Tòa và UBND huyện phối hợp ngâm án?

20/12/2017 - 11:23

PNO - “Bị ngã rạn một bên sườn mà tôi không dám đi bệnh viện vì không có tiền.Đã mấy năm nay, hằng ngày tôi chỉ mua gạo,đồ ăn thì có gì ăn đó vì phải để dành tiền đi xe đò lên tòa huyện hỏi xem bao giờ xử?”.

Bán một phần, bị chiếm luôn cả mảnh đất

Đó là lời kêu cứu với Báo Phụ Nữ của bà Trần Thị Hồng Huệ (62 tuổi, thôn 3, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), trên dặm trường tìm công lý của mình. Bà Huệ là nguyên đơn trong vụ “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” do TAND huyện Bù Gia Mập thụ lý, nhưng sau đó tòa viện cớ “chờ trả lời của UBND huyện” và... đình chỉ, khiến vụ án dân sự này kéo dài suốt 4 năm và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. 

Hoàn cảnh bà Huệ rất khó khăn: nghèo, già yếu, bệnh tật, hằng ngày đi bán từng tấm vé số để mưu sinh. Trong thời gian chờ tòa phân xử, bán được đồng nào bà gom góp làm lộ phí đi gần 100km đến cơ quan công quyền hỏi thăm về vụ việc của mình.

Toa va UBND huyen phoi hop ngam an?
Quyết định tạm đình chỉ vụ án

Bà Huệ trình bày trong đơn, trước đây bà có mảnh đất diện tích 3.164m2 tại thôn 3, xã Phú Văn. Do khó khăn, đầu năm 2002, bà bắt đầu bán dần mảnh đất theo kiểu “tính mét ngang” (đo chiều ngang tính tiền, chiều dài đến hết đất). Đầu tiên bà bán 6m, viết giấy tay, trưởng ấp làm chứng.

Cuối năm đó, bà bán tiếp cho bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân (59 tuổi, số 686C, ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) phần đất có chiều ngang 20m, cũng viết giấy tay, có trưởng ấp làm chứng. Đến năm 2008, bà Huệ bán tiếp 400m2 đất thổ cư nằm trong diện tích đất còn lại, có hợp đồng chuyển nhượng đất do UBND xã Phú Văn chứng thực.

Không chỉ túng thiếu, trong một thời gian ngắn, tai họa còn dồn dập đổ xuống gia đình bà Huệ. Con trai lớn của bà chạy xe ôm bị tai nạn giao thông mất. Con gái mới 12 tuổi bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi biệt xứ. Bà Huệ đau buồn dắt con trai út rời địa phương, tìm nơi khác kiếm sống và gửi phần đất chưa bán còn lại, khoảng 20m chiều ngang, cho hàng xóm trông nom hộ.

Thế nhưng, bà Huệ mới đi một thời gian thì bà Xuân đã giở thủ đoạn chiếm đoạt hết chỗ đất còn lại, viết giấy tay bán cho nhiều người. Được hàng xóm báo tin, bà Huệ lập tức trở về làm đơn tố cáo gửi  UBND xã Phú Văn. Lãnh đạo xã đã nhiều lần mời hai bên lên hòa giải, nhưng không thành. Năm 2012, bà Huệ làm đơn khởi kiện bà Xuân lên TAND huyện Bù Gia Mập. Tòa thụ lý đơn kiện, làm thủ tục đo đạc lại và xác định giá trị tài sản. 

Án bị “ngâm” vì UBND huyện... không chịu trả lời

Nhưng, đến ngày 24/9/2013, TAND huyện Bù Gia Mập lại ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ kết quả trả lời của UBND huyện Bù Gia Mập “về việc cho ý kiến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo công văn số 76/CV-TA ngày 29/7/2013 của TAND huyện Bù Gia Mập thì mới có cơ sở tiếp tục giải quyết được vụ án” (?).Trong văn bản này, tòa cũng thông báo cho bà Huệ là sẽ tiếp tục giải quyết khi... lý do tạm đình chỉ không còn.

Thực tế, đất của bà Huệ là đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 24/12/1999; hằng năm bà vẫn đóng thuế đất đầy đủ tại địa phương. Mặt khác, bà Huệ cũng không hề biết đến nội dung công văn số 76 mà TAND huyện Bù Gia Mập đề cập trong lý do tạm đình chỉ vụ án. Bà Huệ và những người có liên quan trong vụ án đã phải mòn mỏi chờ đợi đến tận lúc này mà UBND huyện Bù Gia Mập vẫn không có văn bản trả lời tòa án. Tòa cũng viện lý do đó để tiếp tục... đình chỉ, khiến vụ án có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Chuyện càng tệ hơn khi những người được bà Huệ bán đất trước đó nhưng chưa kịp tách sổ cũng bị vạ lây, bị bà Xuân chiếm đất bán cho khoảng 3 người khác, khiến giấy tay bán đất chồng chéo nhau, không ai được tách sổ.

Hiện bà Huệ ngày càng già yếu, không còn nhà cửa, lang thang bán vé số tại huyện Đồng Phú (Bình Phước). Nói đến vụ bị cướp đất của mình, bà Huệ nấc nghẹn: “Tôi làm nghề bán vé số, thu nhập thất thường. Mới đây, tôi bị ngã lúc chạy trong mưa, rạn một bên sườn nhưng không dám đi bệnh viện chữa trị vì không có tiền. Mấy năm nay, hằng ngày tôi chỉ dám mua gạo, đồ ăn thì có gì ăn đó vì phải để dành tiền đi xe đò lên tòa án huyện hỏi xem bao giờ xử”.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, luật sư  Trần Quốc Vương - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho biết, thời hạn giải quyết một vụ án tranh chấp dân sự không quá 4 tháng hoặc nếu cần, có thể gia hạn thêm không quá 2 tháng. Vụ việc của bà Huệ đã kéo dài 4 năm là trái quy định của Luật Tố tụng dân sự.

Dư luận đang đặt nghi vấn có hay không việc UBND huyện Bù Gia Mập vì muốn né các sai phạm trước đây nên đã “phối hợp” với TAND huyện “ngâm án”?

Trần Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI