Tòa hoãn xử vì cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đang điều trị bệnh

26/12/2024 - 10:56

PNO - Do đang điều trị bệnh lao, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin hoãn tòa, đồng thời có thêm thời gian khắc phục hậu quả.

Sáng 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn do vắng mặt bị cáo Quyết, một số luật sư và nhiều bị hại.

Bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: C.M
Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: C.M

Theo cảnh sát hỗ trợ tư pháp, trại tạm giam và Bệnh viện 198 xác nhận cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đang điều trị nội trú do ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày..., chưa đủ điều kiện ra viện.

Trước sự vắng mặt của ông Quyết, phần lớn luật sư và toàn bộ các bị cáo có mặt đều đồng ý hoãn. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư có mặt với tư cách bị hại và người có quyền lợi liên quan lại muốn tiếp tục xét xử.

Chủ tọa phân tích, để mở được phiên phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1.000 công văn, giấy mời cho các thành phần được triệu tập, tòa đã mất tới 7 ngày làm việc của 5 nhân sự.

"Chi phí để các giấy này đến tay người cần nhận là 7-12 nghìn đồng mỗi chiếc. Đấy là mới nói chi phí rất đơn giản, chưa tính công tác dẫn giải, lực lượng an ninh... thì lên tới bao nhiêu, xin quý vị nhẩm tính giúp. Đó đều là tiền ngân sách. Tòa nói vậy để mọi người hiểu và thấu hiểu, không ai muốn mở ra để hoãn, ai cũng muốn xử ngay để tiết kiệm ngân sách, vì không chỉ các vị vất vả sắp xếp thời gian đi lại", chủ tọa nói.

Hồi tháng 8/2024, tòa sơ thẩm xác định ông Quyết và đồng phạm có hành vi lừa đảo trong việc phát hành cổ phiếu ROS và thao túng 5 mã chứng khoán họ FLC nên phải nhận án tổng hợp 21 năm tù.

Theo đơn xin hoãn xử, cựu Chủ tịch FLC cho hay tình trạng sức khoẻ bản thân không tốt, đang trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính với các triệu chứng ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày… và đang phải điều trị tích cực.

Ông Quyết cũng cho hay các luật sư của mình cần thêm thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ. Đây là những luật sư vừa được mời tham gia ở giai đoạn phúc thẩm nên họ chưa nắm được diễn biến ở cấp sơ thẩm hoặc giai đoạn trước của vụ án.

Đáng chú ý, ông Quyết khẳng định dù sức khoẻ không tốt trong thời gian qua nhưng: "Tôi vẫn giữ quyết tâm và ý thức về việc khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất có thể".

Trong đơn, ông Quyết thể hiện đã nộp hơn 600 tỉ đồng khắc phục hậu quả và thời gian tới, sẽ thu xếp thêm tiền để hoàn thành việc khắc phục. Cựu Chủ tịch FLC còn đề nghị tòa phúc thẩm xem xét căn cứ Nghị quyết 164/2024 của Quốc hội về "Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự" để ra quyết định cho áp dụng biện pháp mua bán, chuyển nhượng toàn bộ các tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết vụ án.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI