Tô phở tình người

25/11/2017 - 14:00

PNO - Tôi đến bên chị. Chị đang cầm một cây dài như chiếc đũa bếp khuấy đều trong chảo, ớt tươi và dầu ăn sôi sùng sục. Bên dưới, chiếc lò than đá rực lửa. Bên cạnh, chiếc lò khác với thùng nước hầm xương tỏa hơi mù mịt.

Bún bò, phở, cơm trưa... 20.000 đồng

Một người khách vào. Họ gọi tô bún bò. Chị cao giọng: “Chị Tư ơi lên bán hàng”, và rồi nói vọng ra với khách: “Chị làm ơn chờ chút xíu. Em không bỏ đi nấu cho chị được”.

Người chị trên gác bước xuống quậy chảo thay chị. Chị bước ra, vào quầy làm ngay tô bún bò cho khách. Mùi bún, nước lèo thơm phưng phứt ...

To pho tinh nguoi
Khách của quán phần lớn là công nhân, người lao động vất vả.

Chị bước xuống bên dưới tiếp tục quậy chảo ớt. Người chị lấy ra 2 bịch ớt khô đổ thêm vào chảo đang sôi. Lần này thì không thể chịu được, tôi phải bước ra xa. Nồng và cay xông vào mũi... Thế mà hai chị em vẫn cứ bên nhau cho đến lúc xong chảo sa-tế.

Chị là Trịnh Thị Kiều Oanh, 49 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Chị kể, năm ấy chị mới 17 tuổi gặp anh lớn hơn chị 5 tuổi. Hai người như gặp phải tiếng sét, quyết định thành vợ chồng. Chị lên Sài Gòn và ở tại căn nhà này trong khu vực Sở Thùng vốn có nhiều bà con lao động vất vả.

Những ngày đầu lập gia đình, chị được mẹ chồng truyền bí quyết nấu phở, bún bò và các món ăn khác. Chị miệt mài và chuyên tâm. Cứ thế, chị và cả nhà chung tay vào quán phở.

Thời gian cứ trôi đi. 32 năm trôi qua cuộc tình của chị vẫn trọn vẹn mặc dù chị không sinh được đứa con nào. Chị nói, không biết do ai nhưng điều đó không cần thiết. Chúng tôi vẫn yêu nhau, vẫn hạnh phúc và hàng ngày anh ấy vẫn cùng cả nhà góp sức vào quán phở.

To pho tinh nguoi
Tô bún bò đầy thịt giá chỉ 20.000 đồng.

Để có chút ấm áp, anh chị nhận nuôi đứa cháu gọi bằng ông bà khi còn đỏ hỏn. Đến nay, cháu đã 14 tuổi, học lớp 9. Giờ rảnh cháu phụ giúp việc cho cả nhà.

Quán phở của chị Oanh trước đây trong hẻm nhỏ đường Phan Văn Trị (P.11, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Từ khi đường Phạm Văn Đồng được mở ra thành con đường lớn vào hàng bậc nhất của thành phố thì mặt sau của căn nhà trở thành mặt tiền. Quán phở có điều kiện vươn ra bên ngoài.

Chị kê một dãy bàn bên ngoài và vài bàn bên trong. Buổi sáng và trưa, quán không lúc nào ngớt khách. Những người khách đến đây đa phần là người lao động nghèo, sinh viên học sinh. Cũng có những người khách sang trọng, đi xe hơi ghé vào. Đôi khi vài người nước ngoài đến thưởng thức món ăn của chị. Dù nghèo hay giàu, sang hay hèn, chị vẫn lấy 20.000đ/tô, cái giá mà hiếm có quán phở nào ở thành phố có thể bán được.

Tình người

Quán có tất cả 5 người làm. Vợ chồng chị Oanh và đứa cháu con nuôi, một đứa cháu khác của anh và chị Kiều Hạnh, chị ruột thứ 4 của chị Oanh. Quán cũng là nhà của anh chị nên không phải mất một khoản tiền thuê mướn nhân công và mặt bằng.

Hàng ngày, quán bắt đầu mở cửa từ 4g sáng. Chồng chị Oanh đi chợ thật sớm. Anh đi mua những thứ mà không ai bỏ mối tận nơi từ bao nhiêu năm nay. Nào rau, nào giá, gia vị mắm muối,...

Ở nhà, chị Oanh lo nêm nếm nồi nước lèo, chuẩn bị thịt để bán. Tất cả đều ngăn nắp và qui cũ bởi công việc diễn ra đều đặn từ hàng chục năm nay.

Chị Kiều Hạnh cho biết, mỗi năm có một đợt lên giá khoảng 10 ngày vào dịp Tết. Tết vẫn bán nhưng thời điểm này hàng hóa lên giá cao quá, nhất là rau và những thứ phụ gia linh tinh nên buộc lòng phải bán 25.000đ/tô. Sau Tết lại trở về giá cũ.

To pho tinh nguoi
Cả một ngày với 5 người lao động miệt mài, tiền lời chỉ chừng hơn 300.000 đồng. 

“Chúng tôi là những người lao động lam lũ biết giá trị của đồng tiền kiếm được. Vì thế mọi thành viên trong gia đình đều nhất trí bán rẻ phục vụ người nghèo. Mỗi ngày có hàng trăm tô phở bún được bán ra", chị Hạnh tâm sự. “Chúng tôi làm việc theo cách luân phiên. Như Oanh làm đến 16g thì đi ngủ đến 21g dậy làm tiếp đến 0g hôm sau thì nghỉ. 4g sáng bắt đầu một ngày mới. Những người khác cũng thế, tùy theo công việc mà sắp xếp nghỉ ngơi. Tuy vậy, đã hơn 30 năm rồi, chúng tôi đều mỏi mệt. Muốn nghỉ lắm rồi anh ơi nhưng mình nghỉ vừa buồn và vừa thương những người lao động nghèo không có nơi qua bữa hợp với túi tiền. Cứ thế mà dùng dằng mãi”.

Tôi ngồi vào bàn. Một tô phở bưng ra. Những lát thịt sắp đều trên mặt bánh. Nước lèo váng mỡ trông thật hấp dẫn. Húp một muỗng, nước ngọt thật. Thịt mềm và lượng bánh cũng đủ cho bữa ăn sáng. Tôi hỏi chị Kiều Hạnh, cả gia đình đều dân miền Tây mà sao nấu món bắc, món Huế ngon thế. Chị cười thật hiền hòa: “Nấu đã 32 năm rồi, phải ngon chứ anh!”.

Cả một ngày với 5 người lao động miệt mài, tiền lời chỉ chừng hơn 300.000 đồng. Chị Oạnh trải lòng, thôi vậy cũng tạm qua ngày, vẫn còn hơn một số bà con lao động cật lực vẫn không đủ ăn. Cũng chính vì thế tô phở, tô bún bò và bữa cơm trưa vẫn cứ 20.000 đồng từ nhiều năm nay…

Trần Chánh Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI