Tòa phúc thẩm Paris bác đơn, bà Trần Tố Nga tiếp tục kháng cáo

22/08/2024 - 17:46

PNO - Sáng 22/8 giờ Pháp, Tòa án Paris bác bỏ đơn kháng cáo bà Trần Tố Nga trong vụ kiện chống lại các nhà sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam - bao gồm công ty Monsanto.

Bà Trần Tố Nga trong buổi trao đổi vào ngày 17/4/2023 tại Hà Nội, Việt Nam - Ảnh: NHAC NGUYÊN / AFP
Bà Trần Tố Nga trong buổi trao đổi vào ngày 17/4/2023 tại Hà Nội, Việt Nam - Ảnh: Nhac Nguyên/AFP

Bà Trần Tố Nga, một người Pháp gốc Việt, đã cáo buộc 14 công ty hóa chất nông nghiệp gây ra tác hại nghiêm trọng cho bản thân bà, con gái và những người khác bằng cách bán chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Trong vụ kiện đầu tiên vào năm 2021, một tòa án Pháp phán quyết rằng các công ty hóa chất được hưởng quyền miễn trừ pháp lý khỏi bị truy tố vì họ làm việc cho một chính phủ có chủ quyền.

Tòa phúc thẩm Paris đã sử dụng cùng lập luận để bác bỏ khiếu nại của bà Nga. Tòa án cho biết trong phán quyết bằng văn bản được hãng tin AFP trích dẫn rằng, các yêu cầu của nguyên đơn "đi ngược lại với tư cách miễn trừ của các công ty".

Các luật sư của bà Nga cho biết, họ sẽ tiếp tục đưa vụ việc lên tòa phúc thẩm cấp cao nhất của Pháp để tìm kiếm phán quyết cuối cùng.

Bà Nga (hiện 82 tuổi) từng là một phóng viên chiến trường trong cuộc chiến tranh chống Mỹ 1955-1975 và đã sống ở Pháp trong 3 thập kỷ qua. Bà cũng cáo buộc các công ty hóa chất gây ra thiệt hại cho môi trường.

Các nhóm vận động ước tính rằng 4 triệu người ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã tiếp xúc với 76 triệu lít chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống để phát quang mặt đất và hủy hoại nguồn lương thực của quân dân Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1971.

Theo thống kê, hóa chất này gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở 150.000 trẻ em tại Việt Nam. Dù vậy cho đến nay, chỉ có cựu chiến binh quân đội - từ Mỹ, Úc và Hàn Quốc - giành được khoản bồi thường cho hậu quả của loại hóa chất cực độc này.

Bản thân bà Nga mắc bệnh tiểu đường loại 2 và dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp, căn bệnh mà bà cho rằng có liên quan đến việc tiếp xúc với chất độc da cam.

Bà cũng từng mắc bệnh lao 2 lần và phát triển bệnh ung thư. Một trong những người con gái của bà đã chết vì dị tật tim.

Monsanto, công ty được tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức Bayer tiếp quản vào năm 2018, lập luận rằng tòa án Pháp không có thẩm quyền trong vụ án này do vấn đề miễn trừ quốc gia.

Trước khi tòa phúc thẩm tuyên án, luật sư của bà Nga cho biết: “Nếu phán quyết bất lợi, chúng tôi tiếp tục đệ đơn ra tòa phúc thẩm cấp cao hơn”, đồng thời thừa nhận rằng thủ tục này có thể kéo dài thêm vài năm nữa.

Bà Nga bày tỏ: “Tôi mang theo hy vọng của tất cả các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam. Tôi không có quyền dừng lại, không được nản lòng, vì vậy tôi quyết tâm đi đến cùng”.

Nếu bà Trần Tố Nga qua đời trước khi kết thúc cuộc chiến pháp lý dai dẳng, bà biết rằng thế hệ tiếp theo sẽ tiếp nối con đường của mình. Cô Micheline Pham, từ nhóm Vietnam Dioxine, cho biết: “Bà ấy gọi chúng tôi là “đội quân trẻ của bà”. Cuộc chiến của bà đã giúp người dân Việt Nam được lắng nghe và đã mở ra một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn nhiều cho các phiên tòa khác”.

Hoa Kỳ đã triển khai Chất độc màu da cam với hiệu ứng tàn phá trong Chiến tranh Việt Nam (Jean BURFIN)
Máy bay quân đội Mỹ thả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Jean Burfin/AFP

Tấn Vĩ (theo AFP, RFI, francetvinfo.fr)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI