Vụ “Viện Y tế công cộng TPHCM tùy tiện sa thải, tuyển dụng lao động”

Tòa buộc thanh toán hơn 238 triệu đồng, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo

11/07/2021 - 07:00

PNO - Viện Y tế công cộng TPHCM đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhân viên. Tòa án nhân dân Q.8 tuyên buộc đơn vị này phải thanh toán cho nhân viên hơn 238 triệu đồng.

Viện Y tế công cộng TPHCM đã bị cựu nhân viên là bà Trương Thị Sâm khởi kiện. Mới đây, Tòa án nhân dân Q.8 đã mở phiên sơ thẩm xét xử “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng” và tuyên buộc đơn vị này phải thanh toán cho bà Sâm hơn 238 triệu đồng. 

Sa thải nhân viên không đúng luật

Theo đơn khởi kiện, bà Sâm (ngụ TP.Thủ Đức) vào làm việc tại Viện Y tế công cộng TPHCM (tại Q.8, TPHCM) từ tháng 8/2000, được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Ban đầu, bà Sâm được bố trí làm việc ở phòng Kế hoạch tổng hợp. Từ năm 2001 trở đi bà được bố trí làm việc tại khoa Vệ sinh môi trường, phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Tổ chức - Hành chính. Trong gần 19 năm công tác, bà Sâm luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Viện Y tế công cộng bị tòa sơ thẩm buộc thanh toán hơn 238 triệu đồng cho người lao động ảnh: S.V.
Viện Y tế công cộng bị tòa sơ thẩm buộc thanh toán hơn 238 triệu đồng cho người lao động - Ảnh: S.V.

Ngày 2/1/2019, bà Sâm nhận được thông báo đề ngày 28/12/2018 của Viện Y tế công cộng về việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động không có vị trí việc làm kể từ ngày 11/3/2019. Quá bất ngờ trước thông báo này, bà Sâm không đồng ý ký vào biên bản giao nhận thông báo.

Viện Y tế công cộng TPHCM đã tổ chức cuộc họp, bà Sâm có trình bày nguyện vọng muốn được ở lại làm việc lâu dài nhưng không được đồng ý. Không đồng tình với cách giải quyết chấm dứt HĐLĐ của Viện Y tế công cộng TPHCM, bà Sâm đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu đơn vị này nhận bà trở lại làm việc; thanh toán tổng số tiền hơn 450 triệu đồng và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 11/3/2019 đến 11/5/2021.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân Q.8 nhận định, khi bà Sâm đang làm việc thì Viện Y tế công cộng TPHCM lại ban hành thông báo chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động không có vị trí việc làm. Sau khi có thông báo thì tổ chức công đoàn và lãnh đạo Viện Y tế công cộng TPHCM tiến hành làm việc với người lao động thể hiện bằng biên bản nhưng các biên bản lại không có chữ ký của các thành viên tham gia họp, chữ ký của bà Sâm, mà chỉ có chữ ký của thư ký và người chủ trì họp là không đúng thủ tục theo quy định của Luật Lao động.

Sau đó, đến ngày 5/3/2019, Viện Y tế công cộng TPHCM lại ban hành quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Sâm với lý do: chấm dứt HĐLĐ theo đề án vị trí việc làm. Thế nhưng đơn vị này cũng không có phương án sử dụng lao động. Điều này cho thấy Viện Y tế công cộng TPHCM đã chấm dứt hợp đồng không đúng quy định của pháp luật lao động.

Tòa buộc thanh toán hơn 238 triệu đồng

Tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân Q.8 đã chấp nhận một phần yêu cầu của bà Trương Thị Sâm, tuyên buộc Viện Y tế công cộng TPHCM có trách nhiệm thanh toán cho bà Sâm số tiền hơn 238 triệu đồng, gồm tiền lương từ ngày 11/3/2019 đến ngày 11/5/2021 và bồi thường hai tháng tiền lương. Tòa cũng buộc Viện Y tế công cộng TPHCM phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bà Sâm từ ngày 11/3/2019 đến 11/5/2021.

Sau phiên tòa, Viện Y tế công cộng TPHCM đã nộp đơn kháng cáo. Được biết, bà Trương Thị Sâm cũng đã gửi đơn kháng cáo đề nghị tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà.

Trước đó, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có nhiều bài viết phản ánh những dấu hiệu bất thường trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải cán bộ, người lao động ở Viện Y tế công cộng TPHCM. Sau đó, Bộ Y tế đã thanh tra và kết luận nhiều sai phạm liên quan đến những tố cáo về việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại đơn vị này.

Theo kết luận, đối với công tác thi tuyển viên chức, thông báo tuyển dụng của Viện Y tế công cộng TPHCM không nêu chức danh nghề nghiệp tương ứng; bảng tổng hợp điểm thi không ghi số điểm của từng giám khảo; có hiện tượng sửa điểm trong hai bảng tổng hợp điểm thi thực hành. Trong năm 2017 và 2018, có 11 trường hợp được xét tuyển đặc cách nhưng đơn vị này không báo cáo và xin ý kiến của Bộ Y tế.

Ngoài ra, trong việc xét tuyển đặc cách viên chức, đơn vị cũng không có tài liệu thể hiện việc hội đồng kiểm tra, sát hạch và báo cáo viện trưởng theo quy định; quyết định thành lập hội đồng kiểm tra năm 2017 không có đại diện lãnh đạo Khoa Dịch tễ...

Cùng với đó, đơn vị còn bổ nhiệm một số cá nhân không đạt tiêu chuẩn về bằng cấp tại thời điểm được bổ nhiệm và việc bổ nhiệm cũng không theo quy hoạch. Theo đó, có 8 hồ sơ bổ nhiệm không có văn bản đề nghị của các khoa, phòng và cấp tương đương; có sáu hồ sơ bổ nhiệm không có tờ trình đề nghị của phòng Tổ chức - Hành chính… 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI