Tố Hữu (1917-2002): Tình trong như đã mặt ngoài còn e

18/05/2017 - 23:16

PNO - Trong quan hệ hàng ngày, trong khi nhà thơ muốn xưng “anh” và gọi “em”, nhưng người vợ thì vẫn gọi chồng là “anh” và xưng là “Thanh”

Những ngày tháng bảy Âm lịch trời cứ mưa rả rích. Trong lòng chàng thanh niên cứ bồn chồn mãi, bỗng sực nhớ: Đã sắp đến ngày cưới rồi! Nhưng đại diện gia đình đàng trai sẽ là ai? Bất chấp mưa gió, chàng vội đạp xe chạy xuống chợ Vực mời cụ Lang Trường - vốn là cơ sở cách mạng thời hoạt động bí mật mà chàng xem như nguời ruột thịt trong gia đình làm giúp nhiệm vụ quan trọng này. Vừa đi, chàng vừa bật lên tiếng cười hạnh phúc. Chao ôi! Duyên nợ nghĩ cũng lạ. Các chị bên Hội phụ nữ se duyên đến “mát” tay... Chàng nhớ lại, sau khi làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa được bảy tháng thì có lệnh của Trung ương điều lên Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Trước lúc sắp rời tỉnh nhà, chị Hào - Bí thư phụ nữ tỉnh mới bảo:

- Anh 27 tuổi rồi, sao không lấy vợ đi?

Chàng nửa đùa nửa thật:

- Chị có mối nào không đấy?

Chị Hào tủm tỉm:

- Anh thường gặp cô ấy mà không để ý à? Cái Thanh đấy. Nó học ở trường Đồng Khánh về, rất ngoan mà cũng xinh nữa. Nó hoạt động hăng lắm đấy, chịu không?

Nghe vậy, trong tâm trí  thoáng hiện lên nhan sắc của người mà mình từng gặp, chàng hài lòng:

- Thế thì chị chắp mối đi. Tôi vụng về lắm, không quen nói chuyện với người con gái đâu!

To Huu (1917-2002): Tinh trong nhu da mat ngoai con e
 

Thế là nhờ các chị bên Hội phụ nữ sắp xếp, ít lâu sau họ gặp nhau, sau này chàng nhớ lại: “Tôi bỗng nhận ra một tình cảm thật lớn lạ đang trào lên trong lòng”.

Và khi đã trở thành nhà thơ Tố Hữu nổi tiếng, giây phút tri ngộ ban đầu đã được kể lại bằng giọng văn thân mật:

“Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, nói:

- Tôi rất mến Thanh, không biết ý Thanh thế nào?

Nói xong tôi giận mình bao nhiêu lời lẽ biến đâu hết mà nói năng quê mùa đến vậy. Thanh đỏ mặt nhìn tôi, hỏi lại:

- Anh nói thế nào là thế nào?

Tôi bỗng trở nên can đảm:

- Còn thế nào nữa? Ai cũng bảo Thanh và tôi là đẹp đôi đấy. Đồng ý không?

Thanh dường như cũng tự tin hơn:

- Anh liều thật. Lỡ không đồng ý thì sao?

Tôi chẳng nói nữa. Biết là “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, liền cầm lấy tay cô bạn gái rất lâu trong lòng bàn tay mình và nói như kết luận:

- Thế là xong nhé. Ta tính ngày cưới đi thôi.

Đến đây Thanh tròn xoe mắt:

- Sao vội thế? Phải có thời gian “tìm hiểu” đã chứ?

Tôi nói:

- Không cần đâu. Tôi đã biết Thanh từ lâu. Từ khi ở Huế, người ta đã nói với tôi về Thanh. Bảy tháng qua, nhiều lần hội họp, càng hiểu rõ thêm, càng thấy mến. Chẳng phải tìm hiểu nữa.

Thanh không nói gì, chỉ hỏi:

- Thế bao giờ ta gặp lại nhau?

Tôi mừng quá càng nắm chặt tay cô bạn gái:

- Chỉ một tháng nữa là anh phải lên Việt Bắc rồi, nhanh lên thôi. Em về huyện thu xếp sớm nhé!”.

 Tất nhiên, lời đề nghị của nhà thơ cũng làm cho cô Thanh sửng sờ, nhưng rồi mọi việc đã diễn ra theo đúng dự định.

Đám cưới đã diễn ra tại làng Đạt Tài. Cô dâu mặc áo dài màu xanh lá mạ, không son phấn mà nước da trắng hồng, cứ ánh lên, trông rất xinh; còn chú rể thì vẫn bộ ka ki vàng nhạt như mọi cán bộ khác. Lễ cưới đơn giản mà ấm cúng, hạnh phúc. Trong ngày vui, mẹ cô dâu nói vui:

- Thế là tôi cho không anh con gái tôi đấy nhé!

To Huu (1917-2002): Tinh trong nhu da mat ngoai con e
 

Nhà thơ cảm động ôm chầm lấy bà cụ và tự đáy lòng yêu thương như chính mẹ ruột của mình. Đám cưới xong, đôi vợ chồng son xuôi thuyền lên Việt Bắc. “Tuần trăng mật của chúng tôi thế là được lênh đênh trên sông nước, vừa thơ mộng vừa có tính bi hài”. Tại nơi công tác mới, bài thơ tình “Mưa rơi” dành cho người tình đầu đã trào dâng cảm xúc:

Mưa rơi dầm lá cọ

Mái tóc em ướt rồi

Đôi má em bừng đỏ

Muốn hôn quá... mà thôi

Sợ em mình xấu hổ

Cầm lấy bàn tay nhỏ

Xa nhau chẳng muốn rời...

Em đi, đường đất mưa rơi

Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh

Em đi, anh nhớ dáng hình

Cái khăn mỏ quạ, cái mình áo nâu

Chiều nay heo hút rừng sâu

Mưa nguồn suối lũ biết đâu mà tìm?

Ước gì anh hóa thành chim

Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn

Trong quan hệ hàng ngày, trong khi nhà thơ muốn xưng “anh” và gọi “em”, nhưng người vợ thì vẫn gọi chồng là “anh” và xưng là “Thanh”. Suốt năm tháng đầu ấp tay gối, nhà thơ không làm nhiều thơ tình, đơn giản chỉ vì như lời tâm sự cho biết:

- Trong khi cả nước kháng chiến gian nan, mình lại đi in thơ “tình tang” thì thấy khó coi quá. Tôi hay nghĩ tới câu nói: “Người ta phải cảm xấu hổ khi mình sống hạnh phúc giữa những đau khổ, bất hạnh của người khác”. Để nói được lòng mình, tôi dịch Đợi anh về, bài thơ và bản dịch cũng là tấm lòng của tôi.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng ta cũng gặp đôi bài thơ tình của Tố Hữu, nhà thơ tiết lộ:

- Cái bài thơ Về chiến khu xưa là nói hết được tất cả tình yêu của mình. Ở chiến khu, hai vợ chồng cùng đi công tác, lúc đạp xe lúc vác xe, tất cả gia tài dồn vào chỉ vừa đủ một chiếc ba lô! Tình yêu đơn giản lắm, đâu có phức tạp, thế nhưng người ta lại cứ làm cho nó phức tạp ra. À tình yêu trong thơ thì có phức tạp đôi chút. Mình viết:

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế

Gió qua rừng đèo Khế gió sang

Có người bảo trong thơ mình gió mùa đông - bắc thổi ngược! Câu thơ này không nói về cái rét theo kiểu địa lý, nó là cái rét trong lòng. Không thể đọc thơ theo kiểu địa lý, phải nhập hồn vào đó mới đọc được thơ. Thơ đơn giản, có ý lại không cầu kỳ.

Cho dù sau này ở ngưỡng cửa của tuổi “cổ lai hy” thỉnh thoảng nhà thơ vẫn còn nhớ in trong óc giây phút gặp gỡ của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” được cầm tay người tình đầu: “Tất cả chỉ có 5 phút vậy mà mình đã có hạnh phúc hơn 50 năm rồi đấy!”.

To Huu (1917-2002): Tinh trong nhu da mat ngoai con e
Tố Hữu và vợ

Còn bà Thanh, sau này, trong lễ Tưởng niệm 100 ngày nhà thơ Tố Hữu mất (ngày 16.3.2002) có kể lại là hầu hết thơ của Tố Hữu sau khi làm xong, bà là người được đọc trước nhất: “Nhưng có một bài anh giấu tôi, đó là bài Tạm biệt. Anh sợ tôi đau. Anh suy nghĩ đã vài ba năm nay, có lẽ từ cuối năm 1999 khi anh nghe trong nguời mệt mỏi. Mãi đến Tết 2001 khi anh bị viêm phổi tưởng không qua được tại bệnh viện 108. Anh bèn nhờ chú y tá ghi lại bài thơ trên tờ giấy bệnh án.

Sau này anh cứ lẫm nhẩm: “Sống là cho...” tôi thì lại đùa: “Anh có của cải gì mà cho” thì anh lại mỉm cười. Sang năm nay biết anh khó qua khỏi tôi vội về tìm lại bài thơ nhưng vì trong tâm trạng nặng trĩu nên tôi chỉ thấy những bản nháp đầu trong đó còn có những câu như “Khi ta nhắm mắt lòng thanh thản...”. Tang lễ xong, khi bình tĩnh lại, con gái tôi mới tìm thấy bản chính thức mà ngày tháng anh còn để trống và còn viết bằng mực đỏ để tôi hiểu được đây là lời trăng trối tâm huyết của anh với đời. Anh đã tổng quát nhân sinh quan của mình như trong bài Trăn trối viết năm 1940 “Sống vì cách mạng, chết vì cách mạng chẳng phiền hà”.

Tôi hiểu anh đã sống như vậy suốt đời cho đến lúc nhắm mắt, lúc nghèo khổ thuở ấu thơ, lúc gian nan hoạt động cách mạng và cả sau này. Có nhiều đồng chí hỏi anh Lành trăng trối điều gì không. Trước đây có những lúc anh trầm ngâm vói với tôi: “Khi anh chết dừng ma chay gì to tát tốn kém, cứ hỏa thiêu rồi chia làm ba lọ tro, một đem về ở Huế để dưới chân mạ ở Huế, một để dưới chận cha ở Văn Điển (Hà Nội), còn một để ở nhà với mấy mẹ con cho ấm cúng”. Tôi có nói ý đó cho một vài đồng chí có trách nhiệm nhưng họ nói anh Tố Hữu là người của Đảng của dân...  nên gia đình đành chịu”.

Lâu nay, nhiều người nhầm tưởng nhà thơ Tố Hữu sinh tại Huế, nhưng thật ra sinh ngày 4.10.1917 tại Hội An, trong một nhà nho nghèo, tên thật là Nguyễn Kim Thành. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, năm 1939 bị thực dân bắt giam ở nhà lao miền Trung và Tây nguyên, năm 1943 vượt ngục Đắc Lay và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông đã có nhiều tác phẩm được xuất bản tiêu biểu như Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận, Máu và hoa... Được Giải thưởng văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954- 1955 với tập Việt Bắc, Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

Nhưng trước khi cưới cô Thanh, thì nhà thơ đã có người yêu chưa? Sau này bà Thanh tiết lộ: “Anh cũng có một mối tình chớm nở lúc trẻ nhưng anh không vương vấn ủy mị mà đã gác sang bên để đi theo cách mạng. Anh thật thà nói với tôi là một sự hy sinh của anh, của người thanh niên 17 tuổi mới giác ngộ cách mạng. Tôi thông cảm được sự hy sinh đó của anh, tuy không khỏi có những lúc chạnh lòng. Nhưng phải nói cái may mắn nhất là chúng tôi rất hiểu nhau (vì cùng một ngành tư tưởng, cùng làm chính trị) nên mọi suy nghĩ đều có thể trao đổi, cả việc chung của Đảng (tất nhiên với phạm vi tôi được quyền biết) và việc xã hội, việc nhà. Chúng tôi thật sự là hai người dồng chí tâm giao. Đó là hạnh phúc lớn của chúng tôi”.

Lê Minh Quốc

*Tài liệu tham khảo: Hồi ký Nhớ lại một thời - Tố Hữu- NXB Hội nhà văn 2000; Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 8.1998; báo Văn Nghệ số 12 (22.3.2002)...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI