Tơ sầu vương mãi phận hồng nhan

15/05/2019 - 06:48

PNO - Sau 'Bi, đừng sợ!' của Phan Đăng Di, 'Vợ ba' là phim Việt hiếm hoi khai thác vấn đề tính dục. Nhưng khác với 'Bi, đừng sợ!', góc nhìn này được “soi” qua con mắt của nữ đạo diễn, nên đầy nữ tính, diễm lệ.

Phận hồng nhan, kiếp chồng chung, hôn nhân sắp đặt, tục đa thê, nạn tảo hôn là những cụm từ đáng sợ đối với phụ nữ Việt Nam xưa, bởi đó không chỉ là những bi kịch họ phải gánh chịu, mà còn là số phận, là định mệnh của một đời người, đã ấn định sẵn từ khi họ trót được sinh ra. Nỗi đau ấy đã được nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh đưa vào tác phẩm Vợ ba (khởi chiếu ngày 17/5) - một bộ phim lấy bối cảnh vùng thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ XIX, kể về Mây - một cô bé 14 tuổi, được gả về làm vợ lẽ cho một tên địa chủ giàu có, lớn tuổi. 

Quá trình chung sống với hai người vợ lớn là Hà và Xuân đã biến Mây từ một thiếu nữ trong sáng, ngây thơ thành một người đàn bà toan tính, để đạt mục tiêu cuối cùng là có địa vị trong giađình chồng.

To sau vuong mai  phan hong nhan
Phía sau cuộc sống chung thuận thảo giữa 3 người vợ là những cuộc đấu tranh ngầm mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ hủ tục

Sau Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di, Vợ ba là phim Việt hiếm hoi khai thác vấn đề tính dục. Nhưng khác với Bi, đừng sợ!, góc nhìn này được “soi” qua con mắt của nữ đạo diễn, nên đầy nữ tính, diễm lệ. Phim gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, thính giác khi bố cục từng khung hình đẹp như một bức tranh và âm thanh chủ đạo là tiếng nước chảy, tiếng đàn, tiếng mõ, tiếng gió thổi… Sau Thiên mệnh anh hùng, non nước Ninh Bình một lần nữa hiện lên tuyệt đẹp trên màn ảnh. Khác chăng là lần này, vẻ đẹp hùng vĩ, khoáng đạt của bối cảnh, ngoài dụng ý quảng bá du lịch, còn nhằm làm nổi bật sự nhỏ bé, cô đơn của những phận người phụ nữ trong phim.

Với cách kể từ tốn nhưng táo bạo, đạo diễn Nguyễn Phương Anh để mạch phim chậm chạp trôi theo hoạt động thường ngày của 3 người vợ: phụ người hầu dọn cơm nước, chơi đùa với con, chăm sóc cha chồng… Nhưng trong nhịp sống chậm rãi, nhẩn nha đó, cô vẫn cho khán giả cảm nhận được bầu không khí cạnh tranh khốc liệt giữa 3 người vợ, những cơn sóng ngầm cuộn chảy trong họ. Đó không chỉ là cuộc tranh giành hơn thua về mặt sinh lý, để có được một đứa con trai, mà còn là giằng xé giữa bổn phận, trách nhiệm, vốn bị ràng buộc bởi những quan niệm, lề thói cổ hủ, với những khát khao mang tính bản năng.

Trailer Vợ ba:

Khai thác những câu chuyện liên quan dục tính, Vợ ba tất nhiên không thiếu những cảnh nóng. Nhưng trái với những lo ngại ban đầu, trong đó có việc chọn nữ diễn viên chính (Mây) tuổi còn quá nhỏ (lúc đóng phim, Trà My chỉ mới hơn 12 tuổi), những cảnh quay nhạy cảm liên quan đến Trà My hay các diễn viên nữ khác đều được thể hiện một cách khéo léo, với thủ pháp ẩn dụ là chính. Ngay cả những cảnh “giường chiếu” giữa Mây với chồng cũng không hề có đụng chạm thể xác giữa hai diễn viên mà ống kính chỉ đặc tả gương mặt nhân vật, có khi dùng hình ảnh ẩn dụ. Cách xử lý tế nhị, tinh tế này cũng là điểm sáng của phim.

Đạo diễn Nguyễn Phương Anh cũng khá táo bạo khi xây dựng những mối tình đồng giới giữa Hà và Xuân, giữa Xuân và Mây trong Vợ ba; nhưng người xem sẽ dễ dàng nhận thấy sợi dây tình cảm được gắn kết giữa các nhân vật không đơn thuần mang yếu tố dục tính tầm thường. Sâu xa hơn, đó là sự tìm kiếm yêu thương, chở che, đồng cảm - những điều mà họ không nhận được từ gia đình, từ người chồng của mình, do phải lấy chồng quá sớm và hôn nhân bị sắp đặt.

Không chỉ “dụng công” trong cảnh nóng, ngôn ngữ điện ảnh còn được dùng  nhiều và đắt trong những phân đoạn khác để “thay lời muốn nói” cho cảm xúc, tâm trạng nhân vật. Xuyên suốt phim là hình ảnh quá trình phát triển của con tằm - từ khi còn là trứng, tằm, nhộng và hóa thành con ngài, như ngụ ý về vòng đời vất vả của phụ nữ thời xưa. Cho dù có là thân phận bà chủ như Hà, Xuân, Mây hay chỉ là người hầu như bà Lao, đàn bà thời ấy đều không có quyền tự định đoạt cuộc đời mình, mà phải lệ thuộc người khác.

To sau vuong mai  phan hong nhan

Bị chà đạp, thiếu tôn trọng, phận hồng nhan luôn bị bao bọc trong những cuộn tơ sầu, bởi hạnh phúc, tự do, tương lai… đều nằm trong tay những người đàn ông là cha, là chồng, là con của họ. Sự phản kháng, nếu có, như Mây, cũng chỉ dẫn đến một bi kịch khác; như cuối phim, Mây đã tìm cho mình và đứa con gái mới sinh một lối thoát đầy ám ảnh. Phim để ngỏ cái kết về số phận của Mây, để khán giả tự suy đoán, nhưng không khó để đoán được Mây đã chọn bước đường cùng: tự tử.

Hình ảnh cuối cùng mà người xem nhìn thấy trên màn hình là cảnh Nhàn - con gái của Xuân - ngồi bên bờ suối, dùng kéo cắt phăng mái tóc dài. Hành động này, cùng lời ước trước đó của em - “mong kiếp sau được làm đàn ông để lấy nhiều vợ”, như nói thay cho ước muốn được giải phóng khỏi những bất công, định kiến mà phận hồng nhan phải gánh chịu trong xã hội. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI