Tổ “phán xử” của làng

17/07/2024 - 06:22

PNO - Những xung đột từ trong gia đình ra ngoài ngõ xóm, làng quê, thậm chí không ít chuyện dở khóc dở cười tưởng như rất khó giải quyết, đã được tổ hòa giải dùng “lời gan ruột” giải quyết nhẹ nhàng, góp phần xây dựng làng quê văn hóa, giảm tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Mưa dầm thấm lâu

Mở sổ ghi chép những mâu thuẫn trong làng, ông Bùi Đức Lý - Bí thư chi bộ thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - nói rằng, vụ việc anh em ruột xích mích nhau vì một mảnh đất xem như đã ổn, khi mà cả 2 đã tìm được tiếng nói chung. “Vụ việc này khá đơn giản, chúng tôi chỉ đến nói chuyện vài lần rồi cả 2 anh em chịu xuống nước, làm hòa với nhau” - ông Lý nói. Đây cũng là vụ việc duy nhất tổ hòa giải thôn Bắc Bình phải vào cuộc trong ít tháng gần đây. Công việc của những người được xem là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này dường như không còn bận rộn như trước.

Ông Lý bảo rằng, vì nằm giáp ranh với TP Hà Tĩnh, nên tình hình an ninh trật tự ở làng quê này hơn 10 năm trước rất phức tạp. Chuyện cờ bạc, rượu chè, đánh nhau, tranh chấp đất đai, gia đình lục đục… xảy ra như “cơm bữa”. Nhưng kể từ khi xã bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới thì mọi thứ dần đổi thay theo hướng tích cực, nhất là sau khi thành lập tổ hòa giải cộng đồng ở các thôn nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn trong các gia đình, những xích mích âm ỉ lâu nay giữa hàng xóm láng giềng với nhau.

Tổ hòa giải thôn Bắc Bình (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đến nhà người dân để tìm hiểu vấn đề khi có xung đột
Tổ hòa giải thôn Bắc Bình (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đến nhà người dân để tìm hiểu vấn đề khi có xung đột

Mỗi tổ hòa giải gồm 7 thành viên, tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ phó là thôn trưởng, còn lại là những người đứng đầu các đoàn thể. Các thành viên đều là những người có kinh nghiệm sống, có uy tín trong thôn, nên có tiếng nói khi can thiệp vào các vụ xung đột, xích mích. Ông Nguyễn Trọng Túc - Trưởng thôn Bắc Bình - nói: “Mình như trọng tài, đứng ra phân tích đúng sai, được mất, chứ không phán xử ai”.

Theo ông, khi xảy ra mâu thuẫn, các “đương sự” sẽ rất khó ngồi lại với nhau. Hiểu tâm lý đó, các “trọng tài” thường tìm hiểu trước câu chuyện, sau đó mới đến gặp những người liên quan để cắt nghĩa phải trái bằng những quy định của pháp luật và quy định trong hương ước của làng.

Khi đã nắm bắt được tâm lý của những người trong cuộc, tổ tìm cách kết nối để các bên nói chuyện, tìm tiếng nói chung, hóa giải mâu thuẫn. Nhờ kiên trì hòa giải theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, phần lớn những mâu thuẫn lớn bé trong thôn đều được giải quyết kịp thời.

Tiếng nói của tổ hòa giải cũng ngày càng có ảnh hưởng lớn nên mọi mâu thuẫn khi không thể tự tìm được tiếng nói chung đều tìm đến nhờ tổ hòa giải thay vì nhờ công an, pháp luật hoặc tòa án. Không còn tình trạng khiếu kiện kéo dài, tình làng nghĩa xóm cũng dần được thắt chặt hơn.

Ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn - cho biết, 7 tổ hòa giải của 7 thôn ở xã những năm qua đều hoạt động rất hiệu quả. Không đơn thuần đi hóa giải mâu thuẫn mà các thành viên trong tổ còn tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối và pháp luật của Nhà nước cho người dân. “Phải nói rằng, các tổ hòa giải đã làm rất tốt công việc của mình nên cũng giảm tải một phần công việc cho lực lượng công an và chính quyền xã. Những năm gần đây, trên địa bàn không còn xảy ra những vụ khiếu kiện vượt cấp phức tạp. Những buổi tiếp dân của chúng tôi cũng nhàn nhã hơn so với trước rất nhiều” - ông Huy nói.

Cứu vãn những cuộc hôn nhân bên bờ vực

Được biết đến là “người phán xử” của làng trong hơn 5 năm qua, bà Hoàng Thị Lý - Bí thư chi bộ xóm 1, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - bảo rằng, gian nan nhất là hòa giải xung đột cho những cuộc hôn nhân đang bên bờ vực tan vỡ.

Năm 2023, 2 cặp vợ chồng tính dắt nhau ra tòa đã rút lại đơn sau khi được tổ hòa giải can thiệp. “Những trường hợp này, là chị em phụ nữ với nhau nên tôi thường gặp nói chuyện với người vợ trước. Rồi sau đó mới gặp cả 2 vợ chồng, phân tích cái được, cái mất nếu hạnh phúc đổ vỡ. Con cái ly tán mỗi đứa một nơi, rồi đây chúng sẽ ra sao. Có khi mình phải gặp nói chuyện đến 5-6 lần họ mới chịu xuống nước, thay đổi để tiếp tục chung sống với nhau” - bà Lý kể.

Song cũng có lúc tổ hòa giải phải bỏ cuộc, khi biết hạnh phúc gia đình không thể cứu vãn. Mới đây, khi biết một phụ nữ đã có 2 con đưa đơn ly hôn ra tòa, bà Lý tìm đến hàng xóm dò hỏi mới biết do người chồng lười biếng, thường xuyên đánh đập vợ. Gần cả chục lần, bà Lý khi đi một mình, khi đi cùng tổ hòa giải đến nói chuyện, khuyên răn ông chồng thay đổi, nhưng không đạt kết quả.

“Thậm chí công an cũng đã mời lên làm việc nhưng người này càng đánh vợ mạnh tay hơn. Thế nên chúng tôi không can thiệp nữa, nhưng theo dõi để giúp đỡ và bảo vệ ba mẹ con” - bà Lý nói. Theo bà, tổ chỉ gắng phân tích lý lẽ, hoặc làm rõ những mâu thuẫn, hiểu lầm không đáng có để cữu vãn hạnh phúc gia đình họ. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn nằm ở người vợ, người chồng.

Bà Lý cho hay, một hòa giải viên ngoài nắm vững kiến thức pháp luật, có tiếng nói thì còn phải trang bị cho mình những kỹ năng nhất định. “Có khi tôi phải nhờ công an xã đi cùng, nhưng cũng có lúc đi một mình. Ghé nhà chơi như hàng xóm, quan tâm hỏi han tình hình công việc, gia đình họ. Chỉ khi nào họ cởi mở, kể về chuyện của mình thì tôi mới phân tích vấn đề, đưa ra lời khuyên” - bà Lý nói.

Tìm lại được hạnh phúc ngay trên bờ vực, nhiều cặp vợ chồng nay lại xem bà Lý như “bà mối” khi giúp họ “lần nữa tìm thấy nhau”. Bà bảo rằng, đó cũng chính là động lực lớn nhất để bà tiếp tục đi hóa giải mâu thuẫn cho dân làng, góp phần xây dựng làng văn hóa.

Bà Hoàng Thị Lý (ngồi giữa) - Bí thư chi bộ xóm 1, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - cùng các thành viên trong tổ hòa giải của xóm
Bà Hoàng Thị Lý (ngồi giữa) - Bí thư chi bộ xóm 1, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - cùng các thành viên trong tổ hòa giải của xóm

Chị Nguyễn Thị Hoàn - công chức tư pháp xã Bắc Thành - cho biết, bà Lý là một hòa giải viên rất năng nổ, có tiếng nói ở địa phương nên phần lớn các xích mích, mâu thuẫn đều được bà hòa giải thành công. Nhiều mâu thuẫn nhỏ nhặt, thậm chí là những chuyện rất đơn giản, nếu không có tổ hòa giải can thiệp kịp thời thì dễ phát sinh nhiều hệ lụy. “Phần lớn các hòa giải viên ở xã chúng tôi đều là người lớn tuổi, có tiếng nói ở làng nên họ làm việc rất hiệu quả. Nhưng vì đã lớn tuổi nên việc tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật mới cho họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn” - chị Hoàn nói.

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó chủ tịch huyện Yên Thành - cho biết, toàn huyện hiện có 338 tổ hòa giải với 2.410 hòa giải viên. Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và xử lý gần 4.000 vụ việc liên quan đến các vấn đề như đất đai, hôn nhân và gia đình, những tranh chấp nhỏ trong cuộc sống…

Trong đó, tỉ lệ hòa giải thành công lên tới 82%. “Hòa giải viên là những người gần với dân nhất, nên họ kịp thời nắm bắt cũng như xử lý những mâu thuẫn, xung đột xảy ra hơn. Giải quyết sớm, dứt điểm nên hạn chế được đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp phát sinh. Quan trọng nhất là giữ mối quan hệ đoàn kết làng xóm với nhau” - ông Truyền nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI