạp chí The Lancet, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khoảng 14% người lớn trên toàn thế giới vào năm 2022, so với 7% vào năm 1990.

Xét đến tình hình dân số toàn cầu đang ngày càng tăng, nhóm nghiên cứu ước tính hiện nay có hơn 800 triệu người mắc bệnh tiểu đường, so với con số chưa đến 200 triệu vào năm 1990.

Những con số này bao gồm cả 2 loại bệnh tiểu đường chính. Loại 1 ảnh hưởng đến bệnh nhân từ khi còn trẻ và khó điều trị hơn vì nguyên nhân là do thiếu hụt insulin.

Bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu ảnh hưởng đến những người trung niên hoặc lớn tuổi, những người mất đi độ nhạy cảm với insulin.

Đằng sau những con số toàn cầu, số liệu quốc gia có sự thay đổi rất lớn.

Nghiên cứu cho biết tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí giảm ở một số quốc gia giàu có hơn như Nhật Bản, Canada hoặc các quốc gia Tây Âu như Pháp và Đan Mạch.

Trong khi đó, "Gánh nặng của bệnh tiểu đường và bệnh tiểu đường không được điều trị ngày càng đè nặng lên các nước có thu nhập thấp và trung bình" - báo cáo cho biết thêm.

Đơn cử là gần 1/3 phụ nữ ở Pakistan hiện mắc bệnh tiểu đường, so với con số chưa đến 1/10 vào năm 1990.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, béo phì là yếu tố quan trọng gây ra bệnh tiểu đường loại 2 – cũng giống như chế độ ăn uống không lành mạnh.

Theo đó, khoảng cách giữa cách điều trị bệnh tiểu đường ở các nước giàu và nghèo cũng đang ngày càng lớn.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 3 trong số 5 người trên 30 tuổi mắc bệnh tiểu đường - tức là 445 triệu người lớn - không được điều trị bệnh tiểu đường vào năm 2022.

Riêng Ấn Độ đã chiếm gần 1/3 con số đó.

Ở khu vực cận Sahara châu Phi, chỉ có 5 đến 10% người lớn mắc bệnh tiểu đường được điều trị vào năm 2022.

Nhà nghiên cứu Majid Ezzati của Đại học Hoàng gia London cho biết: "Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng trẻ hơn ở các nước thu nhập thấp và nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, họ có nguy cơ gặp biến chứng suốt đời".

Những biến chứng đó bao gồm: cắt cụt chi, bệnh tim, tổn thương thận hoặc mất thị lực - hoặc trong một số trường hợp, tử vong sớm.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI