Tọa đàm “Viết sách cho thiếu nhi”: Những trăn trở đi lạc

21/07/2020 - 20:33

PNO - Toạ đàm với nhiều diễn giả là những người gián tiếp lẫn trực tiếp viết, làm sách cho thiếu nhi, nhưng điều cuối cùng lại là... "anh đi xa quá".

Trong khuôn khổ Hội sách Thiếu nhi TPHCM lần 2, toạ đàm Viết sách cho thiếu nhi (tổ chức sáng 21/7) là cơ hội cho những tác giả, nhà phê bình, đơn vị làm sách cùng ngồi lại để bàn luận, trao đổi cách để làm sao viết nên một tác phẩm hay, thuyết phục được đối tượng trẻ em.

Tuy nhiên, hơn 2/3 thời gian, phần chia sẻ của các diễn giả gồm PGS-TS Bùi Thanh Truyền, nhà thơ Phong Việt, nhà văn Văn Thành Lê... là những gì thuộc về cộng nghệ làm sách, như diện mạo của một tác phẩm thiếu nhi cần được đầu tư, thị trường sách thiếu nhi hiện tại... Còn, thế nào là "viết", mà là viết cho độc giả nhí, từ đề tài cho đến cách diễn đạt, chỉ là một phần nội dung được đề cập sơ sài, qua loa. 

Hội sách Thiếu nhi TPHCM lần 2 đang diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1.
Hội sách Thiếu nhi TPHCM lần 2 đang diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1

Cho tới cuối tọa đàm, khi ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM được mời nêu ý kiến, thật may, ông nhận ra điều mà toạ đàm đang đi lạc hướng: "Chúng ta phải xác định cho rõ buổi toạ đàm, ở đây là Viết sách cho thiếu nhi, chúng ta chỉ nên bàn xung quanh chủ đề này và thêm 2 chữ "thành công" tức làm sao Viết sách cho thiếu nhi thành công, để bàn cho ra được vấn đề. Trao đổi của chúng ta đang rộng quá...".

Trước ông Lê Hoàng, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cũng có một lời nhắc nhở thẳng thắn, rằng sẽ thật lãng phí thời gian nếu mang những trăn trở quá rộng đến một buổi nói chuyện mà vấn đề đặt ra trọng tâm hơn. 

Ông Lê Hoàng sau đó tóm lại vấn đề cũng như đưa ra một số ý kiến, góp phần gỡ nút thắt làm sao để viết sách cho trẻ em thành công? Ơn giời, những ý kiến của ông Lê Hoàng cũng kịp nói ra để toạ đàm không lan man, lạc đề.

Sân chơi dành cho sách thiếu nhi dường như đang nghiêng về phía dòng sách ngoại văn.
Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, mỗi năm có khoảng 15% đầu sách dành cho trẻ em ra mắt nhưng có tới 25% dân số là trẻ em, có nghĩa nhu cầu sách dành cho đối tượng độc giả nhí hiện rất lớn.

Một buổi toạ đàm không thể thuyết phục người nghe khi những trăn trở chưa đặt đúng nơi, đúng chỗ để phát huy giá trị thì kết cục, khi thời gian kết thúc, mọi chuyện đâu lại vào đấy như chưa từng có trao đổi nào. Đó là điều đáng tiếc vì toạ đàm được diễn ra trong Hội sách Thiếu nhi TPHCM lần 2, đây không phải là sự kiện nhỏ đối với ngành sách cũng như những người làm sách.

"Tôi có một thông số từ phía NXB rằng một năm, các đầu sách dành cho thiếu nhi chiếm khoảng 15% trong khi đối tượng thiếu nhi chiếm 25% dân số. Nhu cầu sách thiếu nhi vô cùng lớn, là mảnh đất rộng cho các đơn vị làm sách nhưng rất khó. Có nhiều cuộc thi, hoạt động về sách dành cho thiếu nhi nhưng không hiệu quả", tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Có lẽ, một trong những "hoạt động không hiệu quả" tiếp theo trong hành trình làm sách cho thiếu nhi là buổi toạ đàm Viết sách cho thiếu nhi. Trong buổi toạ đàm, câu hỏi Viết cho thiếu nhi dễ hay khó? được lặp đi lặp lại nhiều lần và ở tư cách người nghe, có thể nhanh chóng trả lời rằng thật sự khó. Khó vì chính ở những buổi toạ đàm ngỡ cứ tưởng các vấn đề sẽ được luận bàn cho "ra ngô, ra khoai", hoặc tìm thấy một hướng đi nào sắp tới cho những nhà văn, đơn vị làm sách phục vụ đối tượng trẻ em thì lại chẳng có gì. Những người tâm huyết nói những câu chuyện tâm huyết nhưng đáng tiếc, câu chuyện ấy mãi chưa đi vào trọng tâm. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI