Tòa án Nhật Bản phán quyết lệnh cấm hôn nhân đồng giới “là vi hiến”

17/03/2021 - 17:38

PNO - Toà án quận Sapporo của Nhật Bản hôm 17/3 phán quyết rằng lệnh cấm của chính phủ đối với hôn nhân đồng giới là vi hiến. Đây là lần đầu tiên quyền của các cặp đồng tính được công nhận ở một quốc gia G-7 duy nhất không thừa nhận quan hệ đối tác hợp pháp của những người đồng tính.

Các luật sư và những người ủng hộ nguyên đơn cầm cờ “sắc cầu vồng” và biểu ngữ có nội dung Phán quyết vi hiến bên ngoài tòa án quận Sapporo sau khi tòa ra phán quyết phán hôm 17/3 - Ảnh: AP/Kyodo News
Các luật sư và những người ủng hộ nguyên đơn cầm cờ “sắc cầu vồng” và biểu ngữ có nội dung "Phán quyết vi hiến" bên ngoài tòa án quận Sapporo sau khi tòa ra phán quyết phán hôm 17/3 - Ảnh: AP/Kyodo News

Mặc dù tòa án đã bác bỏ yêu cầu đòi chính phủ bồi thường của các nguyên đơn, nhưng án lệ này là một thắng lợi lớn cho những người đồng tính, và có thể ảnh hưởng đến các vụ kiện tương tự đang chờ được xét xử trên toàn quốc.

Tòa án quận Sapporo cho biết tình dục, giống như chủng tộc và giới tính, không phải là vấn đề sở thích cá nhân, do đó việc cấm các cặp đồng tính nhận các lợi ích dành cho các cặp đôi dị tính là không thể chấp nhận được. Bản tóm tắt phán quyết của tòa khẳng định: “Các lợi ích hợp pháp bắt nguồn từ hôn nhân sẽ mang lại lợi ích như nhau cho cả người đồng tính và dị tính”.

Thẩm phán Tomoko Takebe nói trong phán quyết rằng việc không cho phép kết hôn đồng giới vi phạm Điều 14 của Hiến pháp Nhật Bản - nghiêm cấm phân biệt đối xử "về chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hoặc nguồn gốc gia đình”. Theo luật pháp Nhật Bản, hôn nhân phải dựa trên “sự đồng ý của cả hai giới”, điều này hiện được hiểu là luật chỉ cho phép kết hôn giữa nam giới và nữ giới.

Tòa án quận Sapporo đã bác yêu sách của sáu nguyên đơn - hai cặp nam và một cặp nữ đồng tính - đòi chính phủ Nhật Bản trả cho mỗi người 1 triệu yên (9.100 USD) vì những khó khăn họ phải trải qua vì không thể kết hôn hợp pháp.

“Tôi hy vọng phán quyết này là bước đầu tiên để Nhật Bản thay đổi”, một trong những phụ nữ, người chỉ tự nhận mình là “nguyên đơn số 5” nói.

Bốn vụ kiện khác đang chờ xét xử ở Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka.

Phán quyết của tòa án quận Sapporo không có nghĩa sẽ kéo theo sự thay đổi chính sách của chính phủ ngay lập tức, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các quyết định về các vụ kiện khác đang chờ xét xử và thúc đẩy các lời kêu gọi chính phủ thay đổi luật.

Trong khi nhận thức và sự ủng hộ dành cho những người đồng tính, song tính, chuyển giới và giới tính chưa xác nhận (LGBTQ) đang tăng lên ở Nhật Bản, thì sự phân biệt đối xử thực tế vẫn tồn tại. Các cặp đồng tính không được thừa kế nhà cửa và các tài sản khác của bạn đời, cũng như không có quyền của cha mẹ đối với bất kỳ đứa con nào. Nhiều đô thị ở Nhật ban hành sắc lệnh “quan hệ đối tác” để các cặp đồng tính có thể dễ dàng thuê căn hộ hơn, nhưng các sắc lệnh trên không ràng buộc về mặt pháp lý.

Trong một xã hội mà áp lực về “sự phù hợp” rất mạnh, nhiều người đồng tính phải che giấu giới tính của họ, sợ hãi định kiến ​​ở nhà, ở trường học hoặc nơi làm việc. Người chuyển giới cũng gặp khó khăn trong một xã hội nhận dạng về giới rất cụ thể.

Phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của người LGBTQ ở Nhật Bản thời gian qua có phần giảm sút vì “những kẻ khác người” phần lớn bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Mặc dù Nhật Bản là quốc gia G-7 duy nhất vẫn từ chối hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nhưng điều này không có gì lạ trong khu vực. Đài Loan là nơi duy nhất ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nơi đây đã có hàng ngàn cặp đôi đồng tính kết hôn kể từ khi luật được thông qua tháng 5/2019.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản (LDP) có quan điểm bảo thủ cực đoan, gia trưởng về gia đình, và các chính sách của đảng LDP đã cản trở sự tiến bộ và chấp nhận đa dạng giới tính của phụ nữ. Các nhà lập pháp cầm quyền đã nhiều lần bị chỉ trích vì đưa ra những nhận xét phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số giới tính vì “kém hiệu năng”.

Việc Nhật Bản từ chối cấp thị thực vợ chồng cho bạn đời của các cặp đồng tính kết hôn hợp pháp ở nước ngoài đang là một vấn đề ngày càng nan giải, buộc họ phải tạm thời sống ly thân. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Nhật Bản năm ngoái đã thúc giục Tokyo hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, vì cho rằng những người LGBTQ tài năng có thể sẽ chọn làm việc ở một nơi khác, khiến Nhật Bản “trở nên kém cạnh tranh hơn trên trường quốc tế”.

Cẩm Hà (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI