Tổ quốc ghi công 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng sau hơn nửa thế kỷ

28/04/2025 - 21:03

PNO - Ngày 28/4, Sở Nội vụ long trọng tổ chức lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Các thành viên CLB Truyền thống kháng chiến khối Phụ nữ TP thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
Các thành viên CLB Truyền thống kháng chiến khối Phụ nữ TP thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Tham dự sự kiện, có bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bà Lê Thị Thu - Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối Phụ nữ TPHCM cùng các cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định.

Tại sự kiện, bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 5 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng - lực lượng võ trang trực thuộc Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, tổ chức tiền thân của Hội LHPN TPHCM ngày nay. Đó là liệt sĩ Lê Thị Hai, Lê Văn Tư, Lê Thị Sáu, Lê Văn Bo, Lý Giao Duyên - những chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và ngã xuống dòng Kênh Tẻ trong đợt hai cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Bà Lê Thị Thu – Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến
Bà Lê Thị Thu – Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM đến từng mộ liệt sĩ thắp hương

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, do lịch sử chiến tranh khốc liệt tại chiến trường miền Nam, đa số cán bộ chiến sĩ là người từ các miền quê bị bom đạn chiến tranh tàn phá và cán bộ chiến sĩ cũ bị giặc phát hiện truy sát trôi dạt tới Sài Gòn phải thay tên đổi họ hoặc dùng tên biệt danh.

Ngoài ra, đặc thù của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng là bám trụ hoạt động bí mật trong nội đô đầu não giặc, do đó, để tồn tại và tránh tổn thất, khi bổ sung quân chỉ biết bí danh, không biết họ tên thật cũng như quê quán, tên cha mẹ hoặc thân nhân. Cho đến lúc hy sinh, cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn chỉ để lại lòng yêu nước và một ít dòng lý lịch hoặc tên biệt danh.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - phát biểu tại sự kiện
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - phát biểu tại sự kiện

“Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chiến đấu trong và sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại mặt trận liên quận 2 – 4, có 13 chiến sĩ đã hy sinh. Đồng chí Lê Hồng Quân - Tiểu đoàn trưởng bị thương mất một cánh tay và bị địch bắt tù đày ra Côn Đảo, đến năm 1973 được trao trả.

Ngày 20/7/2012, 8 liệt sĩ được nhà nước cấp bằng “Tổ quốc ghi công”. Còn lại 5 đồng chí đến nay vẫn chưa tìm được tên tuổi, quê quán, thân nhân. Do đó, Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đề xuất lấy họ của đồng chí Lê Thị Riêng làm họ cho 5 đồng chí đã hy sinh”, bà Diệu Thúy nói.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, bà Diệu Thúy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến hương hồn các anh hùng liệt sĩ nói chung, anh hùng liệt sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Sài Gòn nói riêng đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đại diện đại diện CLB Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM đã đại diện thân nhân và Bằng Tổ quốc ghi công
Đại diện CLB Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM nhận Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 5 liệt sĩ tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng

Bà đề nghị, trong thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM thực hiện tốt hơn nữa chính sách chăm lo, phụng dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân người có công. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng đồng hành chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú nhằm bù đắp phần nào những đau thương, mất mát của người có công và thân nhân người có công; coi đây là trách nhiệm, tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Bà Lê Hồng Quân - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng xúc động rơi nước mắt vì hành trình 11 năm bôn ba tìm sự công nhận cho đồng đội đã có kết quả
Bà Lê Hồng Quân - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng xúc động rơi nước mắt vì hành trình 11 năm bôn ba tìm sự công nhận cho đồng đội đã có kết quả

Như vậy, 5 cái tên được ghi công liệt sĩ không phải tên thật nhưng là những danh xưng đồng đội đã dành cho các liệt sĩ với tất cả sự kính trọng. Sau hơn nửa thế kỷ, sự hy sinh ấy đã chính thức được ghi nhận. Do 5 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng không có thân nhân, nên đại diện CLB Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM đã đại diện thân nhân nhận Bằng "Tổ quốc ghi công". Bằng sẽ được đặt trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.

Thu Lê

 
TIN MỚI