“Tổ quốc nhìn từ biển”: Những bằng chứng lịch sử sống động

09/06/2014 - 09:11

PNO - PNO - Tối 8/6, hàng nghìn người đã tham dự chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Tổ quốc nhìn từ biển” trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam từ hai đầu cầu tại Công viên biển Đông (TP Đà Nẵng) và đảo Lý Sơn (tỉnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chương trình do UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

“To quoc nhin tu bien”: Nhung bang chung lich su song dong
Từ điểm cầu truyền hình đảo Lý Sơn (ảnh: Văn Mịnh)

Ban tổ chức cho biết, chương trình nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam, củng cố niềm tin và sẵn sàng cho sứ mệnh của dân tộc - giữ gìn lãnh thổ cha ông để lại. Đây cũng là cơ hội để những người đã và đang chiến đấu, làm công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện với thế hệ trẻ Việt Nam. Đặc biệt sự vất vả, gian nguy của lực lượng chấp pháp Việt Nam như Kiểm ngư, Cảnh sát biển khi tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam.

“To quoc nhin tu bien”: Nhung bang chung lich su song dong
Ông Trần Hòa, Trần Quân Bảo chia sẻ những kỉ niệm về Hoàng Sa (ảnh: Đình Thức)

Tại đầu cầu Đà Nẵng, ông Trần Quân Bảo, người đã từng sống tại Hoàng Sa từ khi mới 5 tuổi đã chia sẻ những kỷ niệm khi cùng gia đình sinh sống trên đảo. “Bố tôi được người Pháp phân công làm nhân viên trạm khí tượng thủy văn trên quần đảo Hoàng Sa. Khi ra đảo nhận nhiệm vụ, ông đã đưa vợ cùng 3 con - tôi lúc đó 5 tuổi, em gái 3 tuổi và em trai 1 tuổi đi theo. Trên đảo lúc đó có khoảng 10 căn nhà kiên cố được xây dựng ngăn nắp vừa là nơi làm việc vừa dùng để ở. Đường sá đã hình thành để phục vụ người dân sinh sống. Người Pháp cũng cho xây dựng trụ ăng ten vô tuyến điện để truyền tin. Cư dân sinh sống, làm việc trên đảo có hơn 40 người Việt Nam. Họ làm nhiệm vụ quan trắc thời tiết, bảo vệ an ninh trên đảo”, ông Bảo chia sẻ.

Cũng trong tâm trạng xúc động và tự hào, ông Trần Hòa, người đã từng là y tá trên đảo Hoàng Sa miêu tả lại vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. “Lúc nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa, tôi mới 20 tuổi, nhưng những ngày tháng sống và làm việc trên đảo mãi trong tôi như mới ngày hôm qua. Ở đó, bãi cát vàng kéo dài bất tận. Xa xa là những rặng san hô dài 800 - 900 mét. Nước biển trong vắt, thay đổi màu sắc theo độ sâu. Những khi thủy triều rút đi, nhân viên trên đảo ra bãi san hô bắt cá, mực mắc kẹt lại do không thoát ra kịp”, ông Hòa kể.

“To quoc nhin tu bien”: Nhung bang chung lich su song dong
Những chứng nhân lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa tại buổi giao lưu (ảnh: Đình Thức)

Ông Hòa cho biết, ông cùng các đồng đội làm nhiệm vụ trên đảo đã từng cứu sống một tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc gặp nạn trên biển trôi dạt vào bờ. “Tháng 10/1973, một cơn bão lớn quét ngang qua quần đảo Hoàng Sa. Buổi chiều trước ngày bão đổ bộ, các nhân viên trên đảo phát hiện một tàu cá Trung Quốc trôi dạt về hướng Hòang Sa. Chúng tôi liền kéo thuyền đưa họ vào bờ tránh bão. Cơn bão quá lớn đánh tan con thuyền của họ thành từng mảnh nên chúng tôi phải nuôi gia đình ngư dân này suốt nhiều tháng liền”, ông Hòa kể. Theo ông Hòa, việc làm nhân nghĩa là việc làm của những người chủ nhà. “Chúng ta là chủ nhà nên đối xử với ngư dân họ vô cùng nhân đạo. Vậy mà bây giờ họ đâm chìm tàu cá của ngư dân ta. Đó chỉ có thể là hành động của kẻ xâm lược. Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”, ông Hòa khẳng định.

“To quoc nhin tu bien”: Nhung bang chung lich su song dong
Khán giả của chương trình tại đảo Lý Sơn (ảnh: Văn Mịnh)

Tại đảo Lý Sơn, ngày từ chiều tối, hàng ngàn người dân đã tập trung về Vũng neo trú tàu thuyền An Hải để theo dõi chương trình. Đúng 20 giờ chương trình bắt đầu, từng câu chuyện, từng nhân vật trong chương trình hòa với đầu cầu Đà Nẵng đã làm cho hàng ngàn khán giả xúc động vì sự can trường của ngư dân Việt đối với chủ quyền biển đảo, sự quả cảm không quản hi sinh, mất mất của những người đang ngày đêm thực thi nhiệm vụ trên biển, về hành động ngang ngược, thô bạo của phía Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

“To quoc nhin tu bien”: Nhung bang chung lich su song dong
Bé Xuân Trường: "Con muốn trở thành Cảnh sát biển" (ảnh: Văn Mịnh)

Từ đầu cầu Lý Sơn, mới chỉ 10 tuổi nhưng những chia sẻ của bé Dương Thị Xuân Trường, con gái ngư dân Dương Ngọc Giàu, ở thôn Đông, xã An Hải, người gần 20 năm bám biển Hoàng Sa, hàng chục lần bị TQ tấn công cướp tài sản tại Hoàng Sa, khiến khán giả rưng rưng.  “Ông nội con nói Hoàng Sa, Trường Sa là vườn cây, ao cá của người Lý Sơn. Cha con đi biển bị Trung Quốc lấy hết tài sản, đánh đập rất cực khổ nên con muốn làm Cảnh sát biển để ra biển bảo vệ cha con, các chú, các bác đánh bắt cá”, Xuân Trường nói.

Chị Lê Thị Khánh Vân, vợ kiểm ngư Đào Duy Cận (Chi đội kiểm ngư 3, Cục kiểm ngư) cho biết chị chia sẻ những nguy hiểm, khó khăn, vất vả mà chồng cùng đồng đội đang ngày đêm đối mặt. “Vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo của đất nước, tôi luôn ủng hộ để chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi ngày, tôi chờ tin anh qua ti vi, báo chí và luôn tự hào về anh”, chị Vân cho biết.

Chương trình truyền hình trực tiếp “Tổ Quốc nhìn từ biển” một lần nữa khẳng định, dù khó khăn gian khổ, như truyền thống, lịch sử ngàn đời, cả dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, một lòng đấu tranh với những hành động ngang ngược, vô nhân đạo của Trung Quốc, chung tay, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“To quoc nhin tu bien”: Nhung bang chung lich su song dong
Nhà báo Philip chia sẻ cảm nhận của ông về chương trình (ảnh: Đình Thức)

Có mặt tại buổi giao lưu chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”, nhà báo Bruno Philip, Phụ trách thông tin khu vực Đông Nam Á của nhật báo Pháp Le Monde cho rằng đây là cách bày tỏ, khơi dậy lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Ông đánh giá cao sự thông minh, khéo léo của những người thực hiện chương trình. “Họ đã lồng ghép những hình ảnh thực tại của lực lượng chấp pháp Việt Nam đang bảo vệ chủ quyền với những hình ảnh, bằng chứng lịch sử. Những chứng cứ lịch sử này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, nhà báo Bruno Philip nhận định.

ĐÌNH THỨC - VĂN MỊNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI