Tổ kết cườm giúp chị em thêm thu nhập

18/04/2016 - 13:59

PNO - Sau hơn hai tháng hoạt động, Tổ kết cườm trên vải (KCTV) của Hội LHPN Q.Tân Phú (TP.HCM) đã mang lại việc làm, tạo thu nhập cho nhiều chị em.

Ngôi nhà của chị Trần Ngọc Hạnh, Tổ trưởng Tổ KCTV nhộn nhịp chị em đến giao, nhận sản phẩm và học nghề. Dưới bàn tay khéo léo, sáng tạo của các thành viên, nhiều mẫu áo dài, áo kiểu, đầm dự tiệc… đẹp hơn với những họa tiết hoa sen, cánh bướm, rồng, phượng được kết từ hạt cườm.

Chị Ngọc Hạnh làm nghề kết cườm đã hơn 10 năm, sau khi lập gia đình, sinh con, chị thôi nghề. Tình cờ, thấy mẫu áo dài đính cườm chị Hạnh làm giúp người bạn, nhiều người thích nên đặt hàng chị. Nghĩ rằ ng nhu cầ  và công việc này có thể mang lại thu nhập cho phụ nữ (PN), tháng 9/2015, Hội LHPN quận phối hợp Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng (TP. HCM) mở lớp dạy KCTV cho cán bộ, hội viên, nữ thanh niên, sinh viên… trên địa bàn quận. Ba tháng sau, Hội LHPN quận quyết định thành lập tổ KCTV để tạo điều kiện cho chị em tiếp tục học nghề, nhận sản phẩm gia công, kiếm thêm thu nhập.

To ket cuom giup chi em them thu nhap
Các thành viên trẻ vừa học vừa làm tại tổ KCTV của Hội LHPN Q. Tân Phú

Nhờ có sẵn đầu ra, quen biết nhiều nơi lấy hàng, chị Hạnh giúp tổ nhận gia công cho các chợ, cửa hàng quần áo ở Sài Gòn. Chị Hạnh trực tiếp nhận đơn hàng, làm mẫu các sản phẩm và hướng dẫn các thành viên cùng làm; chính chị kiểm tra, sửa lỗi sản phẩm trước khi giao hàng.

Chỉ vào mẫu áo dài được đính cườm đủ loại, chị Hạnh giới thiệu: “Đây là sản phẩm mới của tổ, rất được khách hàng yêu thích. Mọi thứ đều làm bằng tay, từ việc vẽ trên giấy, in lên vải, chọn loại cườm, màu sắc thích hợp. KCTV có độ khó cao, đòi hỏi phải tỉ mỉ. Mỗi loại vải mỗi cách đính, kết cườm khác nhau, nếu không cẩn thận, sẽ làm hư vải hoặc giảm độ bền của sản phẩm”. Tổ hiện có 16 người với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau. Các nữ thanh niên, sinh viên ra trường chưa có việc làm tìm đến tổ để vừa học vừa làm tại chỗ; những PN lớn tuổi, bận việc gia đình thì mang sản phẩm về gia công.

Vào ngày thường, tổ nhận gia công kết cườm áo dài, áo kiểu, đầm, váy cưới; nếu chịu khó làm đều tay, thu nhập mỗi người đạt trên 100.000 đồng/ngày. Dịp tết, hàng nhiều hơn, tổ nhận thêm các mẫu váy, đầm trẻ em. Ngoài gia công cho chợ, cửa hàng, tổ còn nhận là m cho khách lẻ ở nhiều nơi. Những đơn hàng này được xoay vòng chia đều cho các tổ viên, nên ai cũng có việc để làm.

Là thành viên trẻ tuổi trong Tổ KCTV, Nguyễn Kim Thy (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú) cho biết, sau khi học xong cao đẳng, ra trường nhưng chưa xin được việc làm, Thy đã tham gia lớp học kết cườm của Hội PN. Kim Thy nghĩ, học để biết thêm một nghề, nhưng càng học lại càng yêu thích: “Em muốn kiếm công việc nào gần nhà để thuận tiện chăm sóc cha mẹ. Sau khi hoàn thành lớp KCTV, em liền tham gia vào tổ, vừa thực hành cho quen tay, vừa có thu nhập phụ giúp cha mẹ. Mong rằng tổ sẽ duy trì và mở rộng để các bạn khác cũng có cơ hội như em”.

Tổ KCTV đã tạo công việc cho nhiều dì, chị nhàn rỗi, giúp mọi người có thêm chút ít tiền chi tiêu hàng ngày. Cô Nguyễn Thị Lê, SN 1963, ở P.Tân Thành, Q.Tân Phú vẫn đều đặn mỗi ngày đạp xe đến nhà chị Hạnh lấy hàng về làm, cô tâm sự : “Việc KCTV không dễ, lớn tuổi rồi, lại bận việc nhà cửa nên năng suất không bằng người trẻ. Làm đến đâu giao đến đó, thu nhập từ 50.000 - 60.000đ/ngày, nếu biết gói ghém cũng đủ bữa cơm cho gia đình”

Bà Trần Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú nhận định: “Tổ KCTV đã tạo việc làm ổn định, dạy nghề cho PN, sinh viên lưu trú trên địa bàn quận. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng nhiều chị em giới thiệu nhau tìm đến tổ để vừa học nghề miễn phí, vừa có việc làm. Đây là hoạt động thuộc đề án 295 “Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010- 2015”, góp phần cùng Hội PN quận giúp chị em có việc làm, ổn định cuộc sống”.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI