Tòa án trước thách thức về luật bản quyền thời AI

15/09/2023 - 06:17

PNO - Đầu tuần này, cả văn đàn lẫn giới công nghệ thế giới lại xôn xao khi có thêm một nhóm tác giả Mỹ khởi kiện Tổ chức nghiên cứu OpenAI.

Các công ty AI liên tiếp bị cáo buộc vi phạm tác quyền - Nguồn ảnh: Getty Images
Các công ty AI liên tiếp bị cáo buộc vi phạm tác quyền - Nguồn ảnh: Getty Images

 Nguyên đơn gồm các tên tuổi như tiểu thuyết gia Ayelet Waldman, nhà văn đoạt giải Pulitzer Michael Chabon, nhà biên kịch David Henry Hwang, soạn giả Matthew Klam… cáo buộc chương trình do Microsoft hậu thuẫn đã vi phạm bản quyền, sao chép trái phép tác phẩm của họ để “huấn luyện” công cụ chatbot đình đám ChatGPT dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Đây là vụ kiện tập thể thứ ba liên quan vấn đề tác quyền do các tác giả đệ trình nhằm chống lại OpenAI, Microsoft, Meta và Stability AI vì đã sử dụng tác phẩm của họ trong việc “đào tạo” AI. Các tác giả cho rằng tác phẩm của họ đã bị đưa vào tập dữ liệu lớn của ChatGPT mà không có sự đồng ý của họ. Theo các nhà văn, hệ thống này có thể tóm tắt chính xác các tác phẩm, phân tích chuyên sâu các chủ đề trong tiểu thuyết và tạo ra bản văn bắt chước văn phong, ý tưởng, cốt truyện. Và điều này chỉ có thể thực hiện được khi mô hình GPT được huấn luyện bằng cách sử dụng các tác phẩm gốc có bản quyền. Sản phẩm của ChatGPT là các “tác phẩm phái sinh”.

Đơn kiện cho rằng: “OpenAI luôn biết rằng những bộ dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình GPT của mình có chứa các tài liệu có bản quyền và những hành động liên quan đã vi phạm các điều khoản sử dụng tài liệu đó”.

Nhóm nhà văn, biên kịch yêu cầu một khoản tiền bồi thường thiệt hại và đề nghị ngăn chặn “các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và không công bằng” của OpenAI. Trước đây, đã có hơn 10.000 tác giả ký thư ngỏ kêu gọi OpenAI, Meta, Google và các công ty công nghệ khác đồng ý “ghi nhận và đền bù công bằng cho tác giả khi sử dụng tác phẩm trong việc đào tạo các mô hình AI”. Sau vài tháng ra mắt, ChatGPT của OpenAI đã đạt 100 triệu người dùng vào tháng 1/2023, trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại.

Hồi tháng Bảy, soạn giả kiêm diễn viên hài Sarah Silverman cùng các nhà văn Christopher Golden và Richard Kadrey cũng đã khởi kiện, cáo buộc OpenAI và Meta vi phạm bản quyền. Trước đó 1 tháng, các tác giả Paul Tremblay và Mona Awad kiện OpenAI với lý do tương tự. 

Trong khi đó, OpenAI và các công ty khác lập luận rằng việc đào tạo AI đã sử dụng hợp lý các tài liệu có bản quyền được lấy từ internet. Các vụ kiện gần đây đã đưa ra một loạt các thách thức đối với ngành tư pháp về tính hợp pháp của công nghệ “huấn luyện” trong các mô hình ngôn ngữ lớn. Tòa án sẽ phải “căng mình” trong việc giải thích luật bản quyền ở thời đại AI cũng như đưa ra phán quyết.

Thực tế đã có tiền lệ “bật đèn xanh” cho việc sao chép tác phẩm nhằm tạo ra văn bản hồi quy không vi phạm kể từ vụ Hiệp hội Tác giả kiện Google vào năm 2005 vì đã số hóa hàng triệu cuốn sách để phục vụ chức năng tìm kiếm. Thẩm phán liên bang khi đó đã bác cáo buộc vi phạm bản quyền của nguyên đơn vì nhận thấy việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền của công ty là hợp pháp. Trọng tâm của phán quyết cho rằng, Google chỉ cho phép người dùng xem các đoạn văn bản chứ không cung cấp toàn bộ cuốn sách.

Stephen Chbosky (tác giả cuốn The perks of being a wallflower), Emma Donoghue (tác giả cuốn Room) và Gillian Flynn (tác giả cuốn Gone girl) đã tự chuyển thể kịch bản phim của họ thành tiểu thuyết. Họ dự đoán rằng tòa án sẽ “ra phán quyết có lợi cho người sáng tạo”. Các tác giả và nghệ sĩ lập luận rằng các công ty AI đang gây tổn hại lớn đến lợi ích kinh tế của họ thông qua việc tạo ra các tác phẩm cạnh tranh trên nền tảng tài liệu gốc. Điều này sẽ buộc các công ty AI đi vào khuôn khổ cấp phép.

Trong lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh việc chống lại tác phẩm phái sinh theo luật, các công ty giải trí sẽ ứng dụng cách tiếp cận về góc độ thương mại. Chẳng hạn nếu không thể ngăn các nhà phát triển cung cấp “bộ lọc nhạc Taylor Swift” cho các ứng dụng tạo nhạc AI thì có thể đưa ra quy định cụ thể ai là người được phép cung cấp bộ lọc này một cách chính thức. 

 Nam Anh (theo Reuters, MBWW, Theverge)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI