PNO - Mang hai phong cách trái ngược nhau, hai hình ảnh không có chút tương đồng, hai dòng nhạc cũng “xa lạ” nhau… chính vì thế không ít người ngạc nhiên khi biết Tố My và Tố Ny là chị em.
Nhưng, sự đối nghịch nhau về hình ảnh bên ngoài đó chưa là gì so với sự đối nghịch đầy thú vị về tính cách của hai chị em. Thỉnh thoảng, trong một vài tình huống, dường như vai trò chị - em đã có sự hoán đổi.
Âm nhạc và "chị em á quân"
Thuở bé, Tố My và Tố Ny suốt ngày hát véo von, hát từ phòng ngủ đến phòng tắm, giành nhau micro mà hát karaoke ở nhà. Mỗi khi có đoàn ca hát về, hai chị em được ba mẹ chở đi xem, xong về nhà cứ bắt chước người ta mà diễn lại. Không có trang phục thì lén lục trang phục của mẹ mặc, thấy người ta trang điểm nên về nhà cũng lấy son của mẹ bôi… Cả hai chị em đều lần lượt tham gia đội văn nghệ thông tin lưu động của huyện nhà, góp mặt trong các cuộc thi hát của Đà Nẵng, cùng từng đoạt giải… Tuy nhiên, nếu như ngay từ đầu Tố Ny đã biết mình muốn gì, đi con đường nào thì Tố My ngược lại. Học hết phổ thông, cô em vào Nhạc viện TP.HCM trong khi chị gái mình lại theo học luật. Ny muốn được hát trên sân khấu, xác định sẽ làm ca sĩ, còn My thì chưa bao giờ nghĩ đến việc ấy, dù đam mê ca hát thì cả hai như nhau.
Ngày ngày Ny ê a luyện giọng, còn My thì căng não với những bộ luật, tình huống pháp lý tại Đại học Luật TP.HCM. My nói, cô không có định hướng gì về nghề nghiệp, chỉ là thi thôi, và hai ngã rẽ khác nhau của hai chị em cũng là ý muốn của ba mẹ. My học khá, và với sự nhút nhát yếu đuối của My, ba mẹ muốn cô có một công việc ổn định hơn là con đường nhiều cạm bẫy, phiêu lưu của showbiz. Để rồi những ngày hai chị em ở chung nhà, khi Ny hát, đàn và “nhúng chân” vào nghệ thuật, My lại thấy mình bị hụt đi một điều gì đó.
Nếu như Tố My có vẻ ngoài dịu dàng và yếu đuối thì Tố Ny sôi động và có chút gì đó nổi loạn
Thời sinh viên, hai chị em cũng đi hát, chỉ là mỗi người một ngã: Ny đến những tụ điểm nhỏ với các dòng nhạc trẻ, My đến những nơi người ta tìm kiếm giọng ca mượt mà của nhạc trữ tình. Ny có kiến thức về cách xử lý bài hát mà cô học ở Nhạc viện, thế là chỉ lại cho chị, hướng dẫn chị hát sao cho “tình” hơn. Kiến thức thanh nhạc mà My được đào tạo, là ở những khóa ngắn hạn của giảng viên Ánh Tuyết (Nhạc viện TP.HCM).
“Tôi là chị nhưng cái gì cũng đi sau Ny. Ny đi hát nhiều hơn tôi, khả năng sân khấu của Ny cũng tốt hơn tôi”, Tố My nói. Ít ai biết rằng từ bé, dòng nhạc mà Ny thích cũng là boléro, trữ tình quê hương. Đó là những ngày mà những cái tên như Đình Văn, Ngọc Huyền… thống trị thị trường, cả My và Ny đều say sưa hát theo. Khi lên trung học phổ thông, Tố Ny bắt đầu tiếp xúc với nhạc trẻ và cô dần chuyển hướng. Đó là lý do mà đến bây giờ, khi My chỉ hát được boléro thì Ny lại hát được nhiều thể loại hơn.
Khi My ra trường rồi vào làm việc tại một công ty điện lạnh, cô bắt đầu thấy mình đã... sai đường. Những ngày đó, nhìn Ny tối tối diện đồ đi hát, cô lại hụt hẫng. Công việc một ngày tám tiếng đồng hồ dường như vắt hết sức cô, khiến cô không còn tâm trí và thời gian nào nữa. Cô cứ giằng co như thế, giữa công việc và đam mê, thẫn thờ trên con đường mình đi, cho đến khi chương trình Solo cùng boléro mùa thứ 2 tuyển sinh. Sau mỗi đêm thi, cái tên Tố My lại khắc vào lòng khán giả thêm một nấc.
Tố My trở thành Á quân của chương trình, để rồi sau đó là một chặng đường mới. Trong thời gian đó, Tố Ny cũng kịp ghi tên mình với việc trở thành Á quân chương trình Giọng hát Việt, rồi theo huấn luyện viên của mình là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn nhiều nơi. Cho đến bây giờ, kẻ đi sau gần như đã về trước ở phân khúc hẹp boléro, Tố My là một cái tên được săn đón và cô cũng đã có liveshow riêng của mình, liveshow Duyên phận, ở sân khấu 126 vào tối 20/8/2016. Tố Ny, trong dòng chảy đất chật người đông của phân khúc nhạc trẻ, vẫn đang giai đoạn tìm đường riêng cho mình.
Tuy hai mà một
Nếu như Tố My có vẻ ngoài dịu dàng và yếu đuối thì Tố Ny sôi động và có chút gì đó nổi loạn; My nhẹ nhàng trong các tình huống còn Ny thì nỏng nảy. Ngoài việc là chị gái, đó cũng là lý do My được ba mẹ trao quyền “cai quản” Ny khi cả hai xa nhà vào Sài Gòn. Ny độc lập còn My yếu đuối. Ny có thể tự mình làm những việc của mình, còn My thì lúc nào cũng cần ai đó bên cạnh. Những lúc đi diễn chung, Ny luôn là người bảo vệ chị. Cả việc chuẩn bị quần áo đi diễn, Ny luôn là người giúp My vì nếu xoay xở một mình, My lại rối.
Nhưng, đó chỉ là vẻ ngoài. “Ny được cái miệng vậy thôi nhưng bên trong nhát gan lắm, còn tôi thì trông vậy chứ lì lắm. Ngoại trừ khi tôi chưa biết mình muốn gì, chứ tôi đã muốn cái gì thì phải đạt cho bằng được. Thậ t ra tôi có những quyết định táo bạo hơn Ny”, Tố My nói. Còn Tố Ny thì cười lớn: “Ai cũng tưởng tôi ăn hiếp chị My, chỉ người trong cuộc mới biết thôi. Mà từ hồi nhỏ đã vậy rồi. Hồi đó mỗi khi đi chơi, hàng xóm hay la trời ơi, con này nó ăn hiếp con chị nó quá! Ừ thì tôi dữ thiệt, nhưng mà đụng chuyện, chị hai la một phát là tôi chạy mất dép”.
Khi My nghỉ việc để theo đường ca hát, ba mẹ là người phản đối đầu tiên. Bốn năm học đại học đổ sông đổ biển, nhưng My - khi ấy đã biết mình muốn gì - không thay đổi lựa chọn của mình. Sự kiên quyết ấy không chỉ là biểu hiện kiên định duy nhất của Tố My. My “cai quản” em theo một kỷ luật thép, 10g đêm Ny phải có mặt ở nhà là sẽ cứ như thế mà “thi hành”, mặc cho Ny khổ sở hay năn nỉ, My cũng không thay đổi. Như bao chị em gái kế tuổi nhau khác, những trận cãi vã, giận hờn và khóc lóc vẫn xảy ra. Ny giận My vì tính quên trước quên sau, hay bắt bẻ; còn My giận Ny vì sự nổi loạn của tuổi trẻ lắm lúc vượt qua “hàng rào an ninh” mà cô dựng lên.
Ny kể, nhiều lần cô muốn thuê nhà trọ khác để ở vì bực bội quá. “Tôi nói với Hai là bây giờ mệt quá rồi, Hai nói nhiều quá nên em dọn đi. Thế là Hai thách: ừ giỏi thì dọn đi đi”, Tố Ny nói. Có điều, những lúc “chén trong sóng còn khua” ấy trôi qua rất nhanh, cả hai chị em ít khi nào giận nhau quá một ngày nên chuyện dọn đi không xảy ra. Thậm chí, chuyện giận hờn và kiểm soát đôi khi lại trở thành những kỷ niệm vui, mà Tố Ny thỉnh thoảng lại đùa là chắc cho đến khi có chồng, cô vẫn chưa thôi bị chị Hai kiểm soát. My không giận câu nói đùa ấy mà ngược lại, cô gật đầu cái rụp: “Đúng rồi, khi nào Ny còn là em My thì My còn kiểm soát Ny”.
Ny nói, thật ra những kẻ độc lập như cô thường có một đặc điểm cố hữu khiến người khác hoặc lo lắng hoặc không muốn gần, đó là ít chia sẻ, ít bộc lộ cảm xúc. Trước một tình huống, nếu My sốt sắng hỏi han và dành nhiều cử chỉ quan tâm thì Ny ngược lại, cô chỉ ngồi im lắng nghe. Đôi khi cô nhận sự trách móc từ người xung quanh, rằng sao thờ ơ quá. Thỉnh thoảng, người ta lại hỏi Ny về tốc độ trên hành trình của hai chị em, rằng Ny có buồn không khi cô là người đi trước nhưng về sau. Những lúc như thế Ny lại cười lớn. Với cô, hai chị em được như ngày hôm nay đã là một sự đãi ngộ. Con đường âm nhạc, phải duyên thì mới tới. Cô cũng hiểu rõ lý do vì sao My thành công với boléro còn mình chật vật hơn với dòng nhạc trẻ. Bây giờ, thỉnh thoảng Ny lại hỗ trợ My trong các yêu cầu song ca về boléro. “Thật sự là Ny đa năng hơn tôi. Ny có thể hát boléro cùng tôi nhưng tôi không thể song ca nhạc trẻ với Ny được. Gần như Ny hỗ trợ tôi nhiều chứ tôi không hỗ trợ Ny được gì”, Tố My nói.
Hai nhánh rẽ khác nhau, hai hình ảnh khác nhau nhưng sau rốt, hình ảnh đẹp nhất của cả hai vẫn là đứng bên cạnh nhau, dù để cười hay để… giận.