Tòa vi phạm tố tụng, chỉ tuyên có lợi cho nguyên đơn

27/06/2018 - 19:52

PNO - Trong phiên tòa, hội đồng xét xử đã ghi nhận khá khách quan về những vi phạm của đôi bên nhưng khi tuyên án, lại đứng hẳn về một bên.

Viện ghi nhận, tòa “làm lơ"

Năm 2010, Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh ký hợp đồng số 01/HTDT/TVA-ĐM hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh hai khối chung cư lô C1 và C2, diện tích 4.924m2 tại P.Bình An, Q.2, TP.HCM thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở cán bộ công nhân viên Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng Trường Thịnh.

Toa vi pham to tung, chi tuyen co loi cho nguyen don
Bản vẽ dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng Trường Thịnh

Hai bên nhất trí rằng, giá trị của khu đất hơn 206 tỷ đồng (42 triệu đồng/m2), Tân Việt An góp hơn 41,3 tỷ đồng để được sở hữu 20% giá trị khu đất, Đức Mạnh thanh toán cho Tân Việt An hơn 165 tỷ đồng để được sở hữu 80% giá trị còn lại. 

Sau đó, Đức Mạnh đã chuyển 115 tỷ đồng cho Tân Việt An. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên phía Tân Việt An không thực hiện xong công tác giải tỏa và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, ngày 27/8/2014, Công ty Đức Mạnh đã khởi kiện ra tòa để yêu cầu Công ty Tân Việt An trả lại 115 tỷ đồng và bồi thường gấp đôi số tiền này, tổng cộng là 230 tỷ đồng.

Đến 29/6/2016, Công ty Tân Việt An có đơn phản tố, cho rằng Công ty Đức Mạnh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, không thiện chí, không trung thực và đơn phương chấm dứt hợp đồng vô căn cứ. Cụ thể, Đức Mạnh vi phạm tiến độ thanh toán của lần một, lần hai và không thanh toán số tiền 20 tỷ đồng còn lại của kỳ thanh toán lần ba, không thực hiện cam kết khi đem quyền phát sinh từ dự án đối với hai lô C1, C2 thế chấp bảo đảm khoản vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB) Đà Nẵng. 

Vụ án được Tòa án nhân dân (TAND)  Q.2 xét xử sơ thẩm vào tháng 9/2017 và đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn (Công ty Đức Mạnh), buộc Công ty Tân Việt An phải thanh toán cho Công ty Đức Mạnh số tiền hơn 177,6 tỷ đồng (gốc cộng lãi suất 9%/năm trên số tiền 115 tỷ đồng). Cả hai bên đã kháng cáo bản án nói trên, nên ngày 12/6/2018, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và tuyên gần như không có gì khác so với bản án sơ thẩm.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị số 916, cho rằng bản án của TAND Q.2 đã vi phạm về tố tụng. Tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP.HCM ghi nhận đề xuất của bị đơn là Công ty Tân Việt An đề nghị định giá toàn bộ khu đất lô C1, C2 theo giá hiện tại, trên cơ sở đó, Tân Việt An sẽ nhận chuyển nhượng lại của Đức Mạnh 69,5% phần vốn đã góp vào dự án hoặc yêu cầu phát mãi để chia cho các bên theo tỷ lệ.

Qua diễn biến phiên phúc thẩm và những chứng cứ trong hồ sơ vụ án, Viện KSND TP.HCM còn cho rằng, Công ty Tân Việt An đã đền bù, giải phóng mặt bằng lô C1, C2 thông qua Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng Q.2, nhưng còn vướng tranh chấp về giá đền bù của một số hộ dân nằm trong dự án.

Đây là yếu tố khách quan, phía Tân Việt An không thể tự giải quyết mà cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Do đó, việc Đức Mạnh xác định lỗi hoàn toàn của Tân Việt An trong việc không giao đất đúng tiến độ là không chính xác. 

Mặt khác, theo đại diện Viện KSND TP.HCM, việc Đức Mạnh mang quyền phát sinh với hai lô C1, C2 đi thế chấp đảm bảo khoản vay tại Ngân hàng MB Đà Nẵng là không trung thực với Tân Việt An. Do đó, xét quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đều có lỗi, nên các bên cùng chịu trách nhiệm về thiệt hại và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; hủy bỏ hợp đồng hợp tác đầu tư theo quy định tại điều 425 Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Thế nhưng, tòa phúc thẩm đã bỏ qua nhận định này của viện kiểm sát.

Tòa mâu thuẫn với chính nhận định của mình

Luật sư Nguyễn Bích Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu ra 7 điểm cho thấy tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không khách quan và sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Cụ thể, TAND Q.2 đã không lập hội đồng định giá đất và hỏi ý kiến UBND TP.HCM về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai lô chung cư C1, C2 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không thu thập tài liệu, chứng cứ và đưa Ngân hàng Đại Á và Ngân hàng MB Đà Nẵng vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để xem xét, giải quyết vụ án theo yêu cầu của đương sự là vi phạm điều 106 và điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Việc TAND Q.2 ban hành quyết định số 80/2017/QĐ-SCBSBA về việc sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm do trước đó chưa tuyên về yêu cầu phản tố của Công ty Tân Việt An là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Lỗi vi phạm này đã bị Viện KSND TP.HCM kháng nghị, bởi theo quy định, sau khi tuyên án thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Ngoài ra, nội dung bản án sơ thẩm đã nhận định: phía Đức Mạnh cũng liên tiếp vi phạm tiến độ thanh toán. Việc này đã ảnh hưởng đến nghĩa vụ của Tân Việt An trong việc thương lượng bồi thường giải tỏa. Mặt khác, Đức Mạnh dù cam kết không thế chấp quyền phát sinh từ dự án với Tân Việt An nhưng thực tế đã sử dụng quyền đối với hai lô C1, C2 thế chấp đảm bảo khoản vay tại Ngân hàng MB Đà Nẵng… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Với những vi phạm của Công ty Đức Mạnh, lẽ ra TAND Q.2 phải căn cứ vào nội dung hợp đồng, Luật Thương mại, Luật Dân sự để tuyên phạt Công ty Đức Mạnh, nhưng hội đồng xét xử đã bỏ qua những vi phạm nói trên mà chấp nhận yêu cầu của Công ty Đức Mạnh, buộc Công ty Tân Việt An phải trả lại số tiền 115 tỷ đồng và phạt bồi thường lãi suất 9%/năm là trái với các điều luật, mâu thuẫn với chính nhận định của mình.

Theo bà Liên, tòa đã bỏ qua tất cả các lỗi vi phạm của Công ty Đức Mạnh, không xem xét, đánh giá những chứng cứ khách quan, khó khăn bất khả kháng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của Công ty Tân Việt An. Đặc biệt, tòa không xem xét các chứng cứ một cách toàn diện, các nội dung thỏa thuận tại các biên bản họp giữa các bên, mà chỉ căn cứ những phần có lợi để tuyên bản án có lợi cho nguyên đơn. 

“Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền, đề nghị xem xét lại theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm đối với các bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14 của TAND Q.2 và bản án phúc thẩm ngày 12/6/2018 của TAND TP.HCM vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không khách quan và trái pháp luật” - ông Trần Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty Tân Việt An, cho biết.

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI