Tòa án châu Âu phán quyết chính phủ Thụy Sĩ vi phạm nhân quyền về khí hậu

09/04/2024 - 22:38

PNO - Ngày 9/4, Tòa án Nhân quyền châu Âu (EctHR) ra phán quyết, chính phủ Thụy Sĩ đã vi phạm nhân quyền khi không có hành động để chống lại biến đổi khí hậu.

Các thành viên của tổ chức KlimaSeniorinnen phản ứng sau phán quyết của tòa án ở Strasbourg, ngày 9/4/2024 - Ảnh: REUTERS/Christian Hartmann
Các thành viên của tổ chức KlimaSeniorinnen phản ứng sau phán quyết của tòa án ở Strasbourg, ngày 9/4/2024 - Ảnh: REUTERS/Christian Hartmann

Hơn 2.000 phụ nữ Thụy Sĩ khởi kiện, cáo buộc chính phủ không đưa ra hành động để chống biến đổi khí hậu. Và họ đã thắng.

Phán quyết của EctHR dự kiến sẽ tác động không nhỏ đến các quyết định của tòa án trên khắp châu Âu.

Khi làn sóng kiện tụng về khí hậu ngày càng gia tăng, ECtHR đã bác bỏ 2 vụ kiện khác liên quan đến khí hậu. Một là vụ 6 thanh niên Bồ Đào Nha kiện chính phủ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu. Một vụ nữa với nguyên đơn là cựu thị trưởng của một thị trấn ven biển vùng trũng của Pháp.

Nhóm phụ nữ Thụy Sĩ ở độ tuổi trên 64 (được gọi là KlimaSeniorinnen - tạm dịch: phụ nữ cao tuổi bảo vệ khí hậu) cho biết, việc chính phủ không hành động để chống lại biến đổi khí hậu có thể khiến họ có nguy cơ tử vong trong các đợt nắng nóng. Họ cho rằng tuổi tác và giới tính khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trong phán quyết, bà Siofra O'Leary - Chủ tịch ECtHR - cho biết, chính phủ Thụy Sĩ đã không tuân thủ các mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính và không thiết lập ngân sách carbon quốc gia.

"Các thế hệ tương lai có thể phải gánh hậu quả của những thất bại và thiếu sót hiện tại của chính phủ trong chống biến đổi khí hậu" - bà O'Leary nói.

Một trong những nhà lãnh đạo của KlimaSeniorinnen là bà Rosmarie Wydler-Wälti cho biết bà đang đấu tranh để phán quyết sớm tác động đến thực tế.

Văn phòng Tư pháp Liên bang Thụy Sĩ, đại diện cho chính phủ Thụy Sĩ tại tòa án, nói rằng: “Cùng với các cơ quan hữu quan, giờ đây chúng tôi sẽ phân tích phán quyết sâu rộng và xem xét các biện pháp mà Thụy Sĩ có thể thực hiện trong tương lai”.

Những người ủng hộ và thành viên của tổ chức KlimaSeniorinnen cầm biểu khi họ chờ đợi phán quyết về vụ kiện khí hậu chống lại chính phủ Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS/Christian Hartmann
Những người ủng hộ và thành viên của tổ chức KlimaSeniorinnen cầm biểu ngữ trong khi chờ phán quyết về vụ kiện - Ảnh: REUTERS/Christian Hartmann

Phán quyết trong vụ kiện này sẽ có tác động lan tỏa quốc tế và thiết lập một tiền lệ pháp lý mang tính ràng buộc cho 46 quốc gia là thành viên của Công ước châu Âu về nhân quyền.

Theo phán quyết này, Thụy Sĩ có nghĩa vụ phải hành động để giảm phát thải nhà kính.

Lucy Maxwell - đồng giám đốc của Mạng lưới kiện tụng khí hậu phi lợi nhuận - cho biết, nếu Thụy Sĩ không cập nhật chính sách mới, sắp tới có thể sẽ có thêm nhiều vụ kiện ở cấp quốc gia và lúc này, tòa án có thể đưa ra các hình phạt tài chính.

Thụy Sĩ đã cam kết sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 (từ mức của năm 1990). Bern cũng đề xuất các biện pháp mới mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2021, người dân đã từ chối chúng vì cho rằng quá nặng nề.

Phán quyết này cũng có thể ảnh hưởng đến các phán quyết trong tương lai tại tòa án Strasbourg, nơi đã tạm dừng 6 vụ kiện về khí hậu khác để chờ quyết định ngày 9/4. Trong đó có vụ cáo buộc chính phủ Na Uy vi phạm nhân quyền khi cấp giấy phép mới cho hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Barents sau năm 2035.

Các tòa án ở Úc, Brazil, Peru và Hàn Quốc đang xem xét các vụ kiện về khí hậu dựa trên luật nhân quyền. Tháng trước, Tòa án tối cao Ấn Độ đã đưa ra phán quyết rằng công dân có quyền được sống trong môi trường không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI