Tòa án cho người chưa thành niên - Khó cũng phải làm!

12/08/2013 - 20:05

PNO - PN - Tòa án nhân dân tối cao vừa đưa ra dự thảo đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên để lấy ý kiến. Đây là một đề án có tính nhân văn và rất cần thiết.

Thực tế hiện nay, tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nếu xếp chung việc giải quyết các vấn đề của người chưa thành niên với đối tượng đã trưởng thành là rất bất hợp lý. Nhận thức xã hội và tâm sinh lý của người chưa thành niên cũng có sự khác biệt căn bản so với người trưởng thành, thường là manh động và mang tính cơ hội, nên việc điều tra, truy tố và xét xử cần có một cơ chế riêng cho phù hợp. Việc xét xử, giam giữ như đối với người đã trưởng thành, hoặc đưa tin rầm rộ trên các phương tiện truyền thông trong chừng mực nào đó sẽ gây tác động ngược, không những hạn chế tác dụng răn đe mà còn làm phát sinh những mầm mống tội ác tương tự, hoặc vô tình hủy hoại tương lai của trẻ, đặc biệt đối với nạn nhân là người chưa thành niên trong các vụ án hiếp dâm, lạm dụng tình dục.

Toa an cho nguoi chua thanh nien - Kho cung phai lam!

Đối với người chưa thành niên phạm pháp cần có một cơ chế toàn diện để giải quyết, gồm toàn bộ các khâu từ điều tra, xét xử, thi hành án và hậu thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng, trong đó, việc xét xử cần một tòa chuyên biệt. Khó khăn trong việc thành lập có lẽ không nằm ở nhận thức, mà ở nhân lực dành cho công việc này. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với đối tượng là người chưa thành niên, yêu cầu với người tham gia tố tụng rất cao, nhất là sự am hiểu về tâm lý tội phạm. Việc lập thêm một tòa chuyên trách đồng thời đặt ra bài toán về cơ sở vật chất bên cạnh việc tăng cường nguồn nhân lực xét xử, nhưng dù khó khăn thì vẫn phải làm, bởi việc này lẽ ra phải làm từ lâu và không thể chậm trễ nữa.

Việc lập tòa cho người chưa thành niên là đòi hỏi khách quan, phù hợp xu thế phát triển xã hội và định hướng chung trong cải cách tư pháp là lấy xét xử làm khâu đột phá. Trước mắt có thể thành lập ngay tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Về chế độ đãi ngộ đối với người làm việc ở tòa người chưa thành niên, đặc biệt đối với thẩm phán cần được hưởng chế độ ưu đãi cao hơn so với người ở các tòa khác bởi lao động của họ thực sự nặng nề.

ThS Hoàng Kim Chiến
(Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI