Vụ Bị tai nạn lao động, 2 năm chưa được bồi thường

Tòa cấp cao sẽ “quyết” thẩm quyền xét xử

24/04/2020 - 06:58

PNO - Vụ việc kéo dài do Tòa án nhân dân quận 1 (TPHCM) và Tòa án nhân dân thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đùn qua đẩy lại về thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

Liên quan đến vụ Bị tai nạn lao động, 2 năm chưa được bồi thường, đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM các ngày 23/12/20191/3/2020, ngày 21/4, đại diện gia đình ông Nguyễn Văn Tiền cho biết, gia đình lại nhận được thông tin sẽ chuyển vụ việc lên Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM để quyết về “thẩm quyền giải quyết vụ án”.

TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ lên TAND cấp cao tại TP.HCM để có phán quyết về thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường tai nạn lao động
TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ lên TAND cấp cao tại TPHCM để có phán quyết về thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường tai nạn lao động

Sau nhiều năm chờ đợi nhưng vẫn không được bồi thường tai nạn lao động do hai tòa án cấp quận, huyện của hai địa phương liên lục chuyển hồ sơ qua lại, gia đình ông Tiền đã làm đơn đề nghị xác định thẩm quyền giải quyết vụ án. Mới đây, TAND tình Bình Dương đã có văn bản chuyển vụ việc đến TAND cấp cao tại TPHCM giải quyết, theo khoản 3, Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự.

“Việc chuyển hồ sơ để TAND cấp cao tại TPHCM giải quyết thẩm quyền là phù hợp, nhưng nó sẽ khiến gia đình người bị tai nạn lao động chờ thêm một thời gian nữa. Đây là một vụ án tưởng như đơn giản nhưng lại vướng ở khâu thẩm quyền xét xử nên khá hy hữu, tôi chưa gặp trường hợp nào tương tự” - một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TPHCM nói.

Như Báo Phụ Nữ TPHCM đã phản ánh, hơn 2 năm nay, ông Nguyễn Văn Tiền - 56 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang - lận đận đi đòi bồi thường thiệt hại sau khi con trai ông bị tai nạn lao động. Theo hồ sơ vụ việc, ngày 27/10/2017, anh Nguyễn Hoàng Sơn - sinh năm 1989, con trai ông Tiền - được ông Nguyễn Hữu Nam tuyển vào làm việc tại một công trình xây dựng ở đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM nhưng không ký hợp đồng lao động. Lúc 7g ngày 14/11/2017, anh Nam được phân công tháo dỡ cốt pha (giàn giáo). Khi anh Sơn đứng trên cao để gỡ cây xà gồ thì bị ngã, rơi xuống đất, đập đầu trúng cây xà gồ đang đặt ở nền bê tông.

Theo ông Tiền, do không được thông báo mối hàn cây xà gồ đã bị cắt nên anh Sơn đã nắm vào và bị ngã. Dù thi công ở công trình lớn nhưng anh Sơn không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động. Sau tai nạn, anh Sơn được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, điều trị; đến ngày 7/1/2019, anh đột ngột lên cơn co giật và tử vong tại nhà. 

Sau khi anh Sơn bị tai nạn, gia đình anh đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại, gửi đến TAND quận 1. Tòa này hướng dẫn gia đình làm đơn xin rút hồ sơ và làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Hữu Nam đến TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nơi ông Nam sinh sống. Suốt 2 năm qua, hồ sơ khởi kiện cứ liên tục bị chuyển qua, chuyển lại giữa TAND quận 1 và TAND thị xã Thuận An.

TAND thị xã Thuận An cho rằng, nơi xảy ra tai nạn lao động đối với anh Sơn là công trình xây dựng ở quận 1 và nguyên đơn đã chọn TAND quận 1 là nơi giải quyết tranh chấp theo đúng điểm d, khoản 1, Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên thẩm quyền giải quyết là của TAND quận 1. Còn TAND quận 1 lại áp dụng điểm 1, khoản 1, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự để chuyển hồ sơ về TAND thị xã Thuận An, vì cho rằng, anh Nguyễn Hoàng Sơn được ông Nguyễn Hữu Nam tuyển dụng và đưa vào làm việc; ông Nam là cai thầu hoặc người trung gian trong quan hệ lao động giữa Nguyễn Hoàng Sơn với Công ty TNHH Xây dựng công trình T&A; ông Nam cư trú ở thị xã Thuận An nên thẩm quyền giải quyết vụ án là TAND thị xã Thuận An.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), căn cứ vào lời khai của ông Nguyễn Hữu Nam thì ông này trực tiếp tuyển dụng và giao việc cho anh Sơn nên ông Nam là người sử dụng lao động, do đó có nghĩa vụ bồi thường. Theo quy định hiện hành, TAND thị xã Thuận An có thẩm quyền giải quyết vụ án. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI