Tòa đang tuyên án 54 bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu”

28/07/2023 - 14:32

PNO - Chiều nay, 28/7, sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Vụ án "chuyến bay giải cứu", 21 người bị truy tố tội nhận hối lộ. Các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các đơn vị như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, TP Hà Nội, tỉnh Quảng Nam...

Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu
Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

Nhóm này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 500 lần với tổng số tiền gần 165 tỉ đồng từ đại diện các doanh nghiệp trong quá trình cấp phép các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam về nước. Trong đó, có tới 18 người bị truy tố khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Tại phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình với duy nhất bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng là người nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số 42,6 tỉ đồng. 20 người còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất đến 20 năm tù.

Cũng liên quan đến vụ án, 23 người bị truy tố tội đưa hối lộ, chủ yếu là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thực hiện chuyến bay. Nhóm này đã đưa tiền hơn 400 lần, với tổng số gần 165 tỉ đồng, cho nhóm 21 cựu quan chức, cán bộ kể trên, để được “ưu ái” khi làm thủ tục xét duyệt chuyến bay.

Trong bản luận tội, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án với bị cáo thấp nhất là 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất đến 9 năm tù.

Theo cơ quan công tố, đây là vụ án có số bị cáo ở nhiều bộ, ngành, địa phương; hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, xảy ra ngay trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, bị cả xã hội lên án gay gắt.

Việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước là chính sách đầy tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước ở cuộc chiến chống dịch, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thế nhưng, các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ một số bộ, ngành, địa phương đã lợi dụng chủ trương này để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có chi phí bôi trơn, đưa hối lộ.

Hành vi phạm tội của các bị cáo làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai; phản bội lại sự cố gắng của nhân dân, đồng chí, đồng đội.

Đặc biệt, việc nhận hối lộ của nhóm cựu quan chức đã gián tiếp buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay của các "chuyến bay giải cứu" và các chi phí khác. Người chịu thiệt thòi là công dân ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn. Các bị cáo đã có hành vi trục lợi chính sách, tạo ra cơ chế xin - cho, liên minh lợi ích nhằm kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI