"Toa thuốc" nào cho kinh tế TPHCM?

05/04/2023 - 07:13

PNO - Hội nghị Thành ủy TPHCM diễn ra sáng 4/4 trong bối cảnh GRDP quý I/2023 của TPHCM chỉ 0,7% - mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.

Đúng như dự đoán, kinh tế của TPHCM chịu sức ép lớn từ đà suy giảm chung của kinh tế thế giới. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc giảm sâu so với dự báo là kết quả có phần chủ quan, khi “toa thuốc” đã không được sử dụng hiệu quả, đó là những gì “ta có trong tay”, như cách nói của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM.

TP.HCM tổ chức Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2023
TPHCM tổ chức Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2023

Hoạt động của doanh nghiệp (DN) là bệ đỡ cho kinh tế của TPHCM, nhưng hiện có hơn 22% DN ngưng hoạt động, 17,6% DN dự kiến cắt giảm lao động và cứ 10 DN tham gia thị trường thì có 9 DN rút khỏi thị trường. 
Những khó khăn của DN từ lâu đã được chỉ ra nhưng vẫn chưa được giải quyết, nhất là nguồn vốn. Đặc biệt, chúng ta có gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ nhưng cho đến hết năm 2022, gói này chỉ giải ngân 135 tỉ đồng, chỉ đạt 0,3%. Tương tự, DN phải lâm cảnh phá sản trong khi họ có tài sản mà không thể thế chấp để vay vốn do vướng thủ tục, chính sách. 

Lắng nghe tiếng lòng của chủ DN, thấy được khó khăn cụ thể của DN để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thể hiện sự đồng hành của chính quyền thành phố lúc này. 

Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những công cụ kích hoạt nền kinh tế nhưng đến lúc này, TPHCM chỉ giải ngân đạt 4% tổng vốn. Đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi ý kiến nhau giữa các đơn vị là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ. Trong khi đó, cứ 5 năm, nếu 1 dự án đầu tư công chưa được triển khai thì phải tái khởi động với thủ tục và nguồn vốn được phân bổ lại từ đầu. TPHCM hiện có 1.200 dự án đầu tư công. Nếu không hành động cấp bách, khó sẽ càng thêm khó.

Nhìn lại tất cả các yếu tố hạn chế, không khó nhận ra yếu tố con người. Đó là sự chần chừ, chưa dám nghĩ dám làm, chưa dám đề xuất khi gặp những vướng mắc vượt thẩm quyền. 

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, trong cải cách hành chính, cơ quan công quyền của TPHCM có “thư xin lỗi” cho từng hồ sơ trễ hẹn nhưng bao giờ giải quyết thì vẫn không có câu trả lời cho người dân, DN. Trong việc đánh giá mức độ hài lòng và chưa hài lòng về việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhiều đơn vị không chỉ ra được người dân, DN hài lòng hay không hài lòng về điều gì để từ đó cải thiện hoặc phát huy, như thái độ phục vụ, thời gian xử lý hồ sơ… Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị cũng chỉ dừng ở lời nhắc nhở lẫn nhau mà không quyết tâm đi đến giải quyết hồ sơ dứt điểm để người dân, DN không phải chờ đợi lâu.
Có lẽ lúc này, cần siết chặt kỷ cương công vụ của cán bộ, nghĩa là lập các tổ công tác để đôn đốc, giám sát, đánh giá, khen thưởng, xử phạt cán bộ trong việc giải quyết công việc. Có như vậy mới mong “sức khỏe” của kinh tế thành phố được cải thiện.

Ngoài ra, hơn lúc nào hết, TPHCM cần nhận được sự hỗ trợ của cấp trung ương, như khi nói về vướng mắc đối với các dự án lớn của TPHCM trong cuộc họp giữa Chính phủ với các lãnh đạo địa phương vào ngày 3/4, ông Phan Văn Mãi đã tha thiết: “Mong Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm gỡ khó cho TPHCM trong thời điểm này”.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI